| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó bão số 3: Sẵn sàng phương án sơ tán dân

Thứ Tư 04/09/2024 , 17:36 (GMT+7)

Chiều 4/9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức buổi họp về tình hình cơn bão số 3 (bão Yagi) và bàn phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ vào đất liền

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, 10h00 ngày 4/9, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông với cường độ cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h, tiếp tục mạnh lên và đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc biển Đông trong các ngày 5-6/9/2024.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp với các địa phương và bộ ngành, bàn phương án ứng phó bão số 3.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp với các địa phương và bộ ngành, bàn phương án ứng phó bão số 3.

Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ vào đất liền Bắc bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Sóng biển cao nhất 9-11m, thủy triều tại trạm Hòn Dấu cao nhất là 2m vào 17h00 ngày 7/9/2024 (đang trong thời kỳ nước ròng).

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 11h ngày 4/9, còn 504 tàu thuyền vẫn đang hoạt động tại quần đảo Trường Sa.

“Để hạn chế ảnh hưởng do bão, các tỉnh ven biển có số lượng tàu thuyền lớn cần khẩn cấp di dời người dân, du khách đến nơi an toàn, di dời lồng bè, chủ lồng bè vào nơi an toàn, trong trường hợp khẩn cấp có thể đề xuất ra lệnh cấm biển”, ông Khanh kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Đức Minh

Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Đức Minh

Theo báo cáo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm).

Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 49.380ha, 19.144 lồng, bè và 3.806 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cao.

Tình hình hồ chứa: hồ Tuyên Quang đang mở 1 cửa xả đáy và hồ Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt, mực nước thượng lưu ở các hồ còn lại đang dâng bình thường.

Khu vực Bắc bộ hiện có 120 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp và 77 hồ chứa đang thi công.

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt chú ý (Quảng Ninh: 2, Hải Phòng: 10, Thái Bình: 8; Nam Định 8; Ninh Bình: 3; Thanh Hóa: 1 và 3 công trình đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng). Một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng.

Tình hình sản xuất nông nghiệp: lúa hè đã thu hoạch 155.000ha/170.000ha, hiện còn 15.000ha đang chuẩn bị thu hoạch (dự kiến xong trước 10/9); lúa mùa: khoảng 998.000ha đang ở giai đoạn phân hoá đòng và chuẩn bị trỗ.

Diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch 15.000ha (tập trung tại Nghệ An 11.400ha) nguy cơ bị thiệt hại khi gió bão mạnh và mưa lớn khi bão đổ bộ.

Quyết liệt triển khai biện pháp ứng phó

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương phải chủ động tất cả các kịch bản để phòng tránh bão, lũ; hạn chế những rủi ro cho người dân; đảm bảo các công trình hạ tầng: nông nghiệp, viễn thông, đê biển, đê sông,…

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đảm bảo công tác di dời người dân, khách du lịch vào vùng an toàn; sẵn sàng cấm biển, cấm những hoạt động đông người, kể cả khai giảng của học sinh cũng cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình.

Tăng cường truyền thông, đưa ra các biện pháp, kỹ năng tránh trú, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân; báo cáo những con số, tiến độ, cập nhật từng ngày, thông tin đến từng gia đình, thuyền trưởng, chủ tàu để giảm thiểu tối đa rủi ro.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương phải chủ động lên mọi kịch bản chống bão. Ảnh: Đức Minh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương phải chủ động lên mọi kịch bản chống bão. Ảnh: Đức Minh

Kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.

Rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Chủ động tự vạch ra những kịch bản để ứng phó, không chờ đợi; phải xử lý ngay từ địa phương; sẵn sàng đưa ra các quyết định khi có vấn đề khẩn cấp.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.