| Hotline: 0983.970.780

Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn (Nghệ An)

Tự tung, tự tác trong quản lý đất đai

Thứ Ba 18/03/2014 , 11:03 (GMT+7)

Theo phản ánh của UBND huyện Anh Sơn, Trạm Giống chăn nuôi Anh Sơn (Nghệ An) đang có nhiều vi phạm trong quản lý đất đai.

Trạm giống chăn nuôi (GCN) Anh Sơn là đơn vị trực thuộc Trung tâm GCN Nghệ An, được giao quản lý 17,4 ha đất tại xóm 14, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Đến năm 2000 đã được chuyển ra địa điểm mới (số 6A, thị trấn Anh Sơn). Theo phản ánh của UBND huyện, đơn vị này đang có nhiều vi phạm trong quản lý đất đai.

Chính quyền, nhân dân đều bất bình

Ngày 25/9/2013, UBND huyện Anh Sơn đã ra tờ trình số 231/TTr-UBND gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường yêu cầu xem xét thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất của 12 tổ chức trong quá trình hoạt động có vi phạm chính sách pháp luật như: Tự ý chia đất cho cán bộ, công nhân làm nhà ở, sử dụng đất không đúng mục đích. Trong số đó có Trạm giống chăn nuôi Anh Sơn.

Theo đó, sai phạm ở đơn vị này là lấn chiếm hành lang giao thông, sử dụng quỹ đất thừa xây ki ốt để cho các hộ dân thuê kinh doanh tại trụ sở chính (số 6A, thị trấn Anh Sơn); còn tại địa điểm cũ (xóm 14, xã Long Sơn) là tự ý chia 3,7 ha đất cho 19 hộ dân làm nhà ở, 14 ha đất còn lại đang được cho thuê để ngoài sổ sách, không nộp vào ngân sách nhà nước.

Ông Đặng Đình Lục, Trưởng phòng TN- MT huyện Anh Sơn cho biết: Theo khoản 3, Điều 73, Luật Đất đai năm 2003, lẽ ra Trạm GCN Anh Sơn chuyển sang địa điểm mới thì phải trả lại toàn bộ diện tích đất cũ cho chính quyền địa phương, thế nhưng đơn vị này lại cố tình để cho dân thuê, như vậy là vi phạm pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 3,7 ha đã chia cho các hộ dân làm nhà ở trái phép, 14 ha còn lại đang được Trạm GCN Anh Sơn giao khoán cho dân thì phần lớn là công nhân của trạm đã nghỉ hưu (17/19 hộ thuê đất). Điều đáng nói hầu hết các hộ đang nhận khoán đều không tán thành cách làm của trạm và mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Ông Võ Văn Bảy (trú tại xóm 14) thẳng thắn nói: Gia đình ông nhận khoán 2 ao cá diện tích 7 sào, mỗi sào phải đóng 30 kg cá/năm, tổng số tiền phải nộp cho trạm gần 4 triệu đồng/năm. Mức khoán như vậy là quá cao, nhưng khi thanh toán lại không có biên lai, hóa đơn chứng từ mà chỉ có mỗi giấy biên nhận đóng dấu treo của trạm. Chúng tôi thắc mắc thì họ bảo là… không cần thiết (?!).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn kết luận: Thời gian vừa qua UBND huyện nhận được rất nhiều ý kiến xung quanh những việc làm khuất tất của Trạm GCN huyện Anh Sơn nên đã báo cáo về tỉnh, sau đó Sở TN- MT đã thành lập đoàn kiểm tra. Hiện tại chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra rồi mới đưa ra biện pháp cụ thể.

17-33-21_2-8
Ao cá nhà ông Bảy nhận khoán

Đơn vị thừa nhận sai phạm

Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (xin giấu tên) xác nhận: Đoàn thanh tra đã làm rõ việc Trạm GCN Anh Sơn để dân tự ý dựng nhà sai quy định 3,7 ha đất. Toàn bộ số đất trên sẽ bị thu hồi để giao lại cho địa phương quản lý. Đồng thời sẽ yêu cầu Trạm GCN chấm dứt hợp đồng cho thuê đất tại 14 ha đất còn lại để sử dụng
đúng mục đích.

Liên quan đến 2 ki ốt cho dân thuê cũng phải giải quyết trước 30/4/2014, nếu đơn vị còn tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi.

Ông Lê Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm GCN Anh Sơn giải trình: Trạm hiện có 11 CBVC thì chỉ có 2 người được cấp lương sự nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện theo hình thức kế toán báo sổ, gắn thu bù chi, tự trang trải, không được vay vốn ngân hàng, không được cấp kinh phí sự nghiệp cho hoạt động chuyên môn.

Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ tổ chức sản xuất, dịch vụ như hiện tại thì không thể duy trì hoạt động, bắt buộc phải có những khoản thu khác để cân đối... Nếu căn cứ vào Nghị định 135/2000/NĐ-CP thì Trạm GCN Anh Sơn đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật (!?).

Cũng theo ông Hùng, Trạm GCN của ông “không cho các hộ dân thuê” 14 ha đất tại Trại cá cấp 2 xã Long Sơn như phản ánh của UBND huyện Anh Sơn mà là giao khoán. Riêng 3,7ha đất đã bị cán bộ tự ý làm nhà ở, Trạm trưởng Trạm GCN Anh Sơn thừa nhận công tác quản lý của đơn vị trong thời gian qua còn bị buông lỏng nên “bà con được thể lấn tới”, nếu có điều kiện sẽ thu hồi để bàn giao lại cho địa phương.

Ông Hùng cũng thừa nhận về những vấn đề thiếu minh bạch từ khi chuyển sang địa điểm mới. Nhưng lại biện minh là do thiếu vốn kinh doanh dịch vụ, nên đã cho thuê “nhà trực kỹ thuật kiêm bán tinh lợn” để sản xuất… bánh mỳ (từ tháng 4/2008 đến nay), nguồn thu đã dùng để xây ốt bán tinh thay thế và bổ sung vào nguồn dịch vụ cho đơn vị (!?).

Ở ki ốt số 2, cũng do chưa có kinh phí xây dựng nên Trạm GCN đã ký với ông Dương Đình Hưng (xóm 2, xã Phúc Sơn) thuê trong 5 năm để có nguồn phí ứng trước làm ki ốt, bù lại ông Hưng được sử dụng ốt trong thời gian 5 năm (1/5/2008 – 30/4/2013). Thế nhưng, sau khi hết thời hạn ông Hưng vẫn chiếm dụng trái phép từ 1/5/2013 cho đến nay (?!).

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...