| Hotline: 0983.970.780

Tư duy kinh tế nông nghiệp: [Bài 2] Lập chuỗi liên kết để bán chính ngạch

Thứ Ba 01/11/2022 , 11:33 (GMT+7)

HTX Xuân Định là một trong số nơi thực hiện thành công chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sầu riêng, đồng thời mở ra cánh cửa xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ

Với phương châm “đi xa đi cùng nhau”, được thành lập cuối năm 2014 với 34 thành viên, quy mô sản xuất 17 ha, ngay từ khi thành lập, HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã định hướng các thành viên liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP. Để làm được điều đó, HTX chủ động phối hợp với Trạm BVTV, khuyến nông mở các lớp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình sạch, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Đến nay, tổng diện tích cây sầu riêng của HTX Xuân Định vào khoảng hơn 220 ha; năng suất bình quân đạt 20-25 tấn/ha.

Vườn sầu riêng của HTX Xuân Định. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn sầu riêng của HTX Xuân Định. Ảnh: Minh Sáng.

Theo các xã viên của HTX, hầu hết các vườn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ, phân sinh học thay cho phân hóa học, đồng thời chú trọng đến việc chủ động phòng ngừa sâu bệnh thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IMP), hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để không tồn dư thuốc BVTV… Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất không ngừng tăng lên.

Anh Nguyễn Văn Dũng, thành viên HTX chia sẻ, gia đình anh hiện có 4 ha sầu riêng, trước đây, chưa vào HTX bán riêng lẻ, muốn bón phân xịt thuốc gì tùy ý, không nghĩ đến hậu quả, sầu riêng làm ra muốn bán đâu thì bán nên nhiều khi cũng bấp bênh. “Khi vào HTX được học hỏi kinh nghiệm các thành viên, HTX hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chăm sóc theo yêu cầu nên năng suất tốt, sản phẩm làm ra to, đều, đẹp và an toàn nên bán được giá cao hơn…”, anh Dũng tâm đắc nói.

Anh Nguyễn Văn Dũng bên vườn sầu riêng của mình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Dũng bên vườn sầu riêng của mình. Ảnh: Trần Trung.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định cho biết thêm, hiện  99% diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã được trồng bằng các giống mới như: Ri6, Thái Lan, Chín hóa… Cùng với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái.

“Chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu sầu riêng Xuân Định. Đồng thời, tổ chức liên kết với các cơ sở sản xuất tại thị xã Long Khánh, các vựa trái miền Tây, chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai) và TP.HCM; ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Big C… để tổ chức thu mua sản phẩm của nông dân, tạo đầu ra ổn định cho trái sầu riêng của HTX”, bà Nga nhấn mạnh.

Sầu riêng vươn ra biển lớn

Theo bà Nga, nhờ canh tác bài bản, chú trọng hướng hữu cơ cùng nguồn nguyên liệu đủ lớn đã mở ra cơ hội để HTX xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Theo đó, HTX Xuân Định là 1 trong số 51 đơn vị vừa qua được Tổng cục Hải quan Trung quốc cấp mã số vùng trồng làm cơ sở để HTX xuất khẩu. Đây là niềm vui mới, cơ hội mới, thách thức mới cho tất cả các vùng trồng sầu riêng nói chung và HTX Xuân Định  nói riêng.

Bà Đặng Thị Thúy Nga (góc trái) chia sẻ năng lực của HTX với các đối tác. Ảnh: Minh Sáng.

Bà Đặng Thị Thúy Nga (góc trái) chia sẻ năng lực của HTX với các đối tác. Ảnh: Minh Sáng.

“Khi được cấp mã số vùng trồng thì nói vậy chứ nửa mừng nửa lo. Từ trước đến nay khâu tiêu thụ sản phẩm sầu riêng vẫn qua thương lái nên người trồng sầu riêng Việt Nam sẽ nhận phần thiệt nhiều hơn. Nhờ cấp mã vùng trồng, sầu riêng HTX sẽ vươn ra biển lớn một cách chính ngạch, từ đó giá cả sẽ ổn định hơn. 

Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến HTX để bắt tay xây dựng chuỗi liên kết sầu riêng xuất khẩu, đây là việc chưa từng có tiền lệ đối với HTX vì xưa nay HTX phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để đàm phán hợp đồng. Lo là làm sao tuân thủ quy trình sản suất, giữ vững chất lượng, thương hiệu, các thành viên của mình phải đồng lòng, đồng sức thực hiện Nghị định thư được cấp mã số vùng trồng. Chính vì vậy, HTX sẽ phải cố gắng, cùng nhau tay chống tay chèo, cùng nhau vươn tới thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch”, bà Nga phấn khởi chia sẻ:

Cây sầu riêng đang giúp kinh tế người nông dân Đồng Nai ngày càng khởi sắc. Ảnh:Trần Trung.

Cây sầu riêng đang giúp kinh tế người nông dân Đồng Nai ngày càng khởi sắc. Ảnh:Trần Trung.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc, huyện có tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 1.400 ha với tổng sản lượng 22.000 tấn/năm, địa phương đã quy hoạch theo từng vùng trồng sầu riêng phù hợp đất đai thổ nhưỡng. Huyện đã vận động người dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các hình thức liên kết hợp tác trồng sầu riêng với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng đến sản xuất bền vững.

“HTX Xuân Định được cấp mã vùng trồng sẽ giúp các vùng trồng sầu riêng khác nhận thức rõ tầm quan trọng có việc này. Tuy nhiên để việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững và không ảnh hưởng đến uy tín, các cấp ngành cần hỗ trợ để kịp thời thông báo, hướng dẫn, triển khai và giám sát mã số vùng trồng đã được cấp, tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Có như vậy, sầu riêng cùng và các loại cây ăn trái khác vươn ra thị trường quốc tế bằng con đường chính ngạch mới bền vững, mạng lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc nhấn mạnh .

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.

Gỡ vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài, nhưng hiện là bài toán khó ở cả thành thị và nông thôn.