| Hotline: 0983.970.780

Rau bò khai trên đất cằn cho thu nhập khá ở Thái Nguyên

Thứ Ba 28/07/2020 , 08:26 (GMT+7)

Loài rau bò khai đã trở thành thực phẩm đặc sản của các địa phương ở miền núi phía Bắc và đang được mở rộng diện tích theo hướng hàng hóa.

Sau khi đầu tư trồng, công chăm sóc không nhiều nhưng người trồng rau rừng bò khai có thu nhập ổn định quanh năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sau khi đầu tư trồng, công chăm sóc không nhiều nhưng người trồng rau rừng bò khai có thu nhập ổn định quanh năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Rau bò khai, vị thuốc

Nhưng ít người biết được, bò khai là loài rau rừng không chỉ là một món ăn ngon, có hương vị đặc trưng mà còn là một vị thuốc rất tốt, dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, lợi tiểu, tiêu viêm, hạ sốt… Hữu xạ tự nhiên hương, rau bò khai đã trở thành đặc sản, được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hàng ngày. Rừng ngày một nghèo, các loài rau rừng cũng khan dần.

Nắm bắt được điều đó, giữa năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai mô hình trồng rau rừng có tên bò khai khai bằng phương pháp sinh học cho gần 30 hộ dân ở 2 xóm 12 và 13 thuộc xã Cù Vân.

Tham gia mô hình này, người dân được hỗ trợ gần 3 triệu đồng/sào, bao gồm: Giống, giàn che, hệ thống tưới bằng van xoay…, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Có 29 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích 4,5 ha.

Bà Đinh thị Luyện (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ) cho biết, thực hiện mô hình, cái khó nhất là khâu giống. Thực tế, đồng bào nhiều nơi đã ươm giống cây rau bò khai và bán. Tuy nhiên, giá đầu tư lại rất cao. Một số hộ dân tham gia đã đề nghị với cơ quan hỗ trợ thực hiện mô hình chủ động nguồn giống bằng cách lên núi, tìm và lấy giống về. Dân tìm lên rừng Tam Đảo, rừng ATK từ Định Hóa (Thái Nguyên) đến Sơn Dương (Tuyên Quang) rồi qua Ba Bể, Chợ Đồn (Bắc Kạn)... cứ thấy người quen nói ở rừng nào, chỗ nào có giống rau này là tìm đến lấy. Rất nhanh, người dân tập hợp đủ số lượng giống theo yêu cầu để tổ chức ra giống.

Đầu ra ổn định

Sản phẩm rau bò khai làm ra đến đâu được bán hết luôn đến đó. Giống rau bò khai trồng bằng hom được đồng bào ươm bán thì phải mất gần một năm mới cho thu hái. Năng suất những lứa đầu cũng không cao. Rau mô hình vì lấy tại rừng, được bảo quản, chăm sóc tốt nên sau 6 tháng đã được hái lứa đầu. Sau một năm thì rau đã bò kín đất. Anh Nguyễn Ngọc Linh (xóm 12, xã Cù Vân, huyện Đại Từ) cho biết, gia đình anh tham gia mô hình với diện tích 1 mẫu rau bò khai.

Công việc thu hoạch rau bò khai được bên mua thuê nhân công thực hiện. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Công việc thu hoạch rau bò khai được bên mua thuê nhân công thực hiện. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đến nay, rau cho thu hoạch cứ 5 đến 6 ngày được hái một lứa. Sản lượng đạt khoảng 1 - 1,2 tạ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, cộng với giữa lúc nóng nực như mùa hè này nên sản lượng bán ít hơn, giá cũng thấp hơn nhưng người trồng rau vẫn có thu nhập khá.

Anh Linh hạch toán, không tính giá trị đầu tư ban đầu, để chăm sóc 1 mẫu rau bò khai, mỗi năm anh chỉ cần đầu tư hơn 4 triệu đồng mua 400 bao phân hữu cơ ủ hoai. Phân hữu cơ được rạch một phần vỏ bao, không bón trực tiếp mà để gần với gốc cây rau. Cứ thế, mưa xuống, dinh dưỡng tự tràn ra nuôi cây, rễ cây tự tìm đến nguồn phân bón. Với giá bán hiện tại vào khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, anh có thu nhập xấp xỉ 1 triệu đồng. Nhân với 6 lứa/tháng thì thu nhập cũng tàm tạm.

Tuy nhiên, theo anh Linh, giá bán của cả năm 2019 lúc nào cũng trên 10.000 đồng/kg. Nhiều lúc, giá đạt tới 20.000 đồng/kg. Có những thời điểm giá cao, nhất là vào vụ đông hay những dịp gần Tết, giá rau bò khai có thể lên tới 50-60 nghìn đồng/kg.

Bà Trương Thị Hảo (xóm 12 xã Cù Vân) cho biết, những mức giá nói trên là giá bán tại vườn. Thương lái phải thuê người hái chứ người làm rau không phải mất công thu hái. Nhà bà Hảo có 5 sào rau bò khai được trồng toàn bộ trên những diện tích đất mà trước đây có làm mà chẳng có ăn. Bà Hảo cụ thể, có 3 sào là nửa ao, nửa ruộng không thể canh tác được gì nên phải đổ đất trồng rau, 2 sào còn lại thì rặt sỏi đá bạc phếch, hoang hóa quanh năm tứ mùa.

Vậy mà nay, mỗi tháng bà đút túi vài triệu tiền bán rau. Cái hay hơn nữa mà bà Hảo khoe là trồng rau rừng chỉ mất đầu tư ban đầu để rồi thu lợi nhiều năm. Công lao động cả năm của người dân chỉ là đặt cho mỗi gốc bò khai một bao phân chuồng. Thu hoạch đã có thương lái lo. Nếu nhân công nhàn rỗi, người dân tự thu hoạch thì thương lái lại phải trả thêm tiền thu hoạch. Gốc rau càng to, cây càng bò xa thì sản lượng càng cao.

Bà Lê Thị Hiển (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ) cho biết, mô hình trồng rau bò khai khá mới nên cả đơn vị hỗ trợ cũng như người dân đều có phần lo lắng khi triển khai. Đến nay, mô hình độc đáo này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn là mô hình giúp tận dụng, sử dụng và cải tạo được quỹ đất hoang hóa không thể canh tác trước đây, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.