| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ thống nhất trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Năm 26/04/2018 , 11:05 (GMT+7)

Họ đã cùng nhau nói về một cuộc tái hợp hoà bình khi diễu hành chung dưới một ngọn cờ ở Thế vận hội Olympic mùa đông 2018. Và khi một nhóm các ngôi sao K-Pop tới Triều Tiên gần đây, tất cả đã nắm tay những người đồng bào phương bắc, cùng hát “Mơ ước của chúng ta là thống nhất”. 

Một du khách đi bộ ở Imjingak, gần khu vực phi quân sự chia cắt Hàn Quốc - Triều Tiên ở Paju (Hàn Quốc)

Nhưng ước mơ của người Triều Tiên ở hai miền Nam - Bắc vẫn rất xa vời, cho dù đây là mong mỏi của 90% người dân ở CHDCND Triều Tiên.
 

Hai bộ mặt trái ngược

Sự tái hợp của 2 miền Đông Đức và Tây Đức những năm 1990 từng là ví dụ cho một cuộc thống nhất tương tự của 2 miền Triều Tiên, với một bên là Hàn Quốc và một bên chính thức được gọi là CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ, giữa Đông Đức và Tây Đức không tồn tại một cuộc nội chiến, trong khi cuộc chiến tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kéo dài 3 năm, từ 1950 - 1953 và về mặt kỹ thuật, đôi bên hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến ước mơ hợp nhất hoà bình 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên vô cùng khó khăn là sự khác biệt về đời sống kinh tế -chính trị - xã hội.

Hàn Quốc đang là một nền kinh tế phát triển rất mạnh, xã hội năng động và dân chủ. Triều Tiên trái lại, chìm trong khó khăn bởi vòng phong toả của Mỹ thông qua Liên Hợp Quốc. Quyền lực của Triều Tiên tập trung ở gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Theo Reuters, có tới 90% người dân Triều Tiên nghĩ về một cuộc thống nhất 2 miền Nam - Bắc. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều coi thống nhất quốc gia là một mục tiêu, trong đó Triều Tiên thậm chí coi đây là “nhiệm vụ quốc gia tối thượng”. Nếu Hàn Quốc có Bộ Thống nhất thì Triều Tiên cũng có Uỷ ban Hoà bình và Thống nhất quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đề cập tới vấn đề “thống nhất” đất nước hơn 2.700 lần, theo phân tích của Reuters dựa vào các dữ liệu theo dõi website của KCNA. Năm 1993, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung từng đưa ra kế hoạch 10 điểm để thống nhất quốc gia. Trong giây phút cuối đời, ông Kim Il Sung được mô tả là “vẫn canh cánh giấc mơ thống nhất”. 

Tuy nhiên, ước mơ thống nhất của người miền Nam lại đang có xu hướng giảm dần. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc cho biết, tỉ lệ này là 58%, giảm so với mức 70% năm 2014. Hồi năm 1969, tỉ lệ người Hàn Quốc ủng hộ thống nhất gần ngang bằng miền Bắc, tới 90%. Sự khác biệt về kinh tế là nguyên nhân chính, như đề cập ở trên.

“Tôi sẽ phản đối chuyện thống nhất. Không cần thiết phải làm thế chỉ vì chúng tôi cùng chung dòng máu. Tôi chỉ muốn không xảy ra căng thẳng như hiện nay” -Park Jung-ho, 35 tuổi, một công nhân ở Seoul nói với Reuters.
 

Và những rào cản khác

Thống nhất đất nước từng là chủ đề trong 2 cuộc hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2007, đều diễn ra ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên trong lần gặp mặt giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4 tới, việc ký kết hiệp ước hoà bình cũng như tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo mới là những ưu tiên quan trọng. “Không có hoà bình, sẽ không có thống nhất” -Moon Chung-in, cố vấn an ninh quốc gia đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in cho biết.

Trong quá khứ, một số lãnh đạo miền Nam từng chờ đợi quá trình thống nhất dựa trên sụp đổ chế độ ở Triều Tiên. Nhưng chính quyền hiện nay của ông Moon Jae-in chọn cách tiếp cận ôn hoà hơn. Trong bài diễn văn tại Berlin (Đức) hồi tháng 7 năm ngoái, ông Moon đã vạch ra tiến trình hoà bình ở bán đảo Triều Tiên với 3 điểm chính mà 1 trong đó là không hướng tới sự sụp đổ chế độ cầm quyền miền Bắc.

Một rào cản khác là ông Kim Jong-un, mới trên 30 tuổi và không có dấu hiệu gì cho thấy chấp nhận mất quyền lực. Miền Nam cũng chưa sẵn lòng cho một thoả thuận có thể duy trì quyền kiểm soát quốc gia của ông Kim. Thêm vào đấy, Trung Quốc có lợi ích để duy trì Triều Tiên như một quốc gia độc lập, tạo thành vùng đệm ngăn cách với Mỹ và Seoul.

Mỹ - Hàn Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh

Ngày 25/4, Yonhap cho biết Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang làm việc rất chặt chẽ với nhau để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra thành công.

Thông báo của Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết, ngay sau cuộc gặp ông Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in sẽ có cuộc điện đàm với ông Donald Trump để trao đổi tình hình. 

Theo kế hoạch, vào giữa tháng 5 tới Tổng thống Moon Jae-in cũng sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Nội dung nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp sau đó giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hôm mới đây, ông Trump đã bất ngờ ca ngợi ông Kim Jong-un là người “cởi mở và đáng kính trọng”. Trước đó, đôi bên không ngớt chỉ trích nhau.

(Theo Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.