| Hotline: 0983.970.780

Năng lực cộng đồng trong nuôi tôm nước lợ ở miền Trung còn nhiều hạn chế

[Bài 3]: Biết hại nhưng vẫn xả thải vì thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ

Thứ Ba 23/08/2022 , 08:26 (GMT+7)

Hiện vẫn còn nhiều vùng nuôi tôm theo kiểu ‘mạnh ai nấy làm’, không tuân thủ lịch thời vụ, mua tôm giống không có nguồn gốc… do không có tổ cộng đồng giám sát.

Môi trường bị suy thoái vì nuôi tôm trong vườn nhà

Theo đánh giá của ngành chức năng Bình Định, hiện đa số người nuôi tôm trên địa bàn đã tuân thủ theo sự hướng dẫn của Sở NN-PTNT, mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững ngày càng được nhân rộng, đặc biệt là các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, góp phần giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Nước thải từ những ao tôm tự phát nuôi tôm trong vườn nhà ở Bình Định gây ô nhiễm môi trường chung quanh. Ảnh: V.Đ.T.

Nước thải từ những ao tôm tự phát nuôi tôm trong vườn nhà ở Bình Định gây ô nhiễm môi trường chung quanh. Ảnh: V.Đ.T.

Thế nhưng vẫn còn đó những người nuôi thiếu ý thức, khi trong vùng chưa hình thành mương cấp và mương xả riêng biệt cho vùng nuôi, khi hồ nuôi của mình tôm dính bệnh, chết, sau đó vô tư xả nước thải đã nhiễm bệnh ra môi trường chung, làm lây lan dịch bệnh cho các hồ nuôi trong vùng.

Đáng quan ngại nhất là nạn nuôi tôm tự phát trong vườn, trên đất nông nghiệp ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Những năm gần đây, người nuôi tôm ở đây liên tục bị thua lỗ do nguồn nước ô nhiễm khiến dịch bệnh trên tôm phát sinh.

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước do người nuôi tôm tự phát không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầu hết đặt ống xả thẳng xuống đầm, xuống biển thậm chí xả ra quanh vườn nhà. Sự thể này đã khiến môi trường xung quanh ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Một khi trong vùng có 1 ao tôm dính bệnh, chết, thì lập tức tôm trong nhiều ao khác bị lây lan chết theo. Bởi 1 lẽ đơn giản, tôm chết nằm dưới đáy ao, chủ hộ nuôi lặn xuống đặt ống xả nước trong ao có tôm chết ra biển. Rồi nước từ biển được nhiều hộ nuôi tôm khác dẫn về ao để nuôi tôm lứa tôm khác. Với quy trình ấy thì người nuôi tôm ở Mỹ Thành không thất bại mới là chuyện lạ.

Nuôi tôm nước lợ thất thu vì xả thải thẳng ra môi trường ở Bình Định chưa qua xử lý. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi tôm nước lợ thất thu vì xả thải thẳng ra môi trường ở Bình Định chưa qua xử lý. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi tôm nước lợ thương phẩm là lĩnh vực chính trong nuôi trồng thủy sản của Bình Định. Để nuôi trồng thủy sản đi theo hướng bền vững, hiện ngành thủy sản Bình Định tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi tôm trên địa bàn thực hiện đúng quy trình sản xuất, đặc biệt là vấn đề xả thải ra môi trường”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.

Môi trường và con giống yếu tố quyết định thành bại

Nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam chủ yếu phát triển mạnh ở vùng triều, ven các cửa sông. Theo truyền thống nuôi trồng ở đây, các hộ nuôi thường lấy nước sông trực tiếp để cho vào ao nuôi, ít qua xử lý. Trong khi nguồn nước sông một khi đã gặp ô nhiễm, các chỉ số không đảm bảo cũng sẽ là 1 trong những nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Uy, Phó chủ tịch UBND xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), để đảm bảo nuôi tôm an toàn, phòng tránh được dịch bệnh thì việc xử lý môi trường nuôi là vấn đề rất quan trọng.

Sau 1 thời gian nuôi ao đất, thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, một số hộ dân đã chuyển qua hình thức nuôi lót bạt, xử lý tốt môi trường nuôi nên đem lại hiệu quả tốt. Ảnh: L.K.

Sau 1 thời gian nuôi ao đất, thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, một số hộ dân đã chuyển qua hình thức nuôi lót bạt, xử lý tốt môi trường nuôi nên đem lại hiệu quả tốt. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, tại địa phương đa số là các hộ nuôi theo mô hình nhỏ lẻ nên vấn đề này gặp không ít khó khăn. Hiện tại, sau mỗi vụ nuôi, các chủ hồ thường xả thẳng nguồn nước thải ra sông, đến vụ khác thì lại lấy nước sông vào ao nuôi mà không qua xử lý.

“Các hộ nuôi tôm ở địa phương có diện tích rất ít, đa số đều tận dụng làm ao nuôi chứ rất ít hộ xây dựng ao chứa nước thải để xử lý trước khi đổ ra môi trường hoặc xử lý nước để cấp vào ao nuôi. Do đó, nếu làm tốt được vấn để xử lý nguồn nước đảm bảo an toàn thì cũng góp phần hạn chế được dịch bệnh. Mặc dù vậy, điều kiện ở địa phương rất khó làm được như vậy”, ông Uy nói.

Trong quá trình tìm hiểu các vùng nuôi tôm nước lợ ở các xã Ninh Ích, Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho thấy 2 vấn đề bất cập. Một là, hầu hết người nuôi tôm nơi đây đều mua giống trôi nổi trên thị trường.

Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), trò chuyện với NNVN về nuôi tôm nước lợ. Ảnh: K.S.

Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), trò chuyện với NNVN về nuôi tôm nước lợ. Ảnh: K.S.

Ông Trần Văn Chinh, nuôi tôm ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích) và anh Nguyễn Hoài Trung ở thôn Phong Thạnh (xã Ninh Lộc) đều thừa nhận vấn đề này. Theo người nuôi, họ mua giống trôi nổi trên thị trường thả nuôi với giá khoảng 250 ngàn đồng/vạn, trong khi các giống của công ty có thương hiệu hiện trên 1,2 triệu đồng/vạn.

Hai là vấn đề nguồn nước, hầu hết người nuôi đều cho rằng không đảm bảo, ô nhiễm nặng. Bởi do dùng chung một kênh mương nhưng người xả ra, người lấy vào mà chưa có kênh lấy nước riêng, kênh dẫn nước thải riêng. Vì vậy nếu có ao nuôi nào bị chết do dịch bệnh xả ra thì các ao nuôi dọc cuối kênh mương đều chết hàng loạt theo.

“Trong quá trình nuôi nhiều hộ chưa ý thức bảo vệ môi trường, mạnh ai nấy xả ra kênh mương chung. Những hộ nuôi gần gũi nhau nếu có tôm chết còn bảo nhau đừng lấy nước, chứ tôm bị chết đều xả xuống kênh rạch trôi lên trôi xuống. Do đó mầm bệnh xả ra kênh mương có thoát được đâu, cứ luẩn quẩn trong kênh theo con thủy triều. Ai xui lấy nước đúng thời điểm có ao nuôi tôm bị chết do dịch bệnh xả ra thì thiệt hại”, anh Nguyễn Hoài Trung thừa nhận.

“Nguyên nhân việc nuôi tôm không thuận lợi là do hệ thống kênh lạch lấy tiêu thoát nước không đảm bảo. Cũng như hệ thống nước trong môi trường chung tại vùng nuôi trong xã là từ đầm Nha Phu hiện cũng bị ô nhiễm. Bởi các hộ nuôi vẹm trên đầm tự do cấm cọc nuôi làm cản trở dòng thủy triều lưu thông nguồn nước”, ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chia sẻ.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.