Nông dân Úc sắp bị buộc phải trả mức lương tối thiểu cho người hái trái cây sau khi Ủy ban Việc làm Công bằng (Fair Work Commission - FWC) ra phán quyết ủng hộ việc đưa ra một mức sàn tiền lương.
Động thái này xóa bỏ một cách hiệu quả mức lương khoán theo sản phẩm, tức là quy định tỉ lệ chi trả cho công nhân trên mỗi món hàng sản xuất, thay vì tỷ lệ thanh toán theo giờ.
Không có gì đảm bảo công nhân được trả mức lương tối thiểu trong hệ thống tính lương khoán theo sản phẩm. Và chính hệ thống tính lương khoán này cũng tạo ra sự bóc lột khi một số công nhân nói rằng họ chỉ được trả 3 AUD/giờ.
Nông dân Úc đã lên tiếng phản đối bất kỳ thay đổi nào đối với tỷ lệ tiền lương - với một số cho rằng tỷ lệ trả lương tối thiểu sẽ là gánh nặng và dẫn đến việc tăng giá cho khách hàng.
Liên minh Công nhân Úc (Australian Workers Union - AWU) đã đệ đơn lên Ủy ban Việc làm Công bằng vào tháng 12 năm ngoái, lập luận rằng mọi công nhân phải được đảm bảo mức lương tối thiểu là 25,41 AUD/giờ.
Trong báo cáo phát hiện của mình, phát hành vào cuối ngày 3/11, FWC cho biết mức sản tiền lương này này rất cần thiết để đảm bảo những người hái trái cây được trả mức lương tối thiểu.
FWC nói: “Các điều khoản hiện có về mức lương cho người hái trái cây trong nghề làm vườn không phù hợp với mục đích. Các điều khoản hiện có này không cung cấp một mạng lưới an sinh tối thiểu công bằng và phù hợp".
“Toàn bộ báo cáo cho thấy rằng việc đưa ra một mức lương tối thiểu theo giờ trong điều khoản tiền lương là cần thiết để đảm bảo rằng mức lương của nghề làm vườn đạt được mục tiêu phần thưởng tương xứng”, ủy ban nhấn mạnh.
Mức lương tính theo sản phẩm cho phép người hái trái cây trung bình kiếm được nhiều hơn ít nhất 15% một giờ so với mức tối thiểu theo giờ, nhưng Ủy ban Việc làm Công bằng nhận thấy rằng lương khoán theo sản phẩm được sử dụng rộng rãi để trả thấp hơn cho những người lao động.
Phát hiện cho thấy một tỷ lệ "đáng kể" những người hái trái cây kiếm được ít hơn mức lương tối thiểu quốc gia.
FWC cho biết: “Toàn bộ bằng chứng cho thấy bức tranh về mức lương thấp đáng kể của những người hái trái cây khi so sánh với mức thưởng tối thiểu theo giờ”.
FWC cũng phát hiện ra rằng trả lương theo giờ cho công nhân thực sự sẽ khiến cho họ làm việc hiệu suất hơn.
“Việc đưa ra một mức lương tối thiểu không có khả năng làm 'mất lòng tin' đối với những người làm việc hiện đang kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu", FWC khẳng định.
Thư ký quốc gia của AWU Daniel Walton cho biết đây là một trong những quyết định ngành quan trọng nhất của thời hiện đại.
“Những người hái trái cây ở Úc đã bị khai thác thường xuyên và có hệ thống và bị trả lương thấp", ông nói. “Quá nhiều nông dân đã có thể thao túng hệ thống lương khoán theo sản phẩm để thiết lập mức lương và các điều kiện thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Úc”.
Trong phiên điều trần, công đoàn đã trình bày với ủy ban kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy người hái trái cây trung bình chỉ được trả 11,69 AUD/giờ
Walton cho biết quyết định này sẽ cung cấp một mạng lưới an sinh cần thiết cho những người hái trái cây.
“Giờ đây, người lao động sẽ dễ dàng - ngay cả khi họ không có kỹ năng tiếng Anh tốt hoặc các mối quan hệ với người Úc - có thể hiểu được liệu họ có bị gạt hay không”, Walton nói.
“Từ bây giờ nếu bạn kiếm được ít hơn 25 AUD/giờ hái trái cây ở Úc, nghĩa là sếp của bạn đang vi phạm pháp luật và ăn cắp tiền bạc/sức lực của bạn”.
Liên đoàn Nông dân Quốc gia, cơ quan phản đối những thay đổi cùng với các nhóm ngành vẫn chưa bình luận về quyết định này.
Giám đốc điều hành Liên đoàn Nông dân Quốc gia Tony Mahar trước đó đã bảo vệ mức khoán lương theo sản phẩm, cho rằng cách tính lương này khuyến khích người lao động thu hoạch được nhiều hơn.
Mahar cho biết: “Rủi ro của việc đặt mức lương tối thiểu theo giờ thay cho mức khoán lương theo công việc là người trồng trọt sẽ thấy năng suất và nguồn lao động giảm trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động vốn đã kinh niên vì việc đóng cửa biên giới do đại dịch Covid gây ra”.
“Việc làm là chi phí số một đối với nhiều người trồng trọt, lên tới 66% chi phí hoạt động của họ, và bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào đến mức đó đều có thể khiến các doanh nghiệp thua lỗ”, Mahar cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang David Littleproud cho cho biết: “FWC là một trọng tài độc lập. Đó là một cơ quan theo luật định độc lập với chính phủ liên bang". Ông Littleproud khẳng định sẽ tôn trọng vai trò "trọng tài độc lập" của ủy ban và sẽ đưa ra đánh giá về phán quyết trong tương lai gần.
Ông cho rằng phán quyết có thể có nghĩa là người Úc sẽ được yêu cầu trả giá cao hơn cho sản phẩm của họ.
Nhưng Bộ trưởng Littleproud cũng nói: “Đó không phải là quyết định của chính phủ” và các bên liên quan sẽ được trình bày quan điểm để phản đối quyết định cho đến ngày 26/11.