| Hotline: 0983.970.780

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Thứ Ba 19/03/2024 , 14:53 (GMT+7)

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc xuất hiện tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc xuất hiện tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng khiến hàng trăm con gia súc mắc bệnh.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, toàn tỉnh có 3 địa phương phát hiện dịch là Duy Xuyên, Đại Lộc và Đông Giang. Trong đó, huyện Duy Xuyên cơ bản được khống chế, gần qua 21 ngày không có ca bệnh mới.

Là huyện có số lượng trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng nhiều nhất ở Quảng Nam, ông Nguyễn Tài, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Đông Giang cho biết, từ ngày 2/2 đến nay, toàn huyện đã xảy ra 5 ổ dịch ở các xã Jơ Ngây, Sông Kôn, Kà Dăng, Za Hung và A Ting với tổng số gia súc mắc bệnh là 184 con (176 con bò và 8 con trâu).

Theo ông Tài, đỉnh điểm của dịch vào khoảng từ ngày 20/2 - 25/2 vừa qua, do sau Tết Nguyên đán người dân không chú ý, chậm báo với ngành chức năng để xử lý khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Sau đó, các hộ chăn nuôi báo cáo kê khai có khoảng 19 con gia súc bị chết. Tuy nhiên số trâu, bò này đã bị chôn lấp hoặc làm thịt trước đó nên không thể lấy được mẫu bệnh để xác định có phải bị chết vì dịch lở mồm long móng hay không.  

“Sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với UBND các xã hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng chống. Cử cán bộ theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và các điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định type virus gây bệnh nhằm lựa chọn vacxin phù hợp. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, cắm biển báo, cử lực lượng kiểm soát, chốt chặn các khu vực có dịch”, ông Tài nói.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: L.K.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: L.K.

Mặc dù vậy, ông Tài cũng cho rằng, khả năng dịch bệnh sẽ lây lan trên địa bàn là rất cao do công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tại huyện Đông Giang trong năm 2023 vừa qua, tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng rất thấp, chỉ đạt khoảng 20% tổng đàn. Người dân chưa có ý thức phòng, chống dịch, nhiều hộ còn kê khai số lượng trâu, bò của gia đình thấp hơn thực tế.

Cùng với đó, tại huyện này chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thường có tập quán thả rông trâu bò trên nương rẫy. Nhiều điểm chăn thả chỉ số lượng ít con nhưng đường sá đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian khiến cán bộ thú ý khó khăn trong việc tiêm phòng cũng như khả năng bảo quản vacxin để đảm bảo tính hiệu lực.

“Chúng tôi đang cố gắng trong tháng 4 đến tháng 5 sẽ thực hiện tiêm phòng vacxin bao vây nhằm hạn chế tối thiểu dịch bệnh”, ông Tài nói thêm.

Ngoài Duy Xuyên, Đông Giang, huyện Đại Lộc cũng có 13 con gia súc mắc bệnh lở mồm long móng đang trong quá trình điều trị. Đối với huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi có dịch, địa phương tiến hành công tác xử lý tương đối nhanh. Đồng thời, ngành chức năng của huyện cũng đã sử dụng nguồn vacxin dư thừa từ năm 2023 để tiêm phòng bao vây cho đàn gia súc.

Ngành thú y tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng sau khi phát hiện dịch trên địa bàn. Ảnh: L.K.

Ngành thú y tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng sau khi phát hiện dịch trên địa bàn. Ảnh: L.K.

Ông Hoàng cho rằng, nguyên nhân dịch lở mồm long móng bùng phát do ý thức phòng chống dịch của người dân vẫn chưa cao. Dù vacxin lở mồm long móng được hỗ trợ miễn phí nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không muốn tiêm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia súc. Trong đợt 2 năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng vacxin của toàn tỉnh chỉ đạt trên 52%.

“Công tác tuyên truyền, tổ chức tiêm phòng ở các địa phương chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tỷ lệ phủ vacxin trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh rất thấp. Do đó, dịch bệnh xảy ra chủ yếu trên những con gia súc chưa được tiêm phòng.

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cử các cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, hướng dẫn xử lý các ổ dịch, xuất cấp hóa chất cho các địa phương tiêu độc khử trùng ở những khu vực có nguy cơ cao, yêu cầu các xã, huyện tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch lở mồm long móng”, ông Hoàng thông tin.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các địa phương đang xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho gia súc khỏe mạnh tại các thôn có dịch. Đồng thời, tiêm phòng bao vây ổ dịch từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp với xã có dịch.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.