| Hotline: 0983.970.780

Tư duy đột phá quyết định thành công

Thứ Ba 13/02/2018 , 08:01 (GMT+7)

Bỏ công chức nhà nước để lập công ty riêng năm 2007, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VinaCert đã khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực rất mới lúc bấy giờ - Dịch vụ chứng nhận và giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

09-07-18_dung
Ông Nguyễn Hữu Dũng: “Quân có quyền chọn tướng chứ tướng không có quyền chọn quân”

Thời điểm đó, chứng nhận và giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá gần như được mặc định là dịch vụ công, do cơ quan nhà nước đảm trách. Vậy người đàn ông này có kế sách gì để “làm thay công việc của cơ quan nhà nước”?
 

Tạo ra sự khác biệt

Để thu hút một dòng tiền lớn từ nguồn ngân sách nhà nước (và cả khối doanh nghiệp tư nhân) “chảy” vào tài khoản của đơn vị, thực hiện dịch vụ chứng nhận, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm soát an toàn thực phẩm, chắc chắn công ty của ông phải tạo ra điều gì đó khác biệt?

Tôi rất thích hai chữ “khác biệt”, bởi đó là yếu tố tạo nên sự mới lạ. Muốn thành công, ngoài đam mê, một startup (khởi nghiệp) phải có tư duy đột phá. Tôi có một khẩu hiệu treo ở cơ quan: “Nếu bạn cứ chăm chăm cải tiến cái đèn dầu, thì không bao giờ có cái đèn điện”. Hãy nghĩ cách khác để giải quyết vấn đề. Đừng chăm chú cải tiến những cái cũ kỹ, lỗi thời.

Chúng tôi thành công nhờ ứng dụng những công cụ, phương pháp giám định, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, các đơn vị nhà nước chưa ứng dụng hoặc không đủ thông tin để tiếp cận.

Ví dụ, để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan nhà nước thường tiến hành lấy mẫu sản phẩm cuối cùng rồi phân tích các chỉ tiêu vi sinh vật, hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nhưng, như vậy chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”, quản lý đằng ngọn. Bởi không một quốc gia nào đủ nguồn lực để lấy mẫu giám sát hàng ngày.

Cần có cách tiếp cận khác. Chúng tôi chứng nhận, giám định chất lượng sản phẩm theo chuỗi, mang tính hệ thống. Trong đó, khâu sau giám sát khâu trước trong toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm. Như vậy, những nguy cơ sẽ được phát hiện từ rất sớm để triệt tiêu, loại bỏ. Việc lấy mẫu sản phẩm cuối cùng để phân tích, chỉ nhằm mục đích chứng minh dây truyền sản xuất đó vận hành tốt hay không? Đúng hoạch định hay để điều chỉnh lại kế hoạch an toàn thực phẩm đã thiết lập.

Khách hàng rất thông thái. Họ sẽ lựa chọn dịch vụ nào tốt nhất, hiệu quả nhất cho mình. Đó là lý do mà VinaCert có đất sống.

Không ít startup có “tư duy đột phá”, tạo ra được sản phẩm/dịch vụ mới có chất lượng tốt, tuy nhiên, họ vẫn thất bại. Nguyên nhân do đâu?

Startup chính là một loại hình đầu tư rủi ro, phải chấp nhận và tìm cách vượt qua. Có rất nhiều công cụ để kiểm soát rủi ro, hãy đọc/học nó trước khi bỏ tiền đầu tư. Đặc biệt, một startup giỏi phải có khả năng phán đoán tình hình tốt để hoạch định chiến lược phát triển, tránh bị động.

Với các startup có sản phẩm, dịch vụ tốt, cần phải PR (quảng bá) để nhiều người biết đến. Truyền thông, phát triển thương hiệu là một bài toán khó. Bởi vậy, cần không ngừng sáng tạo trong mỗi tình huống để biến mình thành trung tâm của sự chú ý. Tiền không phải là tất cả, ý tưởng mới quan trọng.

Ví dụ, năm 2007, khi công ty vừa thành lập. Trong một sự kiện ký kết hợp đồng với một đối tác Hoa Kỳ, tôi rất muốn quảng bá trên kênh VTV1. Lúc đầu nhà đài từ chối. Tôi hỏi tại sao? Họ trả lời rằng: “Bao giờ chúng tôi phải đưa tin thì mới đưa”.

Ngay sau đó, tôi đã viết một giấy mời cho Cộng đồng Doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam, mời họ tham gia chứng kiến lễ ký kết. Rất nhiều doanh nhân Hoa Kỳ đã viết thư chúc mừng nhưng không đến dự, nhưng điều đó cũng đủ trở thành một sự kiện ngoại giao kinh tế và tất nhiên, phóng viên VTV đã chủ động liên hệ để được đưa tin về sự kiện.

Từ đó, thông tin về VinaCert được phủ sóng khắp cả nước hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, nghệ thuật “tạo sự kiện truyền thông” để thu hút sự quan tâm của dư luận vẫn đang được chúng tôi thực hiện rất hiệu quả.
 

Phải biết “làm cho người ta hiểu mình”

Nhiều startup ở Việt Nam muốn tham gia đầu tư, khai thác các mảng dịch vụ công (lâu nay vẫn được nhà nước “ôm” trọn) theo phương châm xã hội hóa. Nhưng dường như, vẫn còn không ít “mạng nhện” chính sách chưa được tháo gỡ, gây cản trở. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông có lời khuyên gì với họ?

Các doanh nghiệp Việt Nam thường chạy theo chính sách một cách thụ động. Khi chính sách thay đổi, thì hoạt động của doanh nghiệp cũng thay đổi theo, giống như một con tắc kè. Rất ít CEO nghĩ đến việc “làm cho người ta hiểu mình”.

Người hiểu mình đây bao gồm khách hàng, các cơ quan quản lý nhà nước và cả những đồng nghiệp nữa. Đây là bản chất tốt đẹp của từ “lobby” mà nhiều người đã hiểu nhầm “lobby” là đem biếu tiền bạc, quà cáp, hối lộ tình dục. Hiểu theo nghĩa tích cực, “lobby” là tìm cách vận động những người có liên quan hiểu mình, chấp nhận và ủng hộ cách làm của mình.

Với những việc mới thì rất cần sự ủng hộ của các cơ quan hoạch định chính sách thì mới có thể vận hành được. Ngày 13/10/2009, tôi có startup một công ty cung cấp dịch vụ công nhận và đã có giấy phép kinh doanh nhưng khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định gì về điều kiện hoạt động công nhận tư nhân nên công ty này hoạt động không hiệu quả vì bị coi là ngoài vòng pháp luật dù đã được các tổ chức quốc tế liên quan thừa nhận.

Sau một thời gian dài vận động, thậm chí kiện cả ra tòa hành chính để “người ta hiểu mình” thì cho đến ngày 2/10/2017 hoạt động công nhận tư nhân đầu tiên này mới có giấy xác nhận hoạt động trên tinh thần Nghị định 107/2016/NĐ-CP, và đó nay trở đi, các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam có thêm một lựa chọn dịch vụ công nhận khác. Nhiều người trong nghề đánh giá đây là một “việc làm để đời” của tôi.

Khởi nghiệp ở bất cứ quốc gia nào (kể cả Mỹ) cũng không thể nào tránh khỏi rào cản về chính sách. Quan trọng nhất là một startup phải biết cách “vận động” đúng cách, đúng người, đúng thời điểm để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Con người là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách cho người lao động để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng hay không?

Bạn hãy thử đặt câu hỏi: Tại sao người lao động không thích làm việc ở doanh nghiệp tư nhân mà chỉ thích vào cơ quan nhà nước? Bởi vì nhiều người nghĩ rằng, doanh nghiệp tư nhân thiếu ổn định, hay bị lệ thuộc vào ý chí của người đứng đầu.

Vậy bạn hãy chứng tỏ cho người lao động thấy ở doanh nghiệp tư nhân cũng ổn định và có thể còn có nhiều điểm ưu việt hơn trong cơ quan nhà nước. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy cam kết “Chính sách cho người lao động, nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động” trong quy chế hoạt động của công ty đã được tôi tuân thủ trong suốt 10 năm qua.

Mặt khác, cần thấm nhuần quan điểm: “Quân có quyền chọn tướng chứ tướng không có quyền chọn quân”. Hãy làm việc và hành xử ra sao để quân chọn mình và đặc biệt quan trọng là bạn phải gắn sâu trong tâm can mình và mọi thành viên trong gia đình mình là chính những người lao động đã trả lương cho mình chứ mình không phải là người trả lương cho người lao động.

Hãy trả lương cho người lao động xứng đáng với những gì họ cống hiến chứ không phải là ban phát. Cuối tháng, người lao động phải tự biết được tháng này mình có thu nhập bao nhiêu mà không hề chịu sự tác động bởi sự “trái nắng, trở trời” của “ông chủ”. Hãy công bằng với tất cả mọi người, cho dù đó là máu mủ ruột già.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Xem thêm
Doanh nghiệp nên quan tâm phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh

Chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trước những biến động của giá cà phê hiện nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.