| Hotline: 0983.970.780

Người dân sống sát rừng thiếu ăn, túng quẫn phải làm liều!

Thứ Sáu 15/09/2017 , 09:10 (GMT+7)

Thiếu ruộng đất, cuộc sống túng quẫn khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên, các cánh rừng tự nhiên phải “làm liều”.

Xử phạt hành chính chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu về dài vẫn phải giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân.
 

Bĩ cực sinh… liều lĩnh

Cuối tháng 8, khoảnh rừng nghèo kiệt trước ngôi nhà sàn lợp tranh tre dột nát của ông Lương Văn Đạt, bản Na Chạng, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An) đã phủ một màu xanh lúa rẫy. Ông tính, sau vụ lúa rẫy này sẽ chuyển sang trồng keo dù chính quyền địa phương không cho phép. Nhà ông Đạt có 4 miệng ăn, 2 lao động chính, 2 đứa con đang ăn học nhưng không có lấy một thước đất ruộng, quanh năm thiếu đói.

09-43-03_v_tiem_n_nguy_co_ph_rung
Ông Đạt đang sửa lại phương tiện vận chuyển gỗ

Ông Đạt than thở: “Nhà được xã tạm giao chưa đến 500 m2 rừng tự nhiên, từ nhiều năm trước đã trồng quế dưới tán rừng, không hiệu quả, chuyển sang trồng sắn cũng không đủ ăn. Nay phải phát để trồng lúa rẫy chứ đi làm thuê, ngày có, ngày không, đứt cơm từng bữa, cơ cực lắm! Nhưng mỗi năm cũng chỉ làm 1 mùa, được 1-2 tạ lúa, không đủ ăn…”.

Cũng tại bản Na Chạng, chúng tôi gặp bà Lương Thị Tiên. Bà Tiên vừa bị UBND xã Tiền Phong lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền 662.500 đồng vì phát 250m2 rừng trái pháp luật để làm nương rẫy. Hoàn cảnh gia đình bà Tiên éo le, thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, mình bà nuôi 2 đứa con ăn học. Dù đã sinh sống ở đây hàng chục năm nhưng gia đình bà không có ruộng nước, không có đất trồng keo. Đi làm thuê ngày được dăm ba chục nghìn, không đủ ăn, bà làm liều phát rừng trồng lúa rẫy. Sau vụ lúa này bà cũng định trồng keo còn cái ăn hàng ngày thì phải chờ đi phát rẫy mới.

09-43-03_khong_co_dt_sn_xut_b_tien_dnhlm_lieu
Không có đất sản xuất bà Tiên đành làm liều

“Mình cũng biết rừng này do xã quản lý, không được phát để làm rẫy. Nhưng mình nói với cán bộ, nếu không phát rừng làm rẫy, trồng keo thì không biết lấy gì ăn. Mình đi vay tiền nộp phạt rồi. Không có ăn, biết là vi phạm pháp luật nhưng cũng phải làm liều thôi!”.

Bản Na Chạng có 142 hộ thì 71 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo. Toàn bản có 9,4 ha lúa nước, sản xuất được 1 mùa; 5 ha lúa rẫy; 38 ha đất trồng rừng; 4 ha sắn và rau màu. Cái ăn của dân bản Na Chạng chỉ nhìn vào chừng đó đất đai. Còn 383,33 ha rừng tự nhiên được giao cho 30 hộ dân. Về lý, diện tích này đương nhiên không được “đụng vào”. Nhưng vì miếng cơm manh áo, dân bản cũng đành làm liều, mỗi năm phát sẻ một ít, trước trồng lúa rẫy, sau trồng keo. Nếu năm 2016, bản có 5 hộ phát rừng trồng keo bị phát hiện, xử lý thì nửa năm 2017 đã có 8 hộ vi phạm, hộ phát nhiều nhất là 600 m2.

Ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, xã có gần 2.500 hộ dân với 11.900 nhân khẩu, 80% hộ sống dựa hoàn toàn vào đất rừng. Diện tích rừng trồng theo quy hoạch chỉ có 1.300 ha, tính ra, mỗi hộ chỉ được trên dưới 0,5 ha đất rừng trồng. Trong số 6.000 ha rừng tự nhiên, hàng năm, xã phải luân canh cho dân 8 bản vùng trong không có đất rừng trồng phát nương làm rẫy để giải quyết cái ăn trước mắt cho đồng bào; 1.000 ha đã được quy hoạch để giao cho người dân TĐC Thủy điện Hủa Na. Như vậy, xã còn gần 5.000 ha rừng tự nhiên chưa giao cho dân. Số diện tích này hiện đang giao cho ban quản lý thôn bản, cộng đồng quản lý. Đây là rừng nghèo, rừng phục hồi, lâm sản phụ ít nên vào rừng để kiếm cái ăn rất khó khăn.

“8 bản vùng trong của xã thiếu ruộng nước, sống dựa vào rừng tự nhiên nhưng chưa có đất rừng sản xuất. Diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý hiện gặp rất nhiều khó khăn vì phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ người dân chặt phát trộm trồng keo. Từ năm 2016 đến nay, tại xã có trên 30 vụ chặt rừng trồng keo bị phát hiện và xử lý. Mới đây nhất, vào tháng 3/2017, cánh rừng tự nhiên 20 ha đã được giao cho hộ dân khoanh nuôi bảo vệ trên địa bàn xã bị chặt phá” – ông Kiệm cho biết.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong, chỉ trong 8 tháng năm 2017 trên địa bàn huyện đã xảy ra 98 vụ phá rừng trái phép với diện tích vi phạm 11,2 ha, trong đó diện tích có rừng 3,51 ha; đất có cây tái sinh trạng thái Ià 7,78 ha. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 112.882.000 đồng...
 

Khó khăn trong giao đất, giao rừng

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Quế Phong, trên địa bàn huyện hiện mới có 3.661 hộ được giao đất giao rừng với tổng diện tích 19.982,44 ha, 921 ha giao cho cộng đồng 8 bản; 41.269 ha đất rừng sản xuất chưa giao (tạm giao cho cộng đồng và UBND xã quản lý). Trong khi còn diện tích rất lớn chưa được giao cho cá nhân, hộ gia đình quản lý thì có hàng nghìn hộ dân vẫn chưa có đất sản xuất.

09-43-03_khong_co_dt_sn_xut_l_nguyennhn_cu_doi_ngheo
Không có đất sản xuất là nguyên nhân của đói nghèo

Theo cơ quan chức năng huyện Quế Phong, để thực hiện xong quy trình giao đất giao rừng cho người dân theo đúng kế hoạch, toàn huyện cần trên 10 tỷ đồng. Chừng đó tiền hiện đang trông chờ vào ngân sách tỉnh nhưng chưa biết khi nào có!

Còn tại huyện Quỳ Châu, tính đến cuối năm 2016, toàn huyện còn trên 2 nghìn hộ dân chưa có đất rừng sản xuất nhưng trong số gần 62 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp thì cũng chỉ mới có gần 39 nghìn héc-ta được giao cho 8.330 hộ dân. UBND huyện Quỳ Châu đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 2.500 ha đất của 2 lâm trường đóng trên địa bàn để giao cho dân. Tuy nhiên, thiếu kinh phí, lâm trường chưa bàn giao hết đất hoặc bàn giao ở những địa bàn xa xôi cũng đang gây khó khăn cho công tác giao đất, giao rừng cho người dân.

Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho biết, năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch thêm 16.000 ha đất rừng giao cho người dân nhưng do thiếu kinh phí đến nay vẫn phó mặc diện tích trên cho cộng đồng quản lý, trong số này có tới 60-70% là rừng nghèo kiệt. “Đã có 3 công ty tư vấn, thiết kế được hợp đồng để tổ chức giao đất giao rừng cho người dân. Nguồn kinh phí này khoảng 17 tỷ đồng thì UBND tỉnh chưa có để phân bổ” – ông Đình cho biết.

Một nguyên nhân nữa khiến việc giao đất giao rừng tại Nghệ An gặp khó được các cơ quan chức năng nhận diện là đất thu hồi từ các nông, lâm trường. Thực tế, các nông, lâm trường khi “trả đất” theo quyết định thu hồi của UBND tỉnh Nghệ An thì chỉ đồng ý trả những diện tích xa xấu, độ dốc cao, khó sản xuất. Trước thực tế này, nhiều hộ dân đã không đồng tình và không chịu nhận rừng...

09-43-03_lu_ry_keo_d_moc_len_giu_nhungkhonh_rung_tu_nhien
Lúa rẫy và keo đã mọc lên giữa những khoảnh rừng tự nhiên

Ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đang rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng. Nhiều địa phương có rừng nghèo kiệt nhưng đất sản xuất nông nghiệp thiếu trầm trọng trong khi nhu cầu trồng rừng đang rất cao. Khi rà soát xong, chúng tôi sẽ xin chủ trương của tỉnh. Về cơ bản, xử lý diện tích rừng nghèo kiệt này thế nào thì vẫn phải theo quy định của pháp luật”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.