| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về rác thải nhựa

Thứ Ba 09/11/2021 , 08:27 (GMT+7)

Để khắc phục tình trạng rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, tỉnh Phú Yên sẽ tuyên truyền cho ngư dân nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Rác thải nhựa trong hoạt động nuôi trồng thủy sản

Theo một báo cáo gần đây do Tổng cục Thuỷ sản thực hiện với sự hỗ trợ từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong nuôi trồng thủy sản, rác nhựa phát sinh chủ yếu từ xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi như bạt lót ao nuôi, lồng, bè, lưới, thừng, phao…

Đặc biệt, với nuôi thâm canh tôm nước lợ, nguồn phát sinh rác thải nhựa từ bạt lót, bao bì rất lớn. Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, khi các ao nuôi đều được lót bạt, mỗi năm ước tính lượng rác nhựa phát sinh khoảng 301.477 tấn, trong đó lượng bạt lót ao khoảng 164.644,2 tấn chiếm trên 50% tổng lượng rác nhựa phát sinh. Đây sẽ là áp lực lớn cho môi trường nếu không có giải pháp thu gom, xử lý. Rác nhựa thất thoát ra biển từ nuôi thủy sản trên biển cũng được ước tính, tuy mức thất thoát nhỏ hơn nhưng cần được chú ý và tìm biện pháp quản lý, giảm thiểu.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh rất nhiều rác thải nhưa. Ảnh: AN.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh rất nhiều rác thải nhưa. Ảnh: AN.

Theo ước tính, lượng rác nhựa phát sinh từ loại hình nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 2.875 tấn rác nhựa, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138,75 tấn (chiếm 4,83%). Với nuôi cá lồng, mỗi năm ước tính phát sinh 2.588 tấn rác nhựa, trong đó thất thoát ra biển khoảng 134,86 tấn (chiếm 5,21%).

Tại Phú Yên, Tổng cục Thuỷ sản đã khảo sát cho thấy hoạt động nuôi thủy sản khá đa dạng. Về đối tượng nuôi, nhóm khảo sát đã tiến hành khảo sát đối với các chủ hộ nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu và Tuy An; nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đông Hòa và Tuy An; nuôi cá mú và cá bớp ở Tuy An. Về phương thức nuôi tôm hùm, cá bằng lồng bè, còn tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt (nếu nuôi thâm canh) và không lót bạt.

Nếu tính tổng lượng rác nhựa phát sinh ra trong 1 năm thì có một hộ với mức phát sinh lên tới hơn 12 tấn. Tuy nhiên, đây là hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng với diện tích lên tới trên 4 ha. Với tất cả diện tích ao đều được lót bởi bạt nhựa và được che bằng lưới lan nhựa, cước buộc đi kèm nên khâu xây dựng ao nuôi có lượng rác nhựa phát sinh cao.

Còn với các hộ nuôi tôm hùm, lượng nhựa phát sinh trong khoảng 7,34 kg/lồng/năm đến 9,94 kg/lồng/năm, trung bình là 9,89 kg/lồng/năm. Với nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở Phú Yên, mức thải nhựa trên 1ha ao trong một năm trong khoảng 2.302 kg/ha/năm đến 4071 kg/ha/năm, trung bình là 2.896 kg/ha/năm (trong đó bạt lót ao nuôi tôm chiếm khoảng 53%).

Trong tổng lượng rác nhựa phát sinh thì lượng phát sinh từ xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu chiếm tỷ lệ lớn, trên 90% tổng lượng rác nhựa phát sinh cho các loại hình nuôi khảo sát ở Phú Yên.

Về phía Sở NN-PTNT Phú Yên, qua quan sát thực tế cũng như kết quả thu thập từ một số mô hình thí điểm thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản thì rác thải chủ yếu là bao, túi ni lông, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn, hóa chất, vật liệu làm lồng bè, ngư cụ cũ, thức ăn thừa.

Vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: PC.

Vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: PC.

Tuy nhiên, chỉ một phần rác thải trên được ngư dân mang vào bờ để xử lý cùng với rác sinh hoạt, còn phần lớn ngư dân xả thải trực tiếp vào môi trường biển tự nhiên. Trong khi đó, ngư dân nên biết rác thải nhựa hầu hết là chất khó phân hủy, trôi nổi trên biển, đầm, vịnh không những gây hại cho hệ sinh thái biển, môi trường, cảnh quan như làm chết san hô, cỏ biển… mà còn gây hại cho các loài thủy sản, động vật biển khi ăn nhầm, vướng lưới, lưỡi câu...

Hơn nữa, phần lớn các loại rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản không tái chế được hoặc do nhiễm mặn nên phải qua xử lý tốn kém. Trong khi đó, việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa ở các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, chưa có các quy định thu gom, xử lý rác thải nhựa và chế tài quản lý, xử phạt các hành vi xả thải rác thải nhựa từ nuôi trồng và khai thác thủy sản; chưa có cơ quan hay tổ chức nào thường xuyên điều tra, kiểm toán rác thải từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Từ đó dẫn đến chưa thống kê được khối lượng và chủng loại rác thải để có biện pháp thu gom, xử lý phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hồng, một người nuôi trồng thủy sản ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, cho biết, việc bảo vệ môi trường biển, không vứt rác, nhất là rác thải nhựa xuống đầm, vịnh là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bởi tác hại của việc xả rác thải gây hại vô cùng lớn cho hệ sinh thái biển, môi trường và làm chết vật nuôi do ô nhiễm. Tuy nhiên để bảo vệ môi trường, mọi người nuôi phải có ý thức và chung tay thu gom bì nilong, xác tôm cá, thức ăn thừa đưa vào, không vứt xuống đầm vịnh.

Giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, để khắc phục vấn đề rác thải trong hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, trong thời gian tới các Sở ban ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho ngư dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi cố tình xả thải rác nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Để bảo vệ môi trường biển cần thu gom rác và xử lý đúng quy định. Ảnh: KS.

Để bảo vệ môi trường biển cần thu gom rác và xử lý đúng quy định. Ảnh: KS.

Được biết, để thu gom rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã xây dựng mô hình mô hình thu gom rác thải từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại phường Xuân Yên, vịnh Xuân Đàithị xã Sông Cầu. Bên cạnh đó, triển khai mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ biển dựa vào tự nguyện của tàu cá tại cảng cá Dân Phước.

Về phía ngành NN-PTNT Phú Yên, theo ông Phương, trong thời gian tới sẽ thiết kế một số mô hình quản lý, thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng khai thác thủy sản lồng ghép với việc hình thành, giao quyền quản lý cho các tổ chức cộng đồng. Đồng thời lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để huy động nguồn vốn và nhân lực thực hiện, từng bước nói không với rác thải nhựa và tiến tới nói không với rác thải vào môi trường tự nhiên từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở ban ngành và địa phương, các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân khai thác, nuôi trồng thủy sản nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự giác thu gom, phân loại rác thải nhựa trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và xử lý đúng quy định. Đồng thời, các bên liên quan cùng tham gia triển khai các dự án bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để khắc phục những tác hại của rác thải nhựa, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành các kế hoạch hành động nhằm quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục cộng đồng và ngư dân không thải rác nhựa vào môi trường và sử dụng bao bì túi đựng, dụng cụ thân thiện môi trường. Cùng với đó tự giác thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản về nơi tập kết đúng nơi quy định để xử lý, chôn lắp...

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.