Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao một số mô hình công nghệ tưới tiên tiến đang áp dụng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt và Viện Chăn nuôi, hiện cây mía được trồng ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước với diện tích khoảng 285.000ha. Tuy nhiên, vùng mía nguyên liệu cung cấp cho việc chế biến đường chỉ tập trung chủ yếu ở 25 tỉnh (255.000ha, chiếm 89%).
Một thực tế đáng lo ngại là hầu hết vùng nguyên liệu được trồng trên các vùng đồi, bãi nên việc chủ động được nguồn nước tưới rất khó khăn, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Vì thế năng suất mía những vùng này thường rất thấp, chỉ dao động từ 40 - 60 tấn/ha.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nước tưới là yếu tố quan trọng để năng suất mía. Nếu được tưới đầy đủ năng suất mía có thể tăng đến 50 - 60% so với không tưới. Tuy nhiên, diện tích mía được tưới trên cả nước chỉ chiếm hơn 30% (tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL).
Trong bối cảnh ngành mía đường đối mặt với nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới.
Từ kết quả thực tế cho thấy, nếu so với phương thức tưới truyền thống trước đây, thì việc áp dụng theo cách mới đã có nhiều đột phá, có thể tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước, ngược lại năng suất tăng đến 80 - 120% so với không tưới (đạt 90 - 110 tấn/ha).
Toàn cảnh hội nghị
Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đầu tư dự án hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới mía cho 610ha trên địa bàn 5 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Nông Cống, Thường Xuân và Như Thanh với kinh phí 110 tỷ đồng. |
Theo đánh giá chung, hiện các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước(công nghệ tưới phun mưa cải tiến ở Tây Ninh của Cty CP Đường Nước Trong; mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…) có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, đến cuối năm 2015, diện tích mía, cỏ được tưới rất khiêm tốn, chỉ đạt 6.000ha mía và 700ha cỏ. Vướng mắc lớn nhất chính là kinh phí, giá thành tương đối cao (thấp nhất 12 - 15 triệu đồng/ha) là rào cản với người nông dân.
Sau khi nghe báo cáo tham luận của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng kết luận: “Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là giải pháp hữu hiệu, có tính căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra phức tạp và khó lường.
Phương pháp này vừa tiết kiệm được nguồn nước, vừa giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV lại tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Người nông dân hoàn toàn có thể tính toán để phục vụ quá trình sản xuất. Muốn làm được điều đó, các địa phương phải tích cực triển khai, áp dụng cơ chế chính sách hợp lý, thông thoáng để khuyến khích bà con áp dụng.
Được biết Thanh Hóa là tỉnh có quy mô phát triển mía đường lớn, sản lượng chiếm khoảng 25% cả nước và trên 50% khu vực Bắc Trung bộ. Toàn tỉnh có gần 32.000ha mía nguyên liệu, cung cấp cho Cty CP Mía đường Lam Sơn; Cty CP Mía đường Nông Cống và Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan.
Toàn tỉnh có 41 công trình phục vụ tưới cho cây mía với tổng diện tích được tưới là 2.680ha, trong đó mới chỉ có 228ha áp dụng công nghệ tưới tiên tiến của hãng Netafilm - Israel (thuộc vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Lam Sơn).