| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở Vĩnh Phúc

Thứ Năm 22/07/2021 , 10:21 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển nhanh và bền vững đang là mục tiêu của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng tới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều mặt hàng nông sản đang phải chật vật tìm đầu ra nhưng nông sản do Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh (HTX) sản xuất vẫn được người tiêu dùng chào đón nhờ áp dụng quy trình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Rau an toàn Vân Hội Xanh được người tiêu dùng chào đón nhờ áp dụng quy trình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Rau an toàn Vân Hội Xanh được người tiêu dùng chào đón nhờ áp dụng quy trình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Tăng giá trị hàng hóa nhờ chuyển đổi số

Từ cuối năm 2018, HTX rau an toàn Vân Hội Xanh bắt đầu đưa phần mềm VietGAP điện tử vào ứng dụng trong sản xuất, việc này đã giúp HTX không phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để đợi ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Việc quản lý vật tư đầu vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được HTX số hóa để theo dõi và giao dịch. Đến kỳ sản phẩm được thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản lượng rau, củ đã tăng từ 5 - 10% so với trước đây. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại.

Khác với các mô hình trồng trọt, từ năm 2019, nhận thấy nhu cầu sử dụng thịt lợn an toàn ngày càng cao, HTX chăn nuôi Bình Minh (Lập Thạch) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống chuồng trại và liên kết với một số hộ nông dân trong, ngoài xã để sản xuất thịt lợn sạch. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh xây dựng mô chăn nuôi xanh tuần hoàn.

Cùng với việc chăn nuôi, sản xuất thịt lợn sạch theo quy trình VietGAP, HTX đã nghiên cứu thành công việc sản xuất thịt lợn thảo quế, xúc xích thảo quế với hương vị đặc trưng, cung cấp cho 40 cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng. Năm 2020, sản phẩm xúc xích và thịt lợn thảo quế của hợp tác xã đã được UBND tỉnh phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.

Ông Mạc Tuấn Hải, giám đốc HTX chăn nuôi Bình Minh, chia sẻ, nếu chăn nuôi theo quy trình truyền thống, các trang trại sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhiều nhân công, thức ăn, thuốc men còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi con lợn, đặc biệt là lợn nái được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát chặt chẽ, không hao phí. Đối với lợn thịt, lợn giống thương phẩm đến kỳ xuất bán, thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, chốt giá, lợn sẽ được đưa ra giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ theo vòng tròn khép kín.

Khu trồng rau sạch cho lợn của HTX chăn nuôi Bình Minh. Ảnh: HTX Bình Minh.

Khu trồng rau sạch cho lợn của HTX chăn nuôi Bình Minh. Ảnh: HTX Bình Minh.

Chuyển đổi số là chìa khóa phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Kết quả đạt được của doanh nghiệp, HTX đi tiên phong là minh chứng cho thấy việc chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá bán nông sản ổn định, ít bị thao túng, thay vì trông thời tiết nông dân thời công nghệ số sẽ trông dữ liệu, mua dữ liệu để lên kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với mùa vụ.

Nhằm tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số.

Đồng thời, quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ  truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chương trình OCOP, phát triển thương mại điện tử…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP, nhiều cơ sở đã hình thành được chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, đưa một số sản phẩm có thương hiệu như: Thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, mật ong… xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn manh nha và mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động của con người.

Các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm, khi người tiêu dùng muốn truy xuất nguồn gốc rất ít sản phẩm đáp ứng được yêu cầu này.

Một thách thức lớn nữa mà ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang đối mặt trong tiến trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, tập quán và ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế.

Cũng theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số. Nhưng nếu cứ để nông dân tự xoay xở tìm đường đi trong chuyển đổi số thì rất khó thành công mà cần bệ đỡ là cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ có công nghệ số nên các công đoạn tưới trong sản xuất nông nghiệp chỉ cần thao tác qua điện thoại. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ có công nghệ số nên các công đoạn tưới trong sản xuất nông nghiệp chỉ cần thao tác qua điện thoại. Ảnh: Minh Hậu.

Từng bước ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp

 Trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ từng bước ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Trước mắt là tập trung hỗ trợ đầu tư chăn nuôi lợn, hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn các loại theo quy trình VietGAP; hỗ trợ trồng cây dược liệu; tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, từng bước giúp người nông dân hình thành các mối liên kết trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp. Từ đó, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.