| Hotline: 0983.970.780

Tỵ nạn khí hậu

Thứ Ba 27/08/2019 , 14:30 (GMT+7)

Diễn biến bất thường của khí hậu trái đất được dự báo sẽ khiến 143 triệu người mất đi môi trường sống tự nhiên vào năm 2050, còn hiện tại thì tình trạng nước biển dâng đã trở thành mối đe dọa sát sườn với nhiều quốc đảo.

Giúp người dân những nơi này vượt qua thách thức là câu chuyện vô cùng phức tạp.

Không lạ lẫm khi mỗi quốc gia có cách thức đối phó với tình trạng biến đổi khác nhau, nhưng điểm chung là độ đậm nhạt của chúng phụ thuộc vào điều kiện xã hội và chính trị ở từng nơi.

Bên cạnh đó, cũng là một sự thật được công nhận rộng rãi, rằng các nước công nghiệp phát triển cần chịu trách nhiệm chính với biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu bởi đó là những nơi thải phát các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Ấy vậy mà, hậu quả lại rơi chủ yếu vào các quốc gia hay vùng lãnh thổ kém phát triển, và từ đây câu chuyện giữa lợi ích - hậu quả trở thành mối liên quan rất khó tìm lời giải.
 

Câu chuyện Kiribati

Nước Cộng hòa non trẻ Kiribati thành lập ngày 12/7/1979 sau khi Anh chấm dứt chế độ thuộc địa ở đây. Kiribati thành lập trên cơ sở hợp thành từ 33 đảo lớn nhỏ khác nhau mà Kiritimati là một trong số đó, nơi hiện vẫn đang sở hữu quần thể san hô lớn nhất thế giới.

Nước dâng gây ngập ở khu dân cư trên đảo Kiritimati.

Có độ cao ở điểm cao nhất không quá 2m so với mặt nước biển, Kiritimati là đảo có người sống cung cấp được những bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu.

Dù vị trí địa lý xác định Kiritimati nằm ở trung tâm trái đất, nhưng hiếm ai có thể chỉ chính xác nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, chưa nói đến bản sắc văn hóa lẫn truyền thống đậm đà của vùng đất này. Thế mà những giá trị văn hóa phi vật thể đó đang có nguy cơ biến mất. Số liệu chính thức cho biết, cứ 7 người Kiritimati thì có một người đang ở đâu đó ngoài quê cha đất tổ vì tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu.

Năm 2016, Liên hợp quốc thừa nhận, một nửa dân số vùng này chịu ảnh hưởng từ việc nước biển dâng. Con người là một chuyện, vấn đề khiến cộng đồng thế giới chú tâm chính là kho rác thải hạt nhân đang trữ trên các hòn đảo của Kiribati từ thời nó còn là thuộc địa của Anh.

Kiritimati đang bất lực đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu, nếu chỉ có một mình. Rất ít các chương trình xã hội được chính quyền sở tại triển khai giúp người dân địa phương do hạn chế về nguồn lực. Thực trạng đó đã nảy sinh một khái niệm xã hội mới - tỵ nạn khí hậu, chỉ những người phải rời xứ ra đi do biến đổi khí hậu đe dọa môi trường sống của họ.

Chính quyền Kiribati đang triển khai chương trình “Di cư có nhân phẩm”, hỗ trợ cho những người có nhu cầu kỹ năng làm việc giúp họ dễ tìm kiếm việc làm hơn khi phải ra nước ngoài. Năm 2014, Kiribati còn bỏ ngân sách ra mua 6.000 mẫu đất ở đảo quốc Fiji để làm nơi trồng cây lương thực dự trữ nguồn thực phẩm trong trường hợp xấu nhất.

Tỵ nạn khí hậu đã đẩy 24,1 triệu người khắp nơi trên thế giới phải bỏ nơi chôn rau cắt rốn mỗi năm, theo số liệu của Ngân hàng thế giới cập nhật từ năm 2008. Cũng theo tổ chức tài chính này, đến năm 2050, 143 triệu người sẽ rơi vào cảnh tương tự, chủ yếu ở các vùng Nam Á, hạ Sahara thuộc châu Phi và Mỹ Latinh.

Để trợ giúp, New Zealand cũng mở chương trình “bốc thăm đến lượt” cung cấp hạn ngạch 75 suất hàng năm cho công dân Kiribati đến định cư. Chương trình này đến nay chưa có hiệu quả vì hạn ngạch luôn thừa bởi người dân   Kiribati không mặn mà. Họ sợ ra đi sẽ đánh mất bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống và sợi dây kết cấu gia đình. Ngân hàng thế giới, Liên hợp quốc khuyến nghị New Zealand nên chuyển sang chế độ hạn ngạch lao động ngắn hạn, nhưng thực tế nảy sinh là điều đó không giải quyết được tiêu chí kinh tế và rốt cục người dân Kiribati cũng chẳng thích thú.
 

Thách thức

Khuyến khích người dân ở những nơi bị biến đổi khí hậu tác động tiêu cực di cư đến khu vực khác được chứng minh là bài toán kinh tế có chi phí thấp nhất. Nhưng nhiều người lại cho rằng đó chỉ là giải pháp nhất thời. Kéo người dân đi thì môi trường sống vẫn còn đó, dù nước biển có dâng vì hiện tượng này không phải ngày một ngày hai. Với Kiribati, chim bokikokiko là loài đặc hữu không có ở đâu trên thế giới, cũng như loài thực vật lau Kiritimati.

Giới bảo vệ động thực vật quý hiếm lập luận rằng, sao Dubai có thể bỏ tiền làm hẳn một đảo nhân tạo, thì tại sao phải phí hoài hẳn một hòn đảo tự nhiên với nhiều động thực vật đặc hữu như thế. 

Đến đây, câu chuyện trở lại với câu hỏi muôn thuở - nguồn lực tài chính. Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trái đất  của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 23/9 tới đây có thể sẽ tìm ra giải pháp.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.