| Hotline: 0983.970.780

'Rừng rau' ông Ba Dĩ

Thứ Năm 04/06/2020 , 09:59 (GMT+7)

Những loài rau dại mọc hoang dã ngoài bìa rừng, ven sông từ bao đời, nay được ông “quy về một mối” trong vườn nhà, biến chúng thành vườn rau rừng “độc nhất vô nhị”.

Rau bằng lăng. Ảnh: Phúc Lập.

Rau bằng lăng. Ảnh: Phúc Lập.

Đó là vườn rau rừng 7.000m2 của ông Lê Văn Dĩ, 63 tuổi, ở ấp Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Một đời bới bụi tìm… rau

Nếu ai đã đến Trảng Bàng, Tây Ninh, thưởng thức những món ăn đặc sản vùng này, chắc chắn sẽ rất ấn tượng với đĩa rau rừng to tướng, gồm cả chục loại. Đó chính là những phụ gia làm nên thương hiệu bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng nổi danh. Không chỉ với khách “nội”, mà Việt kiều hay người nước ngoài chính hiệu cũng biết tiếng.

Vậy những loài rau này ở đâu? Trồng hay mọc hoang dại? Tôi mang những thắc mắc này hỏi ông Hồ Văn Khang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, ông cho biết: “Ngày xưa người ta đi hái ven 2 bờ sông Vàm Cỏ, trong rừng hay những khu đất bỏ hoang về bán lại cho các quán ăn. Còn bây giờ, các loại rau rừng này đã được một tổ hợp tác trồng tập trung, đạt chuẩn VietGAP hẳn hoi rồi”.

Và rồi ông Khang giới thiệu cho tôi địa chỉ vườn rau rừng độc đáo của gia đình ông Lê Văn Dĩ, người đầu tiên đi khắp nơi bứng gốc rau rừng về trồng trong vườn nhà từ gần chục năm trước.

Căn nhà xây bề thế của ông Dĩ nằm ẩn trong khu vườn rộng, rợp bóng nhiều loại cây ăn trái. Khu vườn rau rừng nằm phía sau nhà.

“Gọi là rau rừng chứ thực ra chỉ có vài loại là cây rau đúng nghĩa, còn phần lớn chúng là loài thân gỗ. Mình trồng rồi hái lá ăn”, ông Dĩ nói.

Cầm trên tay tờ chứng nhận mô hình rau rừng VietGAP, trên đó ghi 13 loại, phần lớn những cái tên tôi chưa từng nghe như rau nhái, rau chiếc, rau cách (hoặt cắt), trâm ổi, trâm sắn, bí bái, chùm mòi, mặt trăng, săng máu, quế vị…

“Mỗi loại rau có những đặc trưng riêng như rau mặt trăng có vị chát; mùi thơm như lá mận; chùm mồi vừa chua vừa chan chát; cóc, xương máu lại chua đặc trưng... ăn bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, ít nhất phải có từ 7 - 10 loại lá khác nhau, cuốn thành 1 cuốn, thiếu một loại rau là giảm 1 phần hương vị riêng của cuốn bánh. Chính các loại lá này làm nên thương hiệu bánh tráng Trảng Bàng”, ông Dĩ nói.

Rau bí bái. Ảnh: Phúc Lập.

Rau bí bái. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Dĩ kể, ông sinh ra và lớn lên bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, ven những cánh rừng sum xuê, nên “nhẵn mặt” các loại lá, rau rừng có thể ăn được.

Bên cạnh đó, gia đình ông trước cũng chuyên trồng rau thơm các loại. Lúc rảnh rỗi ông lại cùng một người bạn tên Trần Văn Thành, ở cùng xóm, rủ nhau đi hái rau rừng về bán cho các quán bánh canh.

Nhưng thời gian qua đi, rau rừng ngày càng hiếm, phần vì đất hoang thu hẹp dần, phần vì nhiều người đi hái. Chưa kể, đi hái rau rừng cũng vất vả chứ không phải nhàn hạ. Cũng phải dầm mưa, đội nắng, lội bùn sình.

Rau mặt trăng. Ảnh: Phúc Lập.

Rau mặt trăng. Ảnh: Phúc Lập.

Một ngày cách đây gần chục năm, trong lúc đi hái rau, ông chợt nghĩ: “Mấy loại rau này mọc dại, chẳng cần chăm sóc gì cũng hái lá hoài, chắc dễ sống. Sao mình không mang về vườn nhà trồng, vừa đỡ mất thời gian đi hái, vừa giữ được cây rau?”.

Nghĩ thế nên ông bứng về nhà trồng, bón thêm ít phân bò dưới gốc, tưới nước đầy đủ, không ngờ cây lên xanh tốt hơn mọc dại. Sau khi cắt vài ngày, cây lại đâm chồi mới, xanh non mơn mởn.

Từ đó, mỗi khi rảnh là ông lại đi khắp nơi, vào rừng hoang, lội sình bờ sông, vạch từng bụi cây dại rậm rạp để tìm cây rau rừng, bứng về nhà. Sau 6 năm miệt mài tìm kiếm, ngoài 13 loại rau rừng ghi trong giấy chứng nhận, ông còn hàng chục loại rau rừng khác trong vườn.

Nâng tầm rau dại

Nghe ông Dĩ kể về những chuyến đi kiếm rau rừng, tôi hình dung được, để có vườn rau đẹp như này, thực sự không đơn giản. Cách đây 15 - 20 năm, rau dại mọc như cỏ khắp nơi, nhưng càng ngày chúng càng ít đi, vì phải nhường đất cho công trình, nhà cửa.

“Nhiều loại rau trong vườn này không phải rau bản xứ địa phương, mà “hộ khẩu” ở nhiều nơi. Có cả rau “ngoại” nữa đó”, ông Ba Dĩ cười.

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông mới tiếp: “Hồi đó tôi với ông Thành sau khi cưỡi xe đi hết tỉnh Tây Ninh này kiếm gốc rau rừng, còn đi Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, xuống miền Tây, sang tận Campuchia nữa. Như rau chùm mòi, rau bứa, mặt trăng, có nguồn gốc Campuchia đó”.

Rau sơn máu. Ảnh: Phúc Lập.

Rau sơn máu. Ảnh: Phúc Lập.

Nhớ lại những lần sang Campuchia tìm cây rau giống, ông Ba Dĩ tủm tỉm cười, kể: “Bên nước bạn đất bỏ hoang cho cây dại mọc nhiều, trong đó rất nhiều loại rau, lá ăn được. Tôi có người quen bên đó, nên bàn với Năm Thành, chuẩn bị ít đồ, quà cáp bánh kẹo, trà, cà phê, rồi phi sang đó.

Nói sang nước bạn chứ cũng gần. Sang đó tôi chỉ nói với người địa phương là đi thăm bạn chứ nói thật dễ gì họ cho ở. Sau vài ngày, tụi tôi cũng tìm được cả chục loại cây rau dại. Nhưng không dám xin một lần, mà mỗi lần chỉ mang về 2 - 3 loại”.

Sau mấy năm tìm kiếm, sưu tầm khắp nơi, ông Ba Dĩ và Năm Thành đã có bộ sưu tập hàng chục loại rau, trở thành nguồn cung chính cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản ở Tây Ninh, TP.HCM, Bình Dương… Lúc này, một số hộ cũng đã bắt đầu học hỏi ông Dĩ, trồng rau rừng.

Thấy mô hình hay, Hội Nông dân huyện đề nghị ông Ba Dĩ thành lập tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát. do ông Dĩ làm tổ trưởng. Hiện nay, giá rau thành phẩm chỉ 15 ngàn đồng ký, chung cho tất cả các loại. Ngoài ra, ông Dĩ và Năm Thành là 2 người cung cấp cây rau rừng giống, các loại cũng có cùng giá 150 ngàn đồng 1 cây.

“Sắp tới đây, tôi sẽ lên Bình Phước lấy cây giống lá nhíp về trồng. Tôi từng nghe kể, lá nhíp là một trong những loại rau rừng nhiều dinh dưỡng, từng nuôi sống bộ đội cả tháng trời trong những năm kháng chiến bị địch vây hãm trong rừng, không thể tiếp tế”, ông Dĩ nói.

“Đa số các loài rau rừng không bị sâu, nên chẳng cần thuốc trừ sâu. Cũng có 1 - 2 loại lâu lâu khi mưa xuống cũng bị sâu rầy. Khi đó, đám nào nhiễm sâu là tôi khoanh vùng, cắt bỏ luôn chứ không phun thuốc.

Một ưu điểm nữa là rau rừng dễ sống, dễ chăm, chúng có thể sống trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường khắc nghiệt. Còn nếu mỗi gốc để một bao phân chuồng ủ hoai, đủ nước thì nó lên nhanh lắm”, ông Dĩ nói và khẳng định, nếu phun thuốc hoá học, lá sẽ rụng và dần dần cây sẽ chết.

Rau trâm ổi. Ảnh: Phúc Lập.

Rau trâm ổi. Ảnh: Phúc Lập.

Theo chân ông Dĩ ra khu vườn rau phía sau nhà, tôi không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên với khu vườn được đầu tư khá bài bản. Sau cơn mưa, thảm lá rừng non ướt sũng, non mơn mởn.

Tận mắt thấy vườn rau, tôi mới biết, nói rau nhưng không phải rau lá mềm ngắn ngày như rau cải, mồng tơi, mà là cây thân gỗ, cao khoảng 1m. Các loại rau được trồng thành khu, trên luống đất cao.

Ông Dĩ vừa đi vừa say sưa giới thiệu về từng loại lá, về hương vị, đặc tính… Còn tôi, vừa nghe ông nói, vừa cảm nhận khu vườn có mùi gốc rạ, mùi lục bình ủ mục, mùi bùn. Ẩn dưới 2 hàng gốc cây rau là mương nước sâu, nhiều loại cá đang bơi lao xao. Còn phía trên các ngọn cây, nhiều loại côn trùng như ong, bướm, cũng bay lao xao khi thấy động.

Rau chùm mòi, một trong những loại rau được ông mang từ Campuchia về. Ảnh: Phúc Lập.

Rau chùm mòi, một trong những loại rau được ông mang từ Campuchia về. Ảnh: Phúc Lập.

Giải thích về hệ thống mương nước, ông Dĩ nói: “Gọi là rau rừng, nhưng thực chất đều là cây thân gỗ, chứ không phải như rau cải, mồng tơi. Nên phải làm hệ thống mương nước như thế này mới đủ nước cung cấp”.

Đặc biệt, do có hệ thống mương nước và những lùm cây, bụi cỏ, nên khu vườn từ lâu đã trở thành "thế giới" của ếch.

“Buổi tối, sau cơn mưa mà ra vườn thì nghe ếch kêu điếc tai, chúng nhảy loạn xạ. Nhiều con lớn lắm. Tôi không bắt được nên chúng cứ thoải mái sinh sôi từ bao nhiêu năm nay”, ông khoe.

Mương nước vừa có chức năng cung cấp nước cho cây, vừa nuôi nhiều loại cá, và là thế giới của ếch. Ảnh: Phúc Lập.

Mương nước vừa có chức năng cung cấp nước cho cây, vừa nuôi nhiều loại cá, và là thế giới của ếch. Ảnh: Phúc Lập.

“Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát hiện có 7 hộ, do ông Ba Dĩ làm tổ trưởng, toàn bộ quy trình sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Sản lượng hiện nay mới đạt khoảng 2 tấn/năm.

Đây là một mô hình rất hay, đó là ngoài việc phát triển kinh tế nông hộ, còn mang ý nghĩa gìn giữ các loại rau truyền thống đang có nguy cơ biến mất. Nhờ các loại rau này mà các món ăn đặc sản địa phương vẫn giữ được hương vị truyền thống”, ông Hồ Văn Khang, Phó Chủ tịch HND huyện Trảng Bàng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.