| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó hạn hán diện rộng

Thứ Sáu 20/03/2015 , 09:11 (GMT+7)

Tại tỉnh Ninh Thuận, đã có 6.100 ha đất lúa không có nước sản xuất, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra trầm trọng. 

Tỉnh Khánh Hòa có 570 ha dừng sản xuất, 600 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng do không đủ nước tưới và khoảng 2.500 ha đang bị thiếu nước.

Tình trạng thiếu nước, hạn hán khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng từ thời gian cuối vụ đông xuân và kéo dài đến hết vụ hè thu năm 2015.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Tỉnh (ảnh), Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) khi trả lời phỏng vấn Báo NNVN.

18-37-38_nh-tinh

Xin ông cho biết diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên hiện nay ra sao?

Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi của các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa đang ở mức rất thấp: Ninh Thuận đạt 14%, Khánh Hòa đạt 37% (so với dung tích trữ thiết kế).

Một số hồ chứa lớn ở Khánh Hòa có dung tích trữ nước thấp như: Suối Hành 0,48/9,49 triệu m3 (tương đương 5,03%), Suối Trầu 0,36/9,81 triệu m3 (tương đương 3,62%), Cam Ranh 13,38%, Am Chúa 23%, Đá Bàn 30%.

Còn tại Ninh Thuận, dung tích trữ nước tại hồ chứa Cho Mo là 0/8,79 triệu m3 (tức 0%), Sông Biêu 1,85/23,78 triệu m3 (tương đương 7,78%), Sông Sắt 5,33/69,33 triệu m3 (tương đương 7,69%). Tỉnh Bình Thuận có dung tích trữ hồ chứa khoảng 50-60%, các địa phương còn lại ở mức 70-80%.

Dòng chảy các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận thiếu hụt từ 40-70%, một số nơi tới 70-80%. Nhiều khả năng ở hạ lưu các sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên có lượng dòng chảy các sông trong tháng 1-4/2015 sẽ thấp hơn TBNN khoảng 10-40% và khoảng 10-20% trong tháng 5-6/2015.

Hiện nay, các địa phương khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên đã hoàn thành gieo trồng vụ đông xuân, đang trong thời kỳ cấp nước tưới dưỡng cho cây trồng. Tình hình hạn hán, thiếu nước lan rộng đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất như thế nào?

Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận đã có 6.100 ha đất lúa không có nước để sản xuất, tỉnh Khánh Hòa có 570 ha đang dừng sản xuất, 600 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng do không đủ nước tưới và khoảng 2.500 ha đang bị thiếu nước.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đã xảy ra trầm trọng tại tỉnh Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Đăk Lăk (4.400 ha cây trồng, 1.100 hộ dân), Đăk Nông (7.500 ha), Kon Tum (1.500 ha).

Theo ông, tình hình hạn hán, thiếu nước tại khu vực Nam Trung bộ sẽ kéo dài trong bao lâu?

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 9/2015 thiếu hụt khoảng 15-30% so với TBNN. Mùa mưa khả năng đến nửa cuối tháng 9/2015 mới xuất hiện.

Như vậy, mùa khô ở khu vực Nam Trung bộ sẽ kéo dài hết vụ hè thu năm 2015 (tháng 9/2015), lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Nếu tình hình mưa, dòng chảy diễn biến như nhận định, hạn hán ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung bộ sẽ tiếp diễn, khả năng diễn ra trên diện rộng từ thời gian cuối vụ sản xuất đông xuân và kéo dài đến hết vụ hè thu năm 2015.

Khu vực Tây Nguyên khả năng sẽ bị hạn hán trên rộng vào thời gian cuối vụ sản xuất đông xuân.

Trước tình hình thực tế và nhận định trên, Tổng cục Thủy lợi đã đề ra những giải pháp gì để phòng, chống hạn vụ đông xuân và vụ hè thu năm 2015?

Bên cạnh các giải pháp chung như bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, tổ chức nạo vét kênh mương, đào ao, đào giếng, đắp đập tạm trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến..., một số giải pháp riêng, Tổng cục đã đưa ra phương án cụ thể cho từng địa phương khu vực Nam Trung bộ:

Tỉnh Ninh Thuận: khu tưới thuộc các hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm và sông Pha (tổng diện tích khoảng 16.000 ha) cần lập kế hoạch và đề nghị bổ sung nguồn nước từ các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống sông Cái Phan Rang để phục vụ tưới cho vụ đông xuân và hè thu.

Các khu tưới do hồ chứa thủy lợi phụ trách cần cân đối nguồn nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, gia súc, diện tích đất nông nghiệp cần dừng sản xuất hoặc chuyển đổi cây trồng nếu nguồn nước không bảo đảm.

Tỉnh Khánh Hòa, do không được bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện nên phụ thuộc hoàn toàn vào nước từ các hồ chứa thủy lợi và nguồn nước trong sông suối nội địa. Cần tăng cường nạo vét, khơi thông kênh, rạch, lắp đặt hệ thống bơm dã chiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

2155615581
Miền Trung đang đối mặt với khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến SX nông nghiệp

Một số khu vực thuộc các tỉnh/thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận cần lập kế hoạch đề nghị cung cấp nước từ các hồ chứa thuộc các hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, Ba - Bàn Thạch, La Ngà - Lũy để phục vụ tưới cho vụ đông xuân và hè thu. Các khu tưới thuộc các hồ chứa thủy lợi cần sử dụng tiết kiệm, bảo đảm dành nước cho vụ hè thu.

Hiện tại, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đang vào Tây Nguyên để ghi nhận thực tế tình hình và đề ra phương án chống hạn cụ thể cho từng địa phương.

Vậy, việc cần nhất để ứng phó với hạn hán, thiếu nước hiện nay là gì?

Tổng cục Thuỷ lợi kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống hạn hán, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân và hè thu, mùa năm 2015 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 10/3/2015.

Triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; tính toán cân đối lại nguồn nước, trong đó cần ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, đối với những khu vực khó bảo đảm nguồn nước cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất.

Bộ Công thương cần chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện phối hợp với Bộ NN-PTNT, các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước của các hồ thủy điện để phối hợp với các hồ thủy lợi bổ sung nguồn nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Trồng rau VietGAP, lợi nhuận tăng 40%

BÌNH THUẬN Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, đạt chứng nhận VietGAP còn tăng lợi nhuận bình quân khoảng 40%, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.