| Hotline: 0983.970.780

Tư duy kinh tế nông nghiệp: [Bài 1] Nghĩ táo bạo và làm khoa học

Thứ Hai 31/10/2022 , 14:54 (GMT+7)

Đồng Nai Nhờ mạnh dạn phá thế độc canh cây chôm chôm để chuyển đổi sang cây sầu riêng giá trị cao, không ít nhà vườn ở Đồng Nai đã tạo được hiệu quả kinh tế lớn.

Cốt lõi là kinh tế nông nghiệp

Trời phú cho mảnh đất huyện Cẩm Mỹ nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Từng tham quan nhiều nơi, thế nhưng, khi vào vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi thật sự mãn nhãn trước những hàng sầu riêng thẳng tắp, xanh um.

Ông Bình (giữa) chia sẻ kinh nghiệm canh tác sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Bình (giữa) chia sẻ kinh nghiệm canh tác sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ tay vào những ụ đất ùn lên trên khắp mặt vườn, ông Bình cho biết là do tác động của giun đất, một trong những sinh vật bé nhỏ sống trong đất và được xem chìa khóa của nông nghiệp hữu cơ, giúp cải tạo đất liên tục, đất sẽ ngày càng sạch và màu mỡ hơn.

Giống như phần đa nông dân ở địa phương, trước đây, ông Bình chủ yếu trồng chôm chôm, loại trái cây đặc sản từng giúp người dân nơi đây có kinh tế khá. Nhưng vì giá cả của loại cây này ngày càng thiếu tính ổn định, ông Bình liền nghĩ cách trồng xen sầu riêng vào chôm chôm với mục đích khảo nghiệm, tìm hướng làm ăn mới.

 “Năm 2010, tôi bắt đầu trồng sầu riêng giống Dona để khảo nghiệm trên đất chôm chôm. Trải qua quá trình theo dõi, nhận thấy việc trồng sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định phá thể độc canh cây chôm chôm để trồng toàn bộ sầu riêng”, ông Bình chia sẻ:

Việc ứng dụng tưới nhỏ giọt giúp ông Bình giải quyết thiếu công lao động, tăng hiệu quả chăm sóc. Ảnh: Minh Sáng.

Việc ứng dụng tưới nhỏ giọt giúp ông Bình giải quyết thiếu công lao động, tăng hiệu quả chăm sóc. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Bình, thổ nhưỡng và khí hậu ở Đồng Nai nói chung, Cẩm Mỹ nói riêng rất phù hợp với sầu riêng, chỉ sau 4 năm canh tác cây đã cho trái. Những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất sầu riêng càng tăng. Niên vụ 2022 vừa qua, 4 ha sầu riêng của ông cho năng suất bình quân hơn 35 tấn/ha, ít nơi nào ở khu vực miền Đông Nam bộ cây sầu riêng lại cho năng suất cao đến vậy.

Từ nguồn thu nhập của 4 ha sầu riêng, ông Bình tiếp tục mở rộng diện tích đất canh tác. Hiện tại, tổng diện tích sầu riêng của ông Bình lên đến gần 7 ha, với việc canh tác an toàn, sầu riêng của ông thường được thương lái thu mua cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Riêng vụ vừa qua, sầu riêng của ông được thương lái bao tiêu với giá 48.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập hàng tỷ đồng.  “Cây sầu riêng đã mở ra hướng đi mới, phá vỡ thế độc canh của chôm chôm tại địa phương”, ông Bình tâm sự.

Đã làm là phải bài bản và khoa học

Ông Bình cho hay, cây sầu riêng không phải dễ tính, muốn đạt năng suất cao và ổn định, trái to, vóc dáng đẹp, đều, người trồng cần thiết phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, từ khâu chọn giống, xử lý đất, xử lý các loại nấm bệnh và sâu bệnh, mật độ trồng cho đến các kỹ thuật canh tác như tỉa cành tạo tán, tỉa thưa trái… Ngoài ra, kinh nghiệm của bản thân trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất cũng rất quan trọng.

Ghi chép nhật ký sản xuất là 'chìa khóa' giúp ông Bình sản xuất hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Ghi chép nhật ký sản xuất là "chìa khóa" giúp ông Bình sản xuất hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi ra xem hệ thống tưới nước châm phân tự động, ông Bình chia sẻ, cây cũng giống con người, phải cung cấp đầy đủ phân bón và đa, trung vi lượng thì cây mới sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, chống chọi được bệnh tật. Nếu canh tác mà chỉ bón mỗi phân chuồng thì cây cũng khó phát triển như ý. Chính vì vậy cần phải bổ sung phân vô cơ, tuy nhiên, bổ sung bao nhiêu, thời điểm nào, sử dụng phân gì để đạt sản phẩm làm ra vẫn đạt chuẩn thì không phải ai cũng làm được.

Theo ông Bình, nếu như trước đây, mỗi ha sầu riêng ông phải dùng đến hàng tấn phân, chưa kể khi bón phân phải cần đến hàng chục công lao động, đồng thời phân được bỏ trực tiếp vào đất, cây ăn không hết vừa gây lãng phí vừa khiến đất ngày càng biến chất.

Từ khi lắp đặt hệ thống châm phân và tưới tự động, chỉ cần 1 người là có thể quán xuyến được mọi công việc. Ngoài ra, sau khi phân được hòa tan vào nước, khi tưới giúp cây hấp thụ nhanh, không tồn dư hóa chất, chỉ cần 1 kg phân có thể tưới được gần 30 gốc, mỗi ha chỉ tốn chưa tới 100 kg phân. Qua đó, không chỉ giải quyết được bài toán lao động còn tiết kiệm chi phí sản xuất, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Vườn sầu riêng của ông Bình luôn phát triển tốt, năng suất ổn định, giá cao. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn sầu riêng của ông Bình luôn phát triển tốt, năng suất ổn định, giá cao. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Bình cho biết thêm, nhật ký sản xuất cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Cầm trên tay sổ ghi chép dày cộm, ông Bình giải thích, không ít người nghĩ rằng việc ghi chép nhật ký hằng ngày là việc vô bổ, tốn thời gian. Tuy nhiên, đối với ông Bình không phải vậy, nhật ký sản xuất không khác gì theo dõi sức khỏe cây trồng.

Theo đó, mỗi cây sầu riêng đều được đánh mã số riêng, tùy vào sức khỏe của cây ông sẽ ghi chú và đưa ra cách chăm sóc riêng, có như vậy vườn sầu riêng của ông rất đồng đều. Từ đó, ông có thể tính toán được chi phí sản xuất trong một mùa vụ là bao nhiêu, năng suất đạt được như thế nào, hoạch định kế hoạch sản xuất để dù giá sầu riêng như thế nào thì vẫn đảm bảo sau khi trừ mọi chi phí vẫn đem lại lợi nhuận.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất