Trước đây, mỗi năm, anh Thiều Quốc Việt ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phải tốn hàng chục triệu đồng mua phân hóa học, thuốc BVTV cho 1ha bưởi. 2 năm gần đây, nhờ tận dụng các phế phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương, kết hợp chế phẩm IMO để ủ phân bón, vườn cây của anh không những phát triển xanh tốt, năng suất cũng rất cao, trong khi chi phí chỉ bằng ½ so với trước.
Theo anh Việt, ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm IMO dễ làm, nguyên liệu từ thành phần chính như cám gạo, mật đường, chuối, sau đó pha trộn với các phế phẩm sẵn có như cá, bưởi dạt, khóm… Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Chi phí tạo ra 100 lít phân hữu cơ IMO mất khoảng 120.000 đồng, mỗi lít pha với 10 lít nước tưới hoặc phun được 3 gốc bưởi. Để sử dụng, bồn nhựa chứa phân đã ủ sẽ được đặt cạnh một hồ nước kèm máy bơm công suất lớn để pha và tưới phân theo tỷ lệ định sẵn, phù hợp với từng loại cây, phù hợp với thời tiết.
“Lúc trước, khi dùng phân hóa học, một năm mình bón khoảng gần 20 bao NPK và thuốc BVTV các loại. Từ khi sử dụng phân IMO ủ, giờ chỉ sử dụng 12 - 15 bao NPK/năm, sâu bệnh trong vườn bưởi cũng giảm khoảng 60 - 70%. Giải pháp IMO có nguồn gốc thực vật nên tiết kiệm và an toàn hơn rất nhiều so với dùng thuốc BVTV hóa học”, anh Việt cho biết.
HTX Bình Lợi là một trong những HTX tại huyện Vĩnh Cửu ứng dụng thành công IMO vào sản xuất. Anh Trần Hoàng Thiện, Giám đốc HTX Bình Lợi cho biết, HTX hiện có 14 thành viên với tổng diện tích gần 50ha bưởi. Nhận thấy ứng dụng IMO không những giúp giảm chi phí đầu tư mà còn giúp thành viên hình thành thói quen sản xuất tốt hơn, từ năm 2019, HTX đã tổ chức mở các lớp tập huấn về IMO cho các thành viên và bà con trong và ngoài xã, đến nay 100% thành viên đã áp dụng vào sản xuất.
“Nhờ IMO, bưởi hiện tại mẫu mã rất đẹp, chất lượng cũng ngon và được thương lái thu mua với giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hiện HTX đang đàm phán với các siêu thị để đưa sản phẩm lên kệ, đây là cơ hội để thương hiệu bưởi địa phương vươn xa”, anh Thiện chia sẻ.
Theo UBND xã Bình Lợi, hiện nay, Bình Lợi có khoảng hơn 250ha trồng bưởi da xanh. Để tạo uy tín và xây dựng thương bưởi địa phương, UBND xã giao Hội Nông dân phối hợp HTX Bình Lợi đẩy mạnh ứng dụng IMO vào sản xuất, từ đó nhân rộng. Hiện sản phẩm bưởi da xanh của HTX Bình Lợi đã được chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao của tỉnh.
“Để được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP, nhà vườn đã tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, cách sử dụng và liều lượng phân bón, thuốc BVTV. Ngoài IMO, các kỹ thuật tiên tiến được áp dụng như: Hệ thống tưới phun dưới tán tự động giúp giảm thiểu mật số nhện hại (đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây bưởi), tạo tiểu khí hậu tốt cho vườn bưởi, tiết kiệm nước tưới và giúp mẫu mã trái đẹp hơn; kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cho cây bưởi; áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp IPM…
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, Bình Lợi thuộc tả ngạn sông Đồng Nai nên thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây ăn trái như bưởi, cam, quýt, trong đó cây bưởi da xanh trồng trên vùng đất Bình Lợi có độ ngọt cao, trái có màu xanh đẹp, vỏ mỏng. Với chất lượng cao, hương vị độc đáo, sản phẩm bưởi da xanh Bình Lợi từ lâu đã được thị trường trong nước ưa chuộng.
Thay đổi tư duy, nhận thức, áp dụng và duy trì quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là giải pháp luôn được ngành nông nghiệp địa phương quan tâm.
“Việc ứng dụng giải pháp IMO vào sản xuất xem là chìa khóa để tạo uy tín và xây dựng thương hiệu cho quả bưởi địa phương. Với những kết quả đạt được, địa phương tiếp tục hỗ trợ HTX Bình Lợi và các nhà vườn đẩy mạnh trồng bưởi theo hướng hữu cơ nhằm tiến tới mục tiêu đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm và xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích bưởi địa phương lên 300ha vào năm 2025”, ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi nhấn mạnh.