| Hotline: 0983.970.780

'Tướng Trần Tử Bình & đồng đội' - một cuốn sách 'mới lạ'

Thứ Năm 28/11/2024 , 14:18 (GMT+7)

Sau khi đọc hết cuốn sách, chúng tôi thấy điều... 'mới lạ' ở chỗ nhiều thông tin sai lệch do người viết phóng bút mà không hề kiểm chứng.

Bìa sách 'Tướng Trần Tử Bình & đồng đội'. Ảnh: Khải Mông.

Bìa sách “Tướng Trần Tử Bình & đồng đội”. Ảnh: Khải Mông.

Cuốn sách dày 472 trang khổ 16 x 24cm do 3 con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967) chấp bút với “Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại nhiều điều mới lạ cho bạn đọc”. Sau khi đọc hết cuốn sách, chúng tôi thấy điều “mới lạ” ở chỗ nhiều thông tin sai lệch do người viết phóng bút mà không hề kiểm chứng.

Sai thông tin nhiều nhân vật/ địa điểm/ sự kiện

Trong sách, cụ bà Lê Thị Lịch phu nhân Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Dung viết sai thành Nguyễn Thị Lịch (tr. 13), cụ bà Phạm Thị Trinh phu nhân Bí thư Liên khu uỷ - Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu V Nguyễn Chánh viết sai thành Nguyễn Thị Trinh (tr. 16), Trung tướng Phạm Hồng Cư viết sai thành Lê Hồng Cư (tr. 137), Trung tướng Vũ Nam Long viết sai thành Đoàn Nam Long (tr. 176)…

Ảnh trang 146 do sử dụng tư liệu từ internet nên đã chú thích sai người đầu tiên mang tên Dương Văn Dương. Trong ảnh này không có ai là Dương Văn Dương. Người được chú thích mang tên Dương Văn Dương đó là thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Tác giả chú thích sai tên nhân vật lịch sử. Ảnh: Khải Mông.

Tác giả chú thích sai tên nhân vật lịch sử. Ảnh: Khải Mông.

Trong bài “Lê Thiết Hùng - Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Quốc gia”, trang 149 Trần Kiến Quốc trích dẫn sắc lệnh số 185/SL ngày 24.9.1946: “cử Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, quan Trung Bộ, nguyên Khu trưởng khu IV…”. Không rõ “quan Trung Bộ” là chức quan gì?

Trang 150, tác giả viết tiếp: “Ngày 7/7/1948, Hồ chủ tịch đã ký sắc lệnh 203/SL “chính thức hoá” việc tấn phong thiếu tướng cho Lê Thiết Hùng”. Chúng tôi mong được tác giả Trần Kiến Quốc cung cấp cho xem nội dung sắc lệnh 203/SL ngày 7/7/1948 có chữ ký và con dấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là bản photocopy cũng được.

Phóng bút sáng tác lịch sử 

Bài “Những kỷ niệm nho nhỏ về tướng Nguyễn Sơn”, tác giả Trần Kiến Quốc viết: “Ông Trần Tử Bình khi đó là Trưởng phòng Kiểm tra Cán bộ của Bộ Tổng Tư lệnh, đã nhận nhiệm vụ vào Khu Bốn, làm công tác tư tưởng cho ông Sơn” (tr. 164) và “(Cha tôi mất sớm nên chuyện này chỉ được nghe qua các chú cán bộ cấp dưới: Nhờ ông Trần Tử Bình mang bức thư vỏn vẹn 12 chữ Hán do chính tay Bác viết, trao tận tay cho ông Sơn nên ông Sơn thay đổi…” (tr. 165).

Một trong những trang sách được tác giả sáng tác lịch sử. Ảnh: Khải Mông.

Một trong những trang sách được tác giả sáng tác lịch sử. Ảnh: Khải Mông.

Không rõ các chú cán bộ cấp dưới nào sáng tác ra chuyện này, còn thực tế người mang lá thư 12 chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trao tận tay Khu trưởng Khu 4 Nguyễn Sơn là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch. Điều này tất cả các cuốn sách viết về Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn từ năm 1993 đều đưa thông tin chính xác và thống nhất.

Người mang lá thư 12 chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trao tận tay Khu trưởng Khu 4 là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Khải Mông.

Người mang lá thư 12 chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trao tận tay Khu trưởng Khu 4 là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Khải Mông.

Viết về Thượng tướng Chu Văn Tấn, tác giả Trần Kiến Quốc sáng tác sự kiện “Năm 1948, ông làm Khu trưởng Khu 4” (tr. 156). Năm đó, Khu trưởng Khu 4 là Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

Bài “Chuyện về tướng Hoàng Sâm”, tác giả Trần Kiến Quốc viết: “Ngày 8/2/1941, Bác từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng)” (tr. 168).

Ngày Bác từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) chính xác là 28/1/1941. Ảnh: Khải Mông.

Ngày Bác từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) chính xác là 28/1/1941. Ảnh: Khải Mông.

Đây là kiến thức lịch sử lạc hậu nửa thế kỷ. Ngày Bác từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) đã được xác minh lại từ lâu, học sinh phổ thông đều thuộc: chính xác là 28/1/1941.

Viết về đội du kích đầu tiên của Cao Bằng gồm 12 chiến sĩ, theo Trần Kiến Quốc thì “Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên” (tr. 169). Thông tin này phải đảo ngược mới đúng: Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên.

Thực tế, Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên. Ảnh: Khải Mông.

Thực tế, Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên. Ảnh: Khải Mông.

Bài “Đại tướng Hoàng Văn Thái”, tác giả Trần Kiến Quốc viết: “nghe tin Tưởng Giới Thạch mở lớp Quân sự đặc biệt kháng Nhật, Bác đã đề đạt với tướng Trương Phát Khuê (Tư lệnh Đệ tứ chiến khu kháng Nhật) xin cho 40 người Việt sang học và giao cho Hoàng Văn Thái phụ trách” (tr. 176).

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc còn chưa gặp Trương Phát Khuê thì làm sao xin cho 40 người Việt sang học quân sự được?

Bài viết về vợ chồng Thượng tướng Vũ Lập - Nguyễn Thị Bích Ngọc, tác giả Trần Kiến Quốc tưởng tượng ra: Võ Nguyên Giáp đã về huyện Hoà An (Cao Bằng) mở lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên năm 1940 (tr. 280). Năm 1940, trước tháng 5 thì Võ Nguyên Giáp còn dạy học ở Hà Nội, sau tháng 5 thì Võ Nguyên Giáp ở Trung Quốc, không hề có mặt ở Hoà An – Cao Bằng.

Bài viết về cụ “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt, tác giả Trần Kiến Quốc viết quá nhiều chi tiết sai.

Tác giả Trần Kiến Quốc viết quá nhiều chi tiết sai. Ảnh: Khải Mông.

Tác giả Trần Kiến Quốc viết quá nhiều chi tiết sai. Ảnh: Khải Mông.

Đầu tiên là sự kiện Đặng Văn Việt về làm cán bộ khung trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá I, được dẫn theo lời kể của cụ Việt như sau: “Mẹ chú là bà Hoàng Thị Hiền (con cụ Hoàng Đạo Phương – anh ruột cụ Thuý) nên chú Thuý đã “chấm tên thằng cháu” (tr. 309).

Lỗi sai thứ nhất là sai tên mẹ cụ Việt. Tên của cụ bà là Hoàng Thị Hiến (dấu sắc) chứ không phải Hoàng Thị Hiền (dấu huyền). Việc viết sai tên mẹ cụ Việt còn lặp lại ở trang 311. Lỗi sai thứ hai là tôn ti - thế thứ. Đặng Văn Việt phải gọi Hoàng Đạo Thuý bằng… ông (ông trẻ), chứ không phải chú.

Riêng mục “Hùm xám đường số 4” ở trang 310, Trần Kiến Quốc sáng tác về lịch sử còn trên tài các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử.

Một là, Trần Kiến Quốc viết: “Năm 1947, ông là Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4. Năm 1948, kiêm chức E trưởng e28, chỉ huy đơn vị hoạt động dọc tuyến đường số 4…”. Như vậy, Trần Kiến Quốc đã quên ở những trang trước chính tác giả viết: Năm 1947, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng đường số 4? Có một thực tế, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chưa bao giờ được giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đường số 4. Người giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đường số 4 từ năm 1948 trở đi là một Phó Tư lệnh Quân khu 1.

Theo Trần Kiến Quốc viết, các binh sĩ người Pháp gọi Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là “Tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon). Nếu tác giả dẫn ra được binh sĩ nào người Pháp gọi như vậy, gọi ở đâu (tờ báo/ tạp chí nào), chúng tôi biết ơn nhiều lắm!

Vẫn trang 310, Trần Kiến Quốc viết rằng Trung đoàn 174 của ông Đặng Văn Việt “bắt sống 2 sĩ quan chỉ huy binh đoàn Pháp là Marcel Lepage và Pierre Charton’. Đây thật đúng là phát hiện chấn động lịch sử! Vậy mà hơn 70 năm nay, các sách Lịch sử Trung đoàn 174 không thấy ghi chiến công này cho đơn vị mình. Chúng tôi chỉ thấy Lịch sử Trung đoàn 36 và Lịch sử Trung đoàn 88 (đều thuộc Sư đoàn 308 – Quân Tiên Phong) ghi công bắt sống 2 sĩ quan chỉ huy Marcel Lepage và Pierre Charton!

Còn rất nhiều sai sót khác nữa trong cuốn sách “Tướng Trần Tử Bình & đồng đội” nhưng do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi dừng bút tại đây. Chúng tôi mong nhận được phản hồi từ Nxb Hội Nhà văn – nơi cấp phép xuất bản cho cuốn sách “Tướng Trần Tử Bình & đồng đội”.

Ngoài ra, cũng cần kể thêm, trong bài “Con trai tướng Trần Tử Bình kể chuyện xét xử vụ án tham nhũng đầu tiên” tác giả Trần Kiến Quốc ghi theo lời kể của ông Trần Kháng Chiến – con trưởng của Thiếu tướng Trần Tử Bình lại có nhiều nội dung giống hệt bài “Phạm Trinh Cán – nhà giáo cầm quân pháp” của Kiều Mai Sơn đăng trên báo ngày 28/8/2021. Thậm chí, ảnh chân dung Cục trưởng Phạm Trinh Cán (tr. 197) cũng lấy từ bài viết của Kiều Mai Sơn đã đăng báo!

Xem thêm
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ GTVT

Hôm nay (28/11), Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT và tiến hành bầu Tổng Thư ký Quốc hội mới.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài 1] Cuộc cách mạng trên đồng ruộng Mộc Châu

SƠN LA Mộc Châu chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và đặt nền móng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vừa rà phá bom mìn, vừa xây kè chống sạt lở

Hà Tĩnh Một số dự án phòng chống thiên tai thi công trong điều kiện đặc thù, ảnh hưởng tiến độ. Để khắc phục, các lực lượng chức năng liên quan hỗ trợ nhà thầu tối đa.