Kể từ năm 2023, Ukraine đã ký các hiệp ước tương tự với một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, không có văn kiện nào trong số này quy định các bên ký kết với Ukraine tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Phát biểu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại Hội đồng Châu Âu hôm 27/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Hôm nay, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và tôi đã ký thỏa thuận an ninh chung với EU".
"Tôi cũng đã ký thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Lithuania cùng với Tổng thống Gitanas Nauseda và thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Estonia cùng với Thủ tướng Kaja Kallas", ông Zelensky cho biết thêm.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X trước cuộc họp, ông Zelensky cho biết rằng "thỏa thuận an ninh sẽ bao gồm cam kết của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine".
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này sẽ buộc EU này cung cấp viện trợ cho Kiev trong 9 lĩnh vực chính sách an ninh và quốc phòng, bao gồm cung cấp vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine. EU cũng được cho là cam kết sẽ tổ chức các cuộc tham vấn với Ukraine trong vòng 24 giờ trong trường hợp "lãnh thổ của khối bị xâm phạm trong tương lai".
Mỹ và Ukraine đã ký một thỏa thuận an ninh dài 10 năm vào đầu tháng này, theo đó Washington tuyên bố sẽ "hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện tại và ngăn chặn Nga tấn công trở lại trong tương lai".
Ông Zelensky ca ngợi hiệp ước này đã nâng quan hệ Mỹ - Ukraine trở thành "một liên minh thực sự".
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng, mặc dù không có khả năng thay đổi kết quả của cuộc xung đột, nhưng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện giữa NATO và Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng bằng cách cung cấp cam kết an ninh cho Kiev, phương Tây đang khiến châu Âu trở nên kém an toàn hơn.