| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Trồng rau rừng không đủ bán

Thứ Ba 03/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Cây bò khai, giảo cổ lam… là những loài rau rừng nay được nhiều hộ dân ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thuần hóa, nhân rộng tại vườn nhà để phát triển kinh tế.

Từ mô hình trồng rau bò khai, đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ảnh: NV.

Từ mô hình trồng rau bò khai, đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ảnh: NV.

Năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai các mô hình 2 mô hình trồng rau bò khai tại các xã Xuân Lập, Lăng Can, Khuôn Hà, Bình An, Thượng Lâm với tổng diện tích 13 ha. Bò khai vốn là giống rau mọc tự nhiên trong rừng, được người dân ở huyện Lâm Bình thường xuyên nấu với thịt bò, xào trứng… ăn có vị thơm ngon, đặc trưng.

Rau bò khai không chỉ là một món ăn, có hương vị đặc trưng mà còn dùng để làm thuốc. Theo y học, lá cây bò khai thường được dùng chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu... Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và mọc chồi quanh năm, chu kỳ thu hoạch nhanh và thời gian thu hoạch liên tục hơn 8 tháng trong năm.

Bởi vị thơm ngon đặc trưng cùng tác dụng như một vị thuốc nên khi khách du lịch ghé thăm Lâm Bình khá thích các món rau này và thường xuyên mua về ăn và làm quà đã kích thích nhu cầu thuần hóa giống rau rừng này của người dân địa phương.

Sau 4 năm triển khai, đến nay diện tích trồng rau bò khai trên toàn huyện Lâm Bình đã lên tới gần 20 ha. Rau trồng theo phương thức hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất nên có đầu ra ổn định. Nhiều hộ từ trồng rau bò khai đã có thu nhập tiền triệu ổn định mỗi tháng. Tiêu biểu như gia đình ông Quan Văn Miền, xã Thượng Lâm, diện tích khoảng 1 ha, trong đó có 2.000m2 đã cho thu hoạch. Bình quân, gia đình ông thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng ngô của gia đình sang trồng rau bò khai. Đến nay gia đình ông đã nhân rộng được gần 2.000 m2, trung bình mỗi vụ cho gia đình ông lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

Ông Chỉ cho biết, gia đình ông đã liên kết với các nhóm hộ cùng trồng rau bò khai của huyện để cung cấp cho các cơ sở homestay, nhà hàng kinh doanh dịch vụ nên đầu ra khá ổn định, có thời điểm hết sạch rau để bán.

Cùng với rau bò khai thì giảo cổ lam cũng là loài rau được huyện Lâm Bình triển khai nhân rộng. Đến nay, toàn huyện đã trồng gần 5 ha rau giảo cổ lam tại các xã Hồng Quang 1,5 ha với 11 hộ tham gia thực hiện; xã Thượng Lâm 0,5 ha với 4 hộ tham gia; xã Khuôn Hà 0,2 ha với 7 hộ tham gia; xã Lăng Can 1,06 ha với 41 hộ tham gia…

Qua một thời gian triển khai, Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình đánh giá tại các hộ thực hiện mô hình cho thấy cây giảo cổ lam sinh trưởng và phát triển tốt, một số diện tích đã cho sản phẩm thu hoạch như tại xã Hồng Quang, Thượng Lâm, Thổ Bình. Cây giảo cổ lam có thể nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình cho biết, trước nhu cầu của thị trường và sự phát triển của dịch vụ homestay tại địa phương, huyện tập trung các giải pháp hỗ trợ về cây giống, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích các loại rau đặc sản. Toàn huyện hiện có gần 20 ha rau bò khai, 5 ha rau giảo cổ lam và gần 2 ha rau ngót rừng. Cuối năm 2019, huyện phát triển thêm 2 mô hình rau đặc sản nữa là rau Phắăc Hùng và rau Phắăc Bó, mỗi mô hình có quy mô 2.000 m2. Các mô hình góp phần đa dạng các sản phẩm rau đặc sản, thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.