| Hotline: 0983.970.780

Tủi phận con trâu: Nguy cơ tuyệt chủng giống trâu Mura

Thứ Ba 15/03/2016 , 06:10 (GMT+7)

Sau hơn nửa thế kỷ du nhập vào Việt Nam, giống trâu Mura - nguồn gen quý để cải tạo tầm vóc trâu nội - đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. 

Chuyện đàn trâu Mura có nguy cơ bị xóa sổ; chuyện tầm vóc trâu Việt ngày càng teo tóp; chuyện số lượng cá thể trâu lao dốc không phanh... trong khi các nhà quản lý, nhà khoa học đều khẳng định chăn nuôi trâu đang có lợi thế cạnh tranh của đất nước. Vì đâu nên nỗi?

Sau hơn nửa thế kỷ du nhập vào Việt Nam, giống trâu Mura - nguồn gen quý để cải tạo tầm vóc trâu nội - đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Đã có nhiều con nghé chào đời mang hình hài của “quái thai” ngay tại cơ sở duy trì, bảo tồn giống gốc trâu Mura.

Từ món quà bang giao

Sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ Ấn Độ đã tặng cho Việt Nam một món quà quý giá. Đó là 502 con trâu Mura. Giống trâu sữa Mura của Ấn Độ thuộc loại tốt nhất thế giới. Bởi quốc gia này theo đạo Hindu. Người dân không được ăn thịt bò, uống sữa bò. Từ ngàn đời nay, họ chọn lọc những giống trâu cho năng suất, chất lượng sữa tốt nhất để khai thác nguồn sữa tươi tự nhiên (mặc dù năng suất sữa của trâu chỉ bằng 1 nửa sữa bò).

Thời ấy, Ấn Độ cũng có nhiều người nghèo. Họ nuôi trâu như ta nuôi heo. Mỗi ngày, chủ trâu vắt khoảng 5 lít sữa, một nửa đem đi bán, còn lại để sử dụng trong gia đình để bổ sung dinh dưỡng.

Nước bạn nghĩ rằng Việt Nam cũng có thể làm giống họ. Nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Ngày đó, nền kinh tế nước ta vô cùng bi đát. Đến bo bo cũng chưa có để ăn thì mơ gì tới chuyện uống sữa. Đàn trâu Mura nuôi ở nông trường Sông Bé (Bình Dương) qua gần 10 năm phát triển đã tăng số lượng lên cả ngàn con. Nhưng, sữa sản xuất ra chẳng có ai mua. Bởi nhà máy sữa ở Thủ Đức không có công nghệ chế biến, bảo quản sữa trâu tươi mà chủ yếu pha chế sữa nước hoàn nguyên (điển hình là sữa Ông Thọ). Nuôi càng nhiều càng lỗ, thế nên đàn trâu sữa tiêu tan dần.

Đầu những năm 2000, PGS.TS Đinh Văn Cải (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn), đã khiến cả ngành chăn nuôi giật mình khi đề nghị trả lại 50 con trâu Mura thuần chủng cho Trung ương. Ông lý giải, một phần vì nguồn hỗ trợ của nhà nước cho công tác duy trì đàn trâu giống gốc quá bèo bọt (hơn 1 triệu đồng/con/năm). Nếu tiếp tục giữ lại thì chẳng khác nào nuôi báo cô.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu là suốt mấy thập kỷ qua Việt Nam không nhập mới tinh hoặc đực giống Mura để làm tươi máu đàn trâu trong nước. Vì số lượng cá thể ít, hiện tượng giao phối cận huyết của trâu Mura diễn ra phổ biến. Có năm, đàn trâu đẻ ra khoảng chục con nghé nhưng toàn vẹo hàm, méo mặt hệt như những quái thai.

Bây giờ, đàn trâu Mura của nông trường Sông Bé vang bóng một thời chỉ còn vỏn vẹn 40 con trâu cái mura giống gốc. Chúng đã là thế hệ thứ 7 kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ - bà Gandhi tặng Thủ tướng Việt Nam đàn trâu Mura sau ngày giải phóng.

Tang thương trại ngựa, trâu Bá Vân

Một chiều đầu tháng ba, tôi phóng xe lên Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi (trước đây gọi là Trại nghiên cứu Ngựa và trâu Bá Vân). 28 con trâu Mura thuần chủng được chuyển từ nông trường Sông Bé về đây từ năm 1995 giờ đã... quy tiên. Giờ chỉ còn những thế hệ kế cận (sinh ra từ năm 2001 trở về đây).

Mùa đông năm nay rét tê rét tái khiến những thảm cỏ xanh chết trụi rụi, bạc phếch. Trong những dãy chuồng hở hoác lợp mái phibrô-ximăng, tứ phía quây bạt gió thổi lồng phồng, những con trâu Mura gầy hom hem, để lộ bộ khung xương cồng kềnh đang sái quai hàm nhai những cọng cỏ/rơm khô khốc.

Anh Huân, tổ trưởng tổ nuôi trâu của trung tâm não lòng: “Khẩu phần ăn của một con trâu trưởng thành phải 50 - 60 kg cỏ tươi/ngày. Nhưng bây giờ cắt đâu ra 5 tấn cỏ/ngày cho 100 con ăn. Cỏ ủ chua dự trữ mùa đông cho đàn trâu đã hết từ cuối tháng 1/2016 rồi. Hơn 1 tháng nay chúng chỉ ăn cỏ khô và một ít thức ăn tinh (sắn). Gầy là phải (!). Một năm có 8 tháng là mùa cỏ, còn lại là mùa khô, bọn anh phải duy trì thêm hơn 1 tháng nữa mới có cỏ tươi và muốn nhìn thấy hình ảnh những con trâu Mura béo tốt em phải chờ đến tháng 5”.

Vậy sao không nhập cỏ từ vùng khác về? Anh cười lẩy: “Mỗi năm trại trâu chỉ được hỗ trợ khoảng 240 - 300 triệu đồng để duy trì giống gốc và nhân thuần. Trong khi đó, giá cỏ trên thị trường là 600 đồng/kg (chưa tính công vận chuyển)”.

Hiện tại, trung tâm đang duy trì 3 con trâu đực và 3 con cái Mura thuần chủng, ngoài ra còn có 3 con cái hậu bị (sinh từ năm 2008 - 2010), 2 con nghé đực mới đẻ 2 - 3 tháng và khoảng 70 con trâu cái nội sinh sản. Tuy nhiên, anh Anh, cán bộ kỹ thuật của trung tâm bảo rằng: “Lúc béo, những con trâu đực giống phải nặng 550 - 650kg. Nhưng vì đói ăn nhiều ngày nên chỉ đạt 500kg. Những thế hệ trâu Mura ra đời sau này càng ngày càng tồi tệ. Những con nghé Mura đực thuần và cái thuần lúc mới ra đời thì đẹp lắm. Nhưng sau khoảng 3 năm thì ngoại hình của chúng xấu hơn. Đầu thô lắm”.

Nhìn đàn trâu cái nội giống gốc gầy nheo nhóc, chị Tâm, công nhân có thâm niên 21 năm làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi, phiền lòng: “Có ngày công nhân của trung tâm cắt được 180kg cỏ, nhưng phải chia sẻ cho 70 con trâu cái”.

14-31-10_nh-5
Đàn trâu Mura giống gốc gầy nhom vì đói ăn tại Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi. Đàn trâu đã bị thoái hóa do hiện tượng giao phối cận huyết

Tôi bất giác nhớ đến đàn trâu Mura theo chân anh hùng lao động Hồ Giáo từ nông trường Sông Bé về xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) năm 1990. Cứ tưởng 15 con trâu giống nọ sẽ thành nòng cốt trong việc “Mura hóa” đàn trâu cỏ trong tỉnh.

Ông Chuyên chia sẻ, nhu cầu về trâu giống của các địa phương rất cao. Nhưng mỗi năm trung tâm chỉ xuất được khoảng 30 - 40 con. Các tỉnh nhiều khi đặt mấy ngàn con nhưng khả năng của mình không đáp ứng được. Ví dụ như Hà Giang, từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 10.000 con trâu cái rồi hỗ trợ cho dân. Họ đang đề nghị mình cung cấp, nhưng mình phải tuyển chọn bên ngoài.

Thế nhưng đến năm 2013, số trâu trong trại không những không phát triển mà ngày một vơi dần, chỉ còn 8 con, trong đó có 2 con sắp thành “đồng nát”. UBND tỉnh này quyết định chuyển toàn bộ 8 con trâu Mura tại trại trâu Nghĩa Hành về với các hộ gia đình “có điều kiện” để tiếp tục chăm sóc. Vậy là, trại trâu Nghĩa Hành đã chính thức bị xóa tên, khép lại 22 năm tồn tại dưới danh nghĩa “nhân giống đàn trâu sữa Mura ra toàn tỉnh” như ý định ban đầu của các nhà quản lý.

Tiếc cho nguồn gen quý

Bước sang thế kỷ XXI, thành tựu nghiên cứu khoa học - công nghệ trong ngành chăn nuôi phát triển mạnh. Người ta khẳng định được rằng, giống trâu Mura không chỉ cho năng suất sữa cao, mà còn là nguồn gen quý để cải tạo trâu nội theo hướng thịt (trâu F1 có tầm vóc lớn, khả năng tăng trọng cao hơn 20 - 25% và tỷ lệ thịt xẻ cao cao hơn 15 - 20% so với trâu nội). Chỉ tiếc rằng, khi nhận ra những điều này, thì giống trâu Mura trong nước đã bị pha tạp quá nhiều và không đủ chất lượng để nhân đàn thuần chủng.

Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi đang dốc sức cùng các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội thực hiện dự án cải tạo tầm vóc đàn trâu nội bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trâu Mura.

Nhưng ông Nguyễn Đức Chuyên, PGĐ Trung tâm này chia sẻ, những năm qua, trung tâm phải nhập khẩu khoảng 13.000 liều tinh trâu Mura để thực hiện các dự án cải tạo đàn trâu theo hướng thịt cho các tỉnh.

Hỏi lý do vì sao phải nhập khẩu tinh trâu Mura trong khi trung tâm đang lưu giữ giống gốc? Vị lãnh đạo này bảo rằng: “Tinh trâu nhập ngoại so với tinh của mình thì chất lượng vượt trội hơn hẳn. Thực tế sản xuất cũng đã đánh giá và chứng minh rồi. Trọng lượng nghé sinh ra tăng cao hơn 3 - 4kg so với tinh trâu SX tại trung tâm và khả năng tăng trọng cũng tốt hơn”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất