"Vừa qua Đại hội lần thứ XVII của tỉnh đã xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ này là: Sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản, theo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị sản xuất tăng cao gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Hiện Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành đề án 'Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chất lượng, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới", ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Theo ông Việt, đề án này đã xác định các mục tiêu cụ thể về phát triển nông nghiệp hàng hoá của tỉnh trong vòng 5 năm tới. Đề án cũng chỉ rõ các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của tỉnh. Điểm đặc biệt của đề án, là các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá chủ lực phải được sản xuất theo hình thức tổ chức (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có ứng dụng khoa học công nghệ. Đi kèm là các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
"Mục tiêu của đề án, là đến năm 2025, giá trị nông sản hàng hoá theo tiêu chuẩn công nghiệp tốt chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản phẩm và có trên 500 ha cây trồng chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ", ông Việt nói. Cũng theo ông Việt, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp tốt của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, dù Tuyên Quang có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, không khí, nguồn nước chứa ít bị ô nhiễm.
Tại Tuyên Quang, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tốt là 1.693 ha, gấp 3,7 lần diện tích năm 2015. Trong đó: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 906,2 ha; chuyển đổi hữu cơ là 57 ha và sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN) là 730 ha chè. Toàn tỉnh có 830 trang trại, tăng 472 trang trại so với năm 2015; và 267 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 98 hợp tác xã so với năm 2015. Trong số này, 10 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 3 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn GlobalCAR.
"Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt được thị trường tin tưởng đón nhận, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, chuyển đổi hữu cơ, VietGAP có giá bán cao hơn sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường từ 1,5 đến 2 lần. Cá biệt như cam sản xuất theo quy trình hữu cơ có giá trị cao hơn từ 3-4 lần", ông Việt nói tiếp.
Trong thời gian qua, một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh được nhiều tổ chức và người tiêu dùng đánh giá cao. Chẳng hạn: Cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất theo bình chọn của VTV. Chè Shan tuyết hữu cơ Hồng thái, chè đặc sản Vĩnh tân, cá lăng được vinh danh trong “Thương hiệu vàng nông nghiệp việt nam”. Chè Bát tiên, mật ong Tuyên quang là một trong số "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”...
Trong năm 2020, Tuyên Quang tổ chức đánh giá xếp hạng 79 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. 17 trong số này đạt chứng nhận OCOP 4 sao. "Các sản phẩm nông nghiệp Tuyên quang bước đầu đã khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng", ông Việt bày tỏ.
Bên cạnh những mặt tích cực, nông nghiệp Tuyên Quang còn một số khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; Liên kết trong sản xuất còn hạn chế; Số sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý, có giá trị gia tăng cao còn ít, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường. Việc đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp.
Để khắc phục, Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Sở đã lên kế hoạch xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phục tráng một số loại giống tốt của địa phương. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, quy mô sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT Tuyên Quang tin thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác sẽ tăng trong vài năm tới.
Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu thâm canh phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển một số cây trồng có lợi thế. Tỉnh sẽ cơ cấu lại diện tích cây mía gắn với tái cơ cấu ngành mía đường Tuyên Quang, đồng thời khuyến khích liên kết tích tụ đất đai, tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.