Khoảng 150 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày
Đó là khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố này được UBND TP Tuy Hòa cho biết với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ, chất thải nhựa… chiếm khoảng 85 - 90% khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Thế nhưng chỉ khoảng 5% được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp tại bãi rác Thọ Vức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa).
Trong khi đó theo thống kê, ước tính hàng năm, lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố tăng khoảng 8 - 10% (trung bình 0,7 – 0,8 kg/người/ngày). Từ đó đã gây áp lực lớn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bởi năng lực thu gom còn nhiều hạn chế và chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại nguồn.
Đặc biệt, lượng chất thải nhựa trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng nhanh, do sự tiện lợi của các loại bao bì nhựa và thói quen tiêu dùng của người dân. Do đó, đây là nguồn ô nhiễm lớn đối với môi trường do thời gian phân hủy của chất thải nhựa rất dài và trong quá trình phân hủy phát sinh nhiều chất nguy hiểm cho con người và môi trường.
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP Tuy Hòa có 16 xe thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chuyên dụng và hơn 200 công nhân phục vụ công tác vệ sinh; với tần suất thu gom là 7 lần/tuần đối với khu vực nội thành và 3 lần/ tuần đối với khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt lượng phát sinh lớn, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Từ đó một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hướng tới “Đô thị giảm nhựa”
Tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) đã triển khai Dự án kiểm toán rác thải sinh hoạt và giám sát rác thải nhựa ven biển trên địa bàn TP Tuy Hòa. Theo đó, tổ chức kiểm toán rác thải sinh hoạt tại 56 hộ gia đình thuộc phường 4 và 3 nhà hàng (Thuận Thảo, Hoàng Gia, Cannary); 6 khách sạn (Kaya, Sala, Công Đoàn, Sao Việt, Hoàng Kim, Hiệp Yến); 2 trường học (Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Phổ thông Duy Tân) và giám sát tại bãi biển Tuy Hòa. Kết quả đã có 13.882 kg rác thải sinh hoạt được kiểm toán; 54.931 rác thải có nhãn hiệu được phân loại và khảo sát; 40 kg rác biển được khảo sát.
Vì vậy, kiểm toán bước đầu cho thấy, tình trạng ô nhiễm chất thải rắn, rác thải nhựa tại TP Tuy Hòa nên đề xuất các kiến nghị để công tác quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, GreenHub còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học về quy trình ủ phân compost, ủ enzim hữu cơ từ chất thải rắn sinh hoạt. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng từ các cơ quan đoàn thể, trường học và đang từng bước được nhân rộng.
Tháng 11/2019, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã phối hợp với các Công ty CP Môi trường Đô thị Phú Yên tiến hành khảo sát về thực trạng quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa trên địa bàn TP Tuy Hòa, nhằm tiến hành thu thập dữ liệu làm cơ sở cho công tác quản lý. Qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, tiến đến thay thế loại bỏ rác thải nhựa trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, UBND thành phố đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, WWF-Việt Nam và GreenHub đang triển khai kế hoạch mô hình hình phân loại rác tại chợ phường 7 với mục tiêu giảm 80% lượng chất thải phát sinh tại chợ (khoảng 279kg/ngày) ra bãi chôn lấp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu TP Tuy Hòa cho biết thêm, để đạt được mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thoát ra môi trường vào năm 2025 theo chương trình “Đô thị giảm nhựa”, trong thời gian tới thành phố tập trung triển khai các giải pháp cụ thể. Trước tiên, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni-lông trong đơn vị và tuyên truyền để cán bộ, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và túi ni lông. Hàng ngày, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò tiên phong hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện "nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần".
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang đồ dùng, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai các phong trào, hoạt động sâu rộng trong thế hệ trẻ, nói không với rác thải nhựa, nhất là duy trì phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, "Ngày Chủ nhật xanh" gắn với phong trào giảm rác thải nhựa.
Thành phố cũng sẽ tăng cường hiệu quả của hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thông qua việc cải tiến quy trình, đầu tư trang thiết bị, và xây dựng các mô hình hỗ trợ hệ thống thu gom. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường trên địa bàn, xử lý nghiêm những hành vi xả rác thải không đúng theo quy định. Các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa cũng sẽ được thành phố quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa.
Theo UBND TP Tuy Hòa, thành phố đã ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa nhằm đạt được mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm ký cam kết. Sau khi ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và năm 2021, UBND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, WWF- Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố để hỗ trợ về nghiệp vụ, nhân lực và kinh phí để cùng thành phố đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra.