| Hotline: 0983.970.780

Túng quẫn, dân miền núi bán rừng tràn lan

Thứ Hai 18/09/2017 , 08:39 (GMT+7)

Cái đói, cái nghèo quanh năm bám riết khiến người dân quên luôn nghĩa vụ bảo vệ vốn rừng từ lúc nào không hay, cứ thế “phong trào bán đất rừng” lan nhanh.

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa vào ngày 11/9/2017, phía Chi cục Kiểm lâm đề cập cụ thể: “Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng, rừng trồng nhưng chưa chấp hành theo quy định pháp luật vẫn còn diễn ra, thậm chí một số nơi xảy ra tình trạng chuyển nhượng “ngầm” rừng tự nhiên, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

11-14-37_3
Thiếu đất sản xuất hoặc có cũng như không là thực trạng đáng buồn hiện nay

Điều đáng bàn là thực trạng này đã manh nha từ nhiều năm trước đó nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục. Qua ghi nhận thực tế tại các huyện miền núi có trữ lượng rừng giàu như Thường Xuân, Như Xuân đây thực sự là vấn đề vô cùng nhức nhối.

Lấy thôn Giang, xã Xuân Chinh (Thường Xuân) làm ví dụ. Toàn thôn có 91 hộ nhưng chỉ có vỏn vẹn 14,57ha đất nông nghiệp, chưa kể hệ thống tưới tiêu không đảm bảo nên chỉ canh tác được 2/3 diện tích. Đời sống của dân bản còn vô vàn khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 70%, thu nhập bình quân đầu người chưa nổi 8 triệu đồng/năm.

Cái đói, cái nghèo quanh năm bám riết khiến người dân quên luôn nghĩa vụ bảo vệ vốn rừng từ lúc nào không hay, cứ thế “phong trào bán đất rừng” lan nhanh.

Ông Lò Văn Vinh và bà Ngân Thị Liên có với nhau 6 mặt con, 5 người con gái phụ thuộc nhà chồng, cậu con trai độc nhất thì lăn lộn đủ thứ nghề mưu sinh, chung quy lại không nhờ vả được gì. Nghèo còn mắc cái eo, nhà có 5 sào đất lúa thì 2 sào không thể dẫn nước đành phải bỏ hoang. Bản thân bà Liên nay ốm mai đau, thân hình gầy rộc, rũ rượi như tàu lá chuối. Ngước lên cúi xuống chẳng biết bấu víu vào đâu, cuối năm 2015 ông Vinh, bà Liên quyết định chuyển nhượng sạch bách 11,99ha đất rừng sản xuất (được cấp thời hạn 50 năm) cho một người thường gọi là D “Sâm” với mức giá rẻ mạt 45 triệu đồng, đến nay gia đình mới lấy được… 35 triệu.

11-14-37_4
Cũng như nhiều hộ dân khác tại thôn Giang, gia đình ông Lò Văn Vinh đã phải chuyển nhượng đất sản xuất cho người khác

Hỏi nguyên nhân, ông Vinh không giấu diếm: “Bất đắc dĩ mới phải làm chứ hay hớm gì đâu. Đấy chú xem, có đất rừng thật đấy nhưng tiền đâu mà cải tạo, trong khi nghề ngỗng không có, mỗi quý được hỗ trợ 130.000 đồng dành cho đối tượng hộ nghèo, lúa làm ra họa may chỉ đủ ăn 8 tháng, tất tần tật chỉ có ngần ấy thử hỏi chúng tôi biết sống ra sao”.

Nhắc đến đây, Trưởng thôn Vi Văn Đảnh buồn rười rượi: “Cả thôn có 192ha đất rừng sản xuất thì 1/3 trong số đó đã không còn thuộc quyền sở hữu của dân bản nữa rồi. Túng quẫn nên hộ Lò Song Toàn đã chuyển nhượng 10ha, Vi Văn Xuân 8ha, Vi Văn Puộc 17ha, Lò Văn Điện 6,3ha và nhiều hộ khác nữa. Với đà này chẳng mấy chốc đất rừng sẽ bị bán hết sạch”.

Trao đổi với PV NNVN, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho rằng một bộ phận người dân không hiểu sâu về pháp luật, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài. Tại các diễn đàn, hội nghị sơ kết, tổng kết huyện đã nhiều lần chỉ đạo nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra, tới đây địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh lại tình hình để có phương án tháo gỡ.

Đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất của bà con miền rừng, nhưng với những bất cập như hiện nay thì việc giữ, bảo vệ và phát triển sinh kế là không khả thi. Thiết nghĩ cần phải có một cuộc cách mạng về đất lâm nghiệp mà ở đó người dân thực sự đóng vai trò chủ thể, bằng không chính họ sẽ đứng ngoài cuộc chơi.

Theo quy định hiện hành, 1 cán bộ kiểm lâm được giao quản lý 1.000ha rừng. Cào bằng trên tổng diện tích hiện có, Kiểm lâm Thanh Hóa đang thiếu 187 biên chế, lúc này mỗi người phải “ôm” gần gấp đôi khối lượng, áp lực bảo vệ rừng ngày một nặng nề hơn.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.