Lựa chọn giống kỹ càng
Khảo sát tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk trên địa bàn Tây Nguyên đang thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), trong công cuộc tái canh cây cà phê, nông dân đã có nhận thức rất tốt về vấn đề chọn giống tốt, đảm bảo chất lượng cho tái canh cà phê.
Nếu như trước đây, người trồng cà phê trên đất Tây Nguyên cứ có giống nào làm giống nấy, không hề có sự lựa chọn, thậm chí tự hái cà phê trong vườn nhà ươm cây giống. Do đó, vườn cà phê phát triển kém, cho năng suất thấp, tuổi thọ không cao, sâu bệnh nhiều...
Bây giờ, khi bắt tay vào công cuộc tái canh cây cà phê, lựa chọn cây giống có chất lượng cao là mối quan tâm hàng đầu của nông dân.
Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kon Tum:
“Dự án VnSAT buộc tất cả các cơ sở ươm cây giống cà phê trên địa bàn phải mua hạt giống từ Viện WASI có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có giấy chứng nhận, hóa đơn hẳn hoi.
Dự án VnSAT tỉnh hợp đồng với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Tây Nguyên làm công tác kiểm tra hóa đơn, chứng từ, mẫu đất của các cơ sở sản xuất cây giống có đảm bảo không. Khi cây vô bầu cũng được kiểm tra.
Cây chuẩn bị xuất vườn lại được kiểm tra tiếp xem cây giống có bị tuyến trùng không, chất lượng ra sao; chiều cao, đường kính cây giống có đảm bảo tiêu chuẩn không. Những cây giống không đảm bảo các yêu cầu nói trên sẽ không được chứng nhận để xuất vườn”.
Theo ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai, hiện nay, người trồng cà phê ở Gia Lai đã có nhận thức rất tốt trong việc lựa chọn cây giống, nhất là đối với những hộ đang thực hiện tái canh cây cà phê.
Cả những vườn trồng mới đến những vườn cà phê cũ giờ đang “trẻ hóa” cây cà phê đều có sự lựa chọn kỹ càng trong việc chọn giống.
Tùy mức độ thâm canh mà người dân lựa chọn một trong những giống cà phê có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất và chất lượng cao mà Bộ NN – PTNT đã thông qua Viện EaKmat giới thiệu đến với nông dân.
“Hầu hết các giống cũ người dân đã loại bỏ hết rồi. Khi tái canh cà phê hầu hết người dân đều chọn những giống do ngành chức năng khuyến cáo.
Những giống mới giống nào cũng ưu việt, nhưng giống nào cũng có cái ưu cái khuyết riêng.
Ví như giống cho năng suất cao thì đòi hỏi điều kiện thâm canh cũng phải cao, còn giống có năng suất thấp hơn thì điều kiện thâm canh sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tùy năng lực tài chính của gia đình mà người dân chọn lựa giống để đưa vào tái canh.
Tất cả những vườn cà phê cả trong lẫn ngoài Dự án VnSAT cũng đang áp dụng biện pháp chọn giống như nhau”, ông Tuấn bộc bạch.
Ở tỉnh Kon Tum, việc chọn giống trong công cuộc tái canh cây cà phê cũng kỹ lưỡng chẳng kém Gia Lai.
Ông Nguyễn Văn Nghi (53 tuổi) ở thôn 2, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, Kon Tum), người đang sở hữu 2.400 cây cà phê vừa tái canh đến nay đã 20 tháng tuổi, nói đến việc chọn giống rất say mê: “Hiện nay, ngành chức năng giới thiệu rất nhiều loại giống có chất lượng, sau khi so sánh giữa các loại giống với nhau, người dân đã lựa chọn giống TR1 và giống TR4 để đưa vào tái canh.
Ví như giống TR9 cho hạt to hơn, giống TR4 cho hạt nhỏ hơn, nhưng lại có tuổi thọ cao hơn giống TR9 nên người dân chọn giống TR4. Hoặc như vườn nhà tôi đang có 200 cây cà phê dòng xanh lùn, dù giống này cho lắm quả nhưng không phát triển cành.
Thu hoạch xong vụ quả đầu tiên, năng suất cho cao thật đó nhưng cây đã trơ trụi, nếu không đầu tư chăm sóc tốt cây có thể chết, nên tôi quyết định đưa giống TR4 vào tái canh vườn cà phê của mình”, ông Nghi phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nghĩa Lộc, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, Đăk Lăk), cũng rất tâm đắc về cách chọn giống trong tái canh cây cà phê của những hộ thành viên do HTX quản lý.
“Trước đây, nông dân trồng cà phê ở đây chẳng quan tâm mấy đến việc chọn giống, trong khi giống là yếu tố tiên quyết để đảm bảo năng suất và độ bền của cây. Nay được Dự án VnSAT giới thiệu rất nhiều loại giống mới, mỗi giống phù hợp với từng loại đất nên nông dân tha hồ lựa chọn”, ông Thụ cho hay.
Cũng theo ông Thụ, thông qua tập huấn của VnSAT, hiện nay nông dân ở địa phương đã rất rành rõi về cây giống, họ biết giống kháng bệnh là như thế nào, chịu hạn ra sao và nắm bắt tận tường kỹ thuật ươm giống.
“Chọn giống nào thì họ lặn lội đến tận Viện giống, mua giống của đơn vị này thì không lo gì về chất lượng, có chứng nhận nguồn gốc hẳn hoi. Hạt giống mua về ủ trong nước ấm khoảng 24 tiếng đồng hồ, xong cho vào bao ủ rồi trải ra trên cát. Khi hạt nẩy mầm thì nhặt cho bào bầu, chăm sóc 3 tháng sau mang ra trồng, là đạt hiệu quả cao”, ông Thụ chia sẻ thêm.
Quản lý chặt chẽ, đảm bảo giống cà phê chất lượng cho tái canh
Sự lựa chọn cây giống trong tái canh cây cà phê của nông dân kỹ lưỡng bao nhiêu thì công tác quản lý cây giống của ngành chức năng cũng chặt chẽ bấy nhiêu.
Ở tỉnh Đăk Lăk, địa phương đã tập trung xây dựng, nâng cấp 10 vườn ươm cây giống cà phê tư nhân và đầu tư 2 vườn ươm khác của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để sản xuất cây giống cung ứng cho nông dân.
“Mỗi năm các cơ sở sản xuất cây giống cà phê trên địa bàn có thể cung ứng cho nông dân tái canh cây cà phê khoảng 3 triệu cây giống. Do nằm trong vòng kiểm soát của ngành chức năng nên giống sản xuất ra từ các cơ sở ươm giống rất bảo đảm chất lượng.
Dự án VnSAT tỉnh Đăk Lăk giới thiệu đến bà con trồng cà phê trên địa bàn nên sử dụng các giống nằm trong quyết định Bộ NN – PTNT từ TR1 đến TR12. Hiện nông dân ở đây đang sử dụng rộng rãi 2 loại giống TR1 và TR9, bởi những giống này cho năng suất cao, chín tập trung, thuận lợi cho việc thu hoạch, có tỉ lệ nhân cao”, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đăk Lăk, cho hay.
Còn ở Kon Tum, địa phương tuy có diện tích cà phê tái canh nằm trong Dự án VnSAT khá ít, diện tích đạt tiêu chí tái canh bền vững đến cuối năm 2020 chỉ vào khoảng 500ha, nhưng đến nay cũng đã thực hiện được hơn 300ha, tập trung tại các huyện Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plôn. Và, công tác quản lý chất lượng cây giống cũng được ngành chức năng ở đây đặc biệt quan tâm.
Theo bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kon Tum, hiện Dự án VnSAT tỉnh đã đầu tư cho 2 vườn ươm tư nhân trên nằm trên địa bàn huyện Đăk Hà để sản xuất cây giống chất lượng cung ứng cho nông dân, đó là vườn ươm Quý Hà và vườn ươm Minh Trưởng.
2 vườn ươm nói trên sản xuất cây giống có nguồn gốc rõ ràng, Ban Quản lý Dự án thuê Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Tây Nguyên về kiểm nghiệm chất lượng cây giống trước khi xuất vườn để đảm báo giống cà phê ra khỏi vườn luôn đạt chất lượng cao.
“Vườn ươm cơ sở có sẵn, dự án VnSAT hỗ trợ nâng cấp các hạng mục như: Tường rào bao quanh vườn, bắt hệ thống tưới tự động, vườn ươm có nhu cầu gì dự án hỗ trợ nấy để bảo đảm sản xuất.
Tiêu chí được lựa chọn để dự án VnSAT đầu tư nâng cấp là vườn phải có quy mô trên 2.000ha/mỗi vườn, nên dù trên địa bàn tỉnh Kon Tum có rất nhiều vườn ươm cây cà phê nhưng chỉ có 2 vườn được chọn.
Cây cà phê là cây lâu năm, khai thác dài ngày nên yêu cầu cây giống phải đảm bảo chất lượng”, bà Lương chia sẻ.
Cũng theo bà Lương, những vườn ươm khác ở Kon Tum tuy không nằm trong diện hỗ trợ của VnSAT, nhưng trong quá trình các cơ sở này sản xuất cũng được ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng giống phục vụ tái canh cà phê.
Nhằm mục tiêu cung cấp nguồn giống tốt, đạt chuẩn cung cấp cho việc tái canh 10.000 ha cà phê theo kế hoạch.
Dự án VnSAT đã ưu tiên một phần nguồn vốn để thực hiện các hoạt động chứng nhận, nâng cấp các vườn ươm giống nhà nước, vườn giống đầu dòng và 57 vườn ươm tư nhân.
Đến nay hết năm 2019, dự án VnSAT đã chứng nhận được 54 vườn ươm tư nhân đạt tiêu chuẩn tham gia dự án VnSAT (Đăk Lăk: 16 vườn; Đăk Nông 12 vườn; Lâm Đồng 11 vườn; Gia Lai 12 vườn và Kon Tum 3 vườn); Nâng cấp được 9 vườn ươm giống nhà nước; 21 vườn ươm giống tư nhân với tổng năng lực cung cấp cây giống thương phẩm phục vụ tái canh hàng năm đạt 6 triệu cây giống/năm, đáp ứng nhu cầu giống tái canh cho hơn 5.000ha/năm.
Đồng thời, Dự án VnSAT sẽ tiếp tục thực hiện việc nâng cấp thêm 12 vườn ươm tư nhân để tăng khả năng cung cấp giống cho nhu cầu tái canh hàng năm lên 9 triệu cây giống/năm, đáp ứng nhu cầu giống đạt chuẩn của dự án.