| Hotline: 0983.970.780

Tưới tiết kiệm cho cà phê - xu hướng tất yếu

Thứ Hai 25/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Thực tế, những năm qua tại Tây Nguyên, diện tích cà phê bị thiếu nước tưới ngày càng nhiều, còn người dân lại tưới thừa lượng nước cần thiết.

17-06-05_c_phe_tuoi_tiet_kiem_1
Công nghệ tưới tiết kiệm của WASI áp dụng cho cà phê. Ảnh: Đăng Lâm.

Trong khi đó, cà phê là loại cây trồng cần rất nhiều nước tưới trong mùa khô. Do vậy, sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu bằng công nghệ tưới tiết kiệm là xu thế tất yếu.
 

Lãng phí tài nguyên nước tưới cà phê

Hiện nay, cả nước có khoảng 640.000 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm trên 92% diện tích cả nước. Nước đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sản xuất cà phê, cà phê chỉ trồng được khi có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô để cây ra hoa kết quả đồng loạt. Do đó, nước tưới mang tính quyết định đến năng suất cà phê tại Tây Nguyên.

TS Phạm Công Trí, Phó Trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ( WASI) cho biết, nhu cầu nước cho cà phê trong mùa khô rất lớn. Trung bình lượng nước tưới cho cà phê hiện nay khoảng 1.600-1.700 m3/ha (đây là theo khuyến cáo của WASI), thì lượng nước toàn vùng Tây Nguyên đã lên đến 800 -850 triệu m3/năm.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu làm cho dự trữ nước mặt và nước ngầm ngày càng suy giảm nghiêm trọng, trong vòng 10 năm qua lượng nước ngầm đã giảm 3 – 5m, do đó dẫn đến nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với cây cà phê nói riêng, đặc biệt là trong điều kiện hạn hán.

Các kết quả điều tra của WASI cho thấy, trung bình gần 60% số hộ sản xuất cà phê tưới 3- 4 lần/mùa khô, với lượng nước từ 400 - 600 lít/cây/lần tưới và đây là lượng nước tương đối hợp lý cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển bình thường, song so với khuyến cáo hiện nay của WASI thì trong số đó có trên 50% số hộ tưới trên 520 lít/cây/lần, và có tới 23,2% số hộ sản xuất cà phê tưới thừa nhiều nước (600 - 950 lít/lần tưới).

Nếu cho rằng tưới trên 520 lít/cây là thừa nước so với khuyến cáo thì có trên 73% số hộ nông dân Tây Nguyên tưới thừa nước cho cây cà phê. Do vậy đã gây nên tình trạng lãng phí nguồn nước lên đến 150 triệu m3 nước mỗi mùa khô chỉ riêng với cây cà phê, không chỉ vậy tưới thừa nước còn làm tăng chi phí sản xuất.

17-06-05_c_phe
Tưới tiết kiệm cho cà phê mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Ảnh: Đăng Lâm.

Về phương pháp tưới có đến 76% nông hộ được điều tra áp dụng phương pháp tưới gốc, tưới phun mưa chiếm trên 16% số nông hộ. Tưới tràn chiếm tỷ lệ rất nhỏ (6,7% số nông hộ) phổ biến ở tỉnh Gia Lai, nhưng phương pháp tưới này không được khuyến cáo vì gây nên tình trạng xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng và lây lan bệnh, đặc biệt là bệnh thối rễ cà phê do tuyến trùng và nấm gây nên.
 

Tưới tiết kiệm đa lợi ích

Để chống lãng phí tài nguyên nước như hiện nay, thời gian qua WASI đã nghiên cứu tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, kết quả bước đầu cho thấy tưới nước tiết kiệm đã không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng cà phê nhân, vì vậy đã góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường do sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Theo TS Phạm Công Trí, hiện nay có hai hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê ở Tây Nguyên được bà con nông dân áp dụng. Đó là hệ thống tưới nhỏ giọt (hệ thống tưới Israel). Đây là hệ thống ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhập khẩu từ Israel. Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc đưa nước đến vùng rễ thông qua hệ thống ống dẫn, áp suất cao cân bằng kín bù áp.

Nước được tưới thông qua các đầu nhỏ giọt thấm đều ở vùng rễ. Thiết kế các dây nhỏ giọt theo khoảng cách cố định chạy dọc 2 bên hàng cây, khoảng cách 40cm trên đoạn dây có 1 đầu nhỏ giọt. Mỗi đầu nhỏ giọt trung bình tưới được 1 - 1,6 lít/giờ. Vật liệu làm hệ thống là các loại PVC và ống PE nhỏ giọt nhập khẩu từ Israel. Hệ thống đi kèm với bộ châm phân và phải sử dụng bộ lọc nước.

17-06-05_2
 
"Hệ thống tưới tiết kiệm chỉ phát huy hiệu quả ở những vườn cà phê còn khỏe mạnh, bộ rễ còn tốt, đối với những vườn cây bị “lão hóa” bộ rễ đã hỏng thì lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cũng không hiệu quả. Đặc biệt nếu lắp đặt kệ thống tưới tiết kiệm tại những vườn cà phê tái canh trồng mới sẽ rất hiệu quả" (TS Phạm Công Trí).

Đối với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc (hệ thống tưới WASI). Đây là kết quả nghiên cứu tưới tiết kiệm của WASI đã được Bộ NN- PTNT ban hành theo Quyết định số 5075/QĐ-BNN-TT ngày 06/12/2016 của Cục Trồng trọt. Tưới phun mưa tiết kiệm khoảng 25% lượng nước, 33,3% công tưới và 20% lượng phân bón.

Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện WASI thì hệ thống hoạt động trên nguyên tắc đưa nước tới từng gốc cây (cà phê, hồ tiêu,…) thông qua hệ thống ống dẫn, áp suất thấp cân bằng hở không bù áp. Nước được tưới cho cây theo nguyên lý phun mưa tại gốc với đầu béc phun mưa nhỏ, nên nước được thấm đều trên cả diện tích bồn cây, tại vùng rễ.

Thiết kế tối ưu theo thực tế địa hình, diện tích tưới, hiện trạng vườn cây và thiết bị cấp nước. Lưu lượng tưới thiết kế phổ biến khoảng 60 lít/giờ. Vật liệu hệ thống sử dụng chủ yếu là các loại PVC và ống PE sẵn có trên thị trường. Hệ thống đi kèm với bộ châm phân và không nhất thiết phải sử dụng bộ lọc nước.

Theo TS Phan Việt Hà, thực tế tưới tiết kiệm (công nghệ Israel, công nghệ WASI) đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế bởi không những tiết kiệm chi phí mà còn làm gia tăng năng suất vườn cây.

Kết quả nghiên cứu về tưới và hiệu quả của các mô hình tưới tiết kiệm cho thấy cả hai hệ thống tưới tiết kiệm đều gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu đồng/ha/năm (với dự kiến khấu hao hệ thống tưới trong 10 năm); tuy nhiên chỉ cần sau 2-3 năm tích luỹ thì khoản lợi nhuận này cũng đã đủ để bù đắp được chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (62-76 triệu đồng/ha).

17-06-05_vuon_c_phe_pht_trien_tot_nho_he_thong_tuoi_tiet_kiem
 

Các hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm, đây là khoản tiền không nhỏ với đa số nông hộ trồng cà phê hiện nay. Đồng thời tối ưu hoá nước tưới còn gia tăng năng suất vườn cây khoảng 0,5 tấn cà phê nhân/ha.

Ngoài lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất cây có tưới. Các kết quả điều tra cho thấy các mô hình áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm so với tưới theo truyền thống đã giảm lượng nước tưới (600-1.150 lít/gốc/năm, tương ứng 25 - 47,9%).

Bên cạnh đó việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nhờ đó tiết kiệm lượng phân bón sử dụng (giảm 20-26% lượng phân nguyên chất) đồng thời duy trì và cải thiện độ phì đất.

"Tưới tiết kiệm cho cây cà phê góp phần bảo vệ môi trường ở cả ba khía cạnh.

Sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý và tiết kiệm hơn, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt, hạn hán ngày càng trầm trọng.

Nguồn nước được bảo tồn tốt hơn thông qua việc sử dụng nước hợp lý tiết kiệm, cũng có nghĩa là tăng thêm cơ hội sử dụng nước cho nhiều người hơn, việc chia sẻ nguồn nước cho các thành viên trong cộng đồng hiệu quả và thiết thực hơn, đây là giải pháp cốt lõi góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực và hiệu quả.

Việc tiết kiệm nước tưới cho cà phê cũng giảm cạnh tranh nguồn nước tưới giữa cà phê với các cây trồng cần tưới khác trên cùng địa bàn. Nhờ đó không phải giảm diện tích tưới cây cà phê mà vẫn đảm bảo diện tích tưới cho các cây trồng khác, góp phần đa dạng ngành hàng, ổn định và phát triển sản xuất" (TS Phan Việt Hà).

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm