| Hotline: 0983.970.780

Tụt mạnh lượng xuống giống vụ hoa Tết

Thứ Năm 21/10/2021 , 21:37 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Lo ngại thị trường hoa Tết trầm lắng, lượng hoa xuống giống của bà con làng hoa Sa Đéc chỉ bằng khoảng 60% mọi năm.

Thời điểm này, bà con nông dân làng hoa Sa Đéc (Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, lượng hoa Tết năm nay dự kiến sẽ giảm mạnh, chỉ bằng 60% so với năm ngoái, nhiều bà con cũng chủ động tìm hướng đi mới cho phù hợp với tình hình.

Trên diện tích 2.000 mét vuông, vụ hoa Tết này bà Nguyễn Thị Thanh Nga ở phường An Hòa (TP Sa Đéc) chỉ trồng khoảng 2.000 giỏ hoa gồm cúc mâm xôi, cúc tiger và cát tường, giảm gần 7.000 giỏ so với năm ngoái.

Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật chăm sóc diện tích hoa Tết đã xuống giống. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật chăm sóc diện tích hoa Tết đã xuống giống. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Nguyên nhân chính khiến gia đình bà Nga quyết định giảm số lượng trồng là do lo ngại thị trường hoa Tết năm nay sẽ trầm lắng, bên cạnh đó giá vật tư tăng cũng như nhiều yếu tố khác đang tăng cao. 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Vân ngụ phường An Hòa cũng chỉ trồng với số lượng khoảng 2.000 giỏ gồm cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cát tường, giảm hơn 60% so với năm ngoái. Hiện tại, cúc mâm xôi đã được chị Vân xuống từ khoảng tháng 6 âm lịch, đến nay cây đã được ngắt cơi 3 đợt.

Riêng cúc Đài Loan chị Vân cũng chuẩn bị xuống giống. Theo chị Vân, thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, năm nay mưa ít hơn so với năm ngoái, tuy nhiên, mưa đêm xuất hiện nhiều sẽ gia tăng dịch bệnh trên cây, đòi hỏi phải tốn thêm chi phí về phân thuốc để xử lý cũng phần nào tăng gánh nặng đầu tư.

Ngoài việc giảm số lượng, nhiều nông dân cũng đã chủ động tìm hướng đi mới. Điển hình như nông dân Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông. Vụ hoa Tết này, ngoài việc chủ động giảm sản lượng hơn 50% so với năm ngoái, ông Kha còn linh hoạt chuyển sang trồng những loại cây kiểng lá, kiểng ăn trái mới lạ như nho thân gỗ, phúc bồn tử, bàn Singapo… để vừa tăng sức hút, vừa có thể bán quanh năm không bị lệ thuộc thời vụ.

Làng hoa Sa Đéc năm nay giảm mạnh lượng xuống giống vụ hoa Tết. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Làng hoa Sa Đéc năm nay giảm mạnh lượng xuống giống vụ hoa Tết. Ảnh: Thanh Nghĩa.

Tương tự như ông Kha, anh Huỳnh Văn Tiên ở xã Tân Khánh Đông chỉ trồng 2.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và khoảng 2.000 giỏ hoa cúc Đài Loan và vạn thọ, giảm khoảng 8.000 giỏ so với năm ngoái. Diện tích đất còn lại, ông Tiên chủ động chuyển sang làm nhà lưới để trồng các loại cây dài ngày gồm kiểng lá và kiểng trái như tắc kiểng, cây may mắn, vạn ngọc, đại lan thanh… để vừa tạo sự đa dạng cho khu vườn, vừa có thể bán quanh năm. 

Ông Võ Minh Thông, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 2.300 hộ trồng hoa với tổng diện tích hoa kiểng gần 700 ha. Riêng vụ hoa Tết Nhâm Dần 2022, bà con làng hoa Sa Đéc dự kiến xuống giống khoảng 70 ha, giảm gần 40 ha so với năm ngoái.

Hiện bà con chỉ mới xuống giống khoảng 13 ha, giảm 22 ha so với cùng kỳ. Thời điểm này chỉ có một số loại hoa dài ngày đã xuống giống như cúc mâm xôi, cúc kim cương và tắc kiểng, bà con cũng đang chuẩn bị xuống giống cúc tiger. Riêng các loại hoa ngắn ngày phục vụ Tết bà con đang chờ diễn biến dịch bệnh Covid-19 mới quyết định xuống giống từ giữa tháng 9 và tháng 10 âm lịch.

Trong thời gian toàn tỉnh Đồng Tháp và nhiều tỉnh thành khác thực hiện giãn cách xã hội, thị trường tiêu thụ hoa kiểng đã giảm hơn 75% so với bình thường, có thời điểm gần như đóng băng hoàn toàn, không thể tiêu thụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức tiêu thụ hoa kiểng đã có những tín hiệu lạc quan trở lại, đây sẽ là niềm vui và động lực để bà con nông dân làng hoa Sa Đéc đặt niềm tin và kỳ vọng vào vụ hoa Tết Nguyên đán sắp tới.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.