| Hotline: 0983.970.780

Tủi phận con trâu: Dẫn tinh viên... rụng như sung

Thứ Tư 16/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Gần bốn thập kỷ qua, chúng ta quá mải mê phát triển hệ thống thụ tinh nhân tạo cho đàn bò mà quên mất rằng đàn trâu cũng xứng đáng để được đối xử tử tế.../ Nguy cơ tuyệt chủng giống trâu Mura

Những con nghé sinh ra nhờ công nghệ

Trưa. Hai quai hàm của anh Hoàng Văn Quân (dẫn tinh viên tại xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Yên Bái) đang bận nhai cơm thì chiếc điện thoại "cục gạch" réo chuông. Bốc máy.

- “A lô! Chú Khiêm à. Trâu đẻ rồi phải không?”

- “Vâng, đẻ rồi”, tiếng người trong điện thoại phát ra.

- “Bao nhiêu cân (kg)?”.

- “38. Gớm, tinh của bác tốt thật” (cười phớ lớ).

Buông đũa, bát xuống mâm, tôi cùng anh Quân men theo đường mòn xuống thôn Đồng Cáy (xã Yên Thắng). Con nghé đực mới đẻ của anh Nông Văn Khiêm đang lểu đểu tập bước nhưng ngoại hình rất đẹp: mình trắm, rỏng cao, 4 khoáy trên thân “đóng chuồng” kiểu tiền treo, hậu trễ. Chủ nhà hớn hở: “Loại này mà lớn lên đưa vào sới chọi hăng phải biết”.

Tuy thể hình to vượt trội so với những con nghé sơ sinh khác, nhưng nó chưa nặng bằng con chị cùng mẹ khác cha - con trâu lai Mura 16 tháng tuổi - đang nhai cỏ ràu rạu cạnh đống rơm. Lúc mới đẻ trọng lượng của con trâu lai Mura đạt 40 kg.

Sau đợt rét kỷ lục vừa rồi, cỏ cây trên đồi úa lụi. Con trâu lai Mura hơi gầy nhưng lưng vẫn nhỉnh hơn con trâu bản địa đẻ trước nó một lứa (2,5 tuổi) chừng 8cm. Vừa rồi, thợ trâu trả con trâu lai Mura 28 triệu, lãi to. Thế mà chủ nhà lắc đầu ngoầy ngoậy.

Chị Hoàng Thị Quê, vợ anh Khiêm bảo: “Năm 2012, ông Quân đến phối tinh nhân tạo (do Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương sản xuất và cung ứng) cho trâu. Mình sợ con nghé sinh ra hình thù đầu trâu đuôi chó. Bây giờ thì khẳng định nó là con trâu đẹp rồi”.

Cách đó chừng 200m, con trâu cái của lão nông Hoàng Thanh Lề (72 tuổi) đang đứng chềnh ềnh ngoài bãi cỏ như một pho tượng. Phía dưới, miệng nghé con đang ngậm vú mẹ bú tòm tọp. Trâu cái của lão Lề từng đoạt “vương miện” trong hội thi “Trâu khỏe đẹp” của huyện năm 2004. Lão coi nó như báu vật nên “kén rể” rất kỳ công.

Ngay tại địa phương phát triển chăn nuôi trâu tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc như huyện Bảo Yên (Lào Cai), dù có khá nhiều dẫn tinh viên (bò, lợn) nhưng không tìm đâu ra nổi một người phối tinh trâu.

Mỗi lần hoa hậu trâu động dục, lão Lề phải dắt nó đi hơn 7km tìm con trâu đực nằm trong tốp to khỏe nhất vùng ở mãi tận xã Minh Xuân, Tân Lĩnh để phối giống. Thế nhưng, khi thấy con nghé sơ sinh đẹp như tranh của nhà anh Khóa, lão Lề quyết định gọi người phối tinh nhân tạo cho báu vật của mình. Cả đời nuôi trâu nhưng lão bảo với tôi rằng: “Các cụ có câu “đực dài, nái vuông”, hiếm thấy con nghé nào đẹp kiểu bụng tròn, mông mập như con nghé thụ tinh nhân tạo”.

Sau hơn 3 năm hành nghề, đôi tay của anh Quân đã “bắn tinh” thành công cho 160 con trâu cái trên địa bàn huyện Lục Yên. Tỷ lệ phối đạt trên 85%. Con nào con nấy đều bụ bẫm, nặng 35 kg trở ngược. Trong khi đó, trọng lượng nghé bản địa lúc mới đẻ chỉ đạt trung bình khoảng 23 - 25 kg.

"Gãi" chưa đủ mạnh

Mô hình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của huyện Lục Yên được cả dân, cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh khen nức khen nở. Với tham vọng biến Yên Bái trở thành “vùng trâu khổng lồ”, năm 2014 tỉnh ra chính sách hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho trâu, với 400.000 đồng/liều tinh phối đạt.

Ông Trần Đức Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái khẳng định: "Tỉnh không ngại tốn tiền. Càng nhiều trâu cái được thụ tinh nhân tạo càng tốt”. Thế nhưng, kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn khi mới chỉ có khoảng 600 con nghé ra đời bằng phương pháp này.

Mặc dù các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, TX Nghĩa Lộ và TP Yên Bái ... có đội quân dẫn tinh viên khá hùng hậu. 95% đàn bò cái sinh sản của các địa phương này được thụ tinh nhân tạo. Thế nhưng, nhiều nơi tìm đỏ mắt không thấy một dẫn tinh viên cho trâu.

Tháng 9/2014, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 (Quyết định 50/2014/QĐ-TTg) được ban hành. Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo trâu, bò (không quá 6 triệu đồng/người).

15-21-05_nh-3
Con trâu F1 Mura (bên trái) 16 tháng tuổi có tầm vóc to hơn con trâu nội bản địa 30 tháng tuổi (bên phải, sừng to, dài)

Mặc dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh và nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản) cho các hộ chăn nuôi để phối giống cho trâu. Mức hỗ trợ không quá 1 con trâu/năm.
Tuy nhiên, ông Phùng Thế Hải chia sẻ, hiện tại, nguồn ngân sách của Trung ương hạn chế. Trước mắt các tỉnh vẫn phải chủ động xây dựng đề án để hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên cơ sở cân đối thu chi của địa phương.
Bởi vậy, việc khuyến khích phát triển phối giống nhân tạo gia súc đang có tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh đấy làm, còn tỉnh nào không phân bổ được kinh phí thì tạm thời chưa triển khai.

Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Tuấn, PGĐ Trung tâm Giống vật nuôi (Sở NN-PTNT Yên Bái) nhận định, nội dung hỗ trợ ấy đã xác định đúng chỗ “ngứa”, nhưng “gãi” chưa đủ mạnh để thỏa mãn nguyện vọng của những người hành nghề thụ tinh nhân tạo cho trâu.

Thứ nhất, trình độ dân trí của người chăn nuôi ở khu vực miền núi phía Bắc còn thấp. Muốn người dân đoạn tuyệt với phương thức phối giống trâu truyền thống bằng thụ tinh nhân tạo phải mất quá trình dài tuyên truyền, vận động và khuyến cáo. Mặt khác, tử cung của trâu hẹp và nằm rất sâu sau âm đạo (không nông và tròn như bò). Dẫn tinh viên non kinh nghiệm rất khó xác định đúng cổ tử cung để luồn súng bắn tinh vào.

Thậm chí, có trường hợp tử cung con trâu dài và bị gấp khúc, tinh bị ứ đọng bên ngoài, thế là lại phải chờ 21 ngày sau mới phối được. Công sức bỏ ra đổ sông đổ bể. Gặp liên tiếp vài “ca khó” như vậy, người mới vào nghề rất chóng nản. Nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ hàng tháng để động viên thì nguy cơ bỏ nghề của họ là rất cao.

Những năm qua, Yên Bái đã đào tạo được 87 dẫn tinh viên cho trâu, nhưng chỉ còn 18 người gắn bó với nghề. Năm 2010, riêng huyện Lục Yên có 9 người được đào tạo nghề thụ tinh nhân tạo tại TX Từ Sơn (Bắc Ninh). Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 1 người duy trì nghề này.

"Báu vật" vẫn chờ người

Từ năm 1978, Trạm Nghiên cứu & sản xuất tinh đông lạnh Môn-ca-đa (Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương) đã sản xuất thành công tinh trâu đông lạnh.

Thế nhưng, một thời kỳ dài sau đó, việc phát triển hệ thống thụ tinh nhân tạo cho trâu gần như bị lờ đi. Những con trâu đực giống tại đây dần biến mất. Những năm qua, giá trị của thịt trâu và thịt bò bắt đầu đổi ngôi cho nhau (thịt trâu đắt hơn thịt bò). Các nhà quản lý, nhà khoa học cuống cuồng tìm giải pháp cải tạo tầm vóc đàn trâu Việt bằng đủ phương kế: tuyển chọn, nhân thuần, lai tạo,...

Năm 2012, Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương lặn lội vào nông trường Sông Bé (nay là Trung tâm Nghiên cứu & huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn) ở Bình Dương để nhập 4 con nghé Mura đực thuần tốt nhất về trạm Môn-ca-da để chăm sóc, huấn luyện khai thác sản xuất tinh đông lạnh.

15-21-05_nh-4
Con trâu đực giống nội được Vinalica tuyển chọn, huấn luyện và khai thác tinh có trọng lượng gần 9 tạ

Đồng thời, trung tâm cũng “tung quân” lùng sục khắp các vùng trâu giống tốt trên cả nước để tìm những con trâu đực giống ngoại hình đặc trưng của giống trâu đầm lầy “Trán nồi đồng, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít, đít lồng bàn...” để khai thác, sản xuất tinh đông lạnh.

Chúng được những công nhân của trại giữ như từ giữ ấn trong những khu chuồng sắt kiên cố hơn cả nhà tù, được chải chuốt vuốt ve, ăn những loại cỏ giàu dưỡng chất nhất và tập thể dục vào mỗi buổi sáng.

Tinh trâu nhân tạo của trung tâm được các địa phương đánh giá rất tốt. Tuy nhiên, theo TS Phùng Thế Hải, PGĐ trung tâm, đáng buồn là mạng lưới dẫn tinh viên cho trâu ở nước ta quá mỏng nên không thể đáp ứng được nhu cầu phối tinh nhân tạo của các địa phương. Mỗi năm, trạm Môn-ca-đa có thể sản xuất được khoảng 70.000 liều tinh trâu/năm. Tuy nhiên, lượng tinh trâu xuất ra thị trường chỉ được khoảng 40.000 - 50.000 liều.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm