| Hotline: 0983.970.780

Khi ngư dân tự nguyện thu gom rác nhựa

Thứ Tư 27/10/2021 , 14:36 (GMT+7)

Ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo đáy ở tỉnh Phú Yên thu gom rác thải nhựa vào bờ sau mỗi chuyến vươn khơi.

Tự nguyện bảo vệ môi trường biển

Hơn 1 tháng nay, tàu lưới kéo của ngư dân Nguyễn Ngọc Bình, Huỳnh Văn Nhựt, ở khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành, TX Sông Cầu (Phú Yên) đã hình thành ý thức bảo vệ môi trường biển, khi thu gom rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt kéo được đưa về cảng cá Dân Phước, phường Xuân Thành để xử lý.

Ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo ở Phú Yên tự nguyên thu gom rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt nhằm bảo vệ môi trường biển. Ảnh: HV.

Ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo ở Phú Yên tự nguyên thu gom rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt nhằm bảo vệ môi trường biển. Ảnh: HV.

Anh Bình cho biết, thời gian qua anh đã thu gom được 3 chuyến, mỗi chuyến vài chục kg rác thải gồm ống nhựa, túi ni lon, dây giềng, phao hỏng… “Chúng tôi hiểu rác thải nhựa đại dương với đặc tính rất khó phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của hải sản, chính là ảnh hưởng đời sống ngư dân. Do đó, tôi đã tự nguyện tham gia Đội xung kích ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo đáy, kết hợp thu gom rác thải nhựa trên biển ở phường Xuân Thành”, anh Bình bộc bạch.

Đội xung kích ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo đáy, kết hợp thu gom rác thải nhựa trên biển là tổ chức tự nguyện, được thành lập để tham gia dự án thí điểm “Thúc đẩy thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự tự nguyện của cộng đồng ngư dân” do Tổng cục Thủy sản phê duyệt.

Theo đó, đội xung kích ngư dân này chịu sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của UBND phường Xuân Thành, Ban quản lý dự án và cảng cá Dân Phước, trong thu gom, phân loại và xử lý rác thải thu được trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

Ngư dân sẽ thu gom rác thải nhựa đưa về cảng cá Dân Phước. Ảnh: KS.

Ngư dân sẽ thu gom rác thải nhựa đưa về cảng cá Dân Phước. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Công Tố, Phụ trách cảng cá Dân Phước, Trưởng ban Ban Điều phối Đội xung kích, cho biết, dự án bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2021, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đội xung kích ngư dân vừa mới thành lập vào cuối tháng 9 với 30 thành viên là chủ tàu hoặc thuyền trưởng tham gia. Thời gian qua một số tàu cũng đã bắt đầu gom rác vào bờ như tàu anh Nguyễn Ngọc Bình, Huỳnh Văn Nhựt. Sắp tới đội xung kích ngư dân cùng hoạt động sẽ tự nguyện thu gom rác trong quá trình đánh bắt vào bờ nhiều hơn.

Không vứt ngư lưới cụ hỏng xuống biển

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo Tồn Thiên nhiên (WWF), hiện gần 90% trữ lượng các loài thủy sản trên thế giới đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt, trong khi hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào nguồn thực phẩm thủy sản là nguồn cung cấp protein chính. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng, dẫn đến việc sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản cũng tăng theo. Lưới rê, lồng và bẫy, chà rạo, và các loại ngư cụ khác đang khiến vấn đề rác thải nhựa đại dương ngày càng gia tăng khi các ngư cụ này bị bỏ hoang, thất lạc hoặc vứt bỏ.

Ngư dân gom rác thải nhựa, ngư lưới cụ hỏng đưa vào bờ. Ảnh: HV.

Ngư dân gom rác thải nhựa, ngư lưới cụ hỏng đưa vào bờ. Ảnh: HV.

Ngư cụ ma (các loại ngư cụ bị bỏ lại trên đại dương) vẫn tiếp tục khiến các loài có giá trị kinh tế và các loài khác bị đánh bắt một cách không chủ ý, không chọn lọc trong nhiều năm, dẫn đến sự suy giảm các nguồn thực phẩm quan trọng, cũng như làm gia tăng mức độ nghiêm trọng về nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài quý hiếm như chim biển, rùa và thú biển. Đây chính là dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất, gây tổn hại đến các hệ sinh thái, sinh cảnh sống quan trọng ở biển, và gây nguy hiểm cho ngành hàng hải cũng như sinh kế của người dân.

Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Phú Yên, thời gian qua cảng cá Dân Phước đã vận động tuyên truyền các tàu trong quá trình khai thác thủy sản thu gom rác thải đưa vào bờ, nhằm góp phần làm sạch đáy biển, từ đó giúp cho nguồn lợi hải sản phát triển bền vững, tiếp tục phục vụ lại cho nghề cá. Theo quy trình của dự án, rác do tàu về mang về cảng sẽ được phân loại thành rác tái chế được và rác không tái chế được. Rác không tái chế được sẽ được thu gom, chôn lấp, còn rác thái chế được sẽ tìm các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua lại, đưa vào các cơ sở tái chế.

Xem thêm
Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.