| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Mở rộng chuỗi cung ứng nông sản sạch

Thứ Sáu 04/05/2018 , 08:10 (GMT+7)

Năm 2016, tỉnh Tuyên Quang mới xây dựng được 2 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn thì đến nay đã là 11 chuỗi. Việc xây dựng thành công các chuỗi đã góp phần nâng tầm giá trị của nông sản xứ Tuyên trên thị trường.

Khu chăn nuôi theo chuỗi giá trị tại HTX Nông nghiệp xanh xã Trung Môn, huyện Yên Sơn

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Tuyên Quang, với mục tiêu “sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn”, các chuỗi giá trị được xây dựng trên nguyên tắc từ cây, con giống, quy trình chăn nuôi, trồng trọt, điều kiện cơ sở sản xuất, con người đều phải đảm bảo để khi ra đến sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu, tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Tuyên Quang cho biết, cùng với 11 chuỗi giá trị, tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình sản xuất được chứng nhận theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 255,5ha. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán. Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chưa hình thành được mối liên kết bền vững từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng thành công các chuỗi liên kết sẽ mở ra hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp của địa phương.

Huyện Hàm Yên là địa phương dẫn đầu của tỉnh xây dựng thành công các chuỗi giá trị. Hiện đã có 1 chuỗi chè và 3 chuỗi cam. Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, tham gia chuỗi giá trị, những hộ trồng cam, chè không lo vấn đề bao tiêu cũng như giá trị của sản phẩm. Song song việc xây dựng các chuỗi giá trị, huyện sẽ thực hiện tốt công tác quản lý vùng cam, vùng chè tại các địa phương, không để vượt quá so với quy hoạch; định hướng người nông dân sản xuất theo hướng an toàn… Riêng vụ cam 2017 - 2018, những hộ nông dân trồng cam trong chuỗi giá trị và cam theo tiêu chuẩn VietGAP giá luôn cao hơn so với thị trường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

HTX Nông nghiệp xanh xã Trung Môn, huyện Yên Sơn thành lập từ tháng 5/2017. Sau 1 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX bước đầu có chỗ đứng và uy tín trên thị trường bởi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. 

Chị Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang nuôi 300 con lợn và có 7ha vùng sản xuất rau an toàn; liên kết với Cty TNHH Thành Trung chuyên cung cấp thịt lợn an toàn. Tham gia chuỗi giá trị, từ việc lựa chọn cây, con giống đến quá trình chăm sóc và xuất ra thị trường được HTX tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Hiện trung bình mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường từ 3 - 4 tấn thịt lợn, 1 tấn rau, củ, quả. Do các sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên giá cao hơn so với thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg, được khách hàng tin tưởng, chấp nhận. Trong năm đầu tiên hoạt động, trừ chi phí, HTX thu lãi gần 300 triệu đồng", chị Nga chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, toàn tỉnh có hơn 7.700ha cam, 120ha quýt, hơn 1.360ha bưởi, 10.374ha mía, hơn 8.000ha chè… Về chăn nuôi, có hơn 113.700 con trâu, hơn 31.200 con bò và trên 5,5 triệu con gia cầm. So với diện tích cây trồng và tổng số đàn vật nuôi thì số lượng chuỗi giá trị được hình thành trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn. Tuy nhiên bước đầu khẳng định việc chú trọng đến công tác quản lý chất lượng nông sản của tỉnh. Năm 2018, tỉnh phấn đấu sẽ xây dựng thành công thêm 4 chuỗi giá trị.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.