Chủ đề được quan tâm nhất trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 vẫn là các biện pháp cấp bách để cả nước thích ứng linh hoạt với Covid-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất và sinh hoạt. Phần lớn các Đại biểu Quốc hội đều băn khoăn về khả năng tiêm vacxin cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam ký kết mua được 160 triệu liều vacxin, đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài việc vacxin về chậm vì nguồn cung không dồi dào, thì việc nghiên cứu và chọn lựa vacxin phù hợp cho từng đối tượng vẫn còn nhiều âu lo.
Qua gần hai năm chống dịch, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới cũng loay hoay trước bài toán “zero Covid”. Do đó, sự lúng túng của Việt Nam cũng không ngoại lệ, và Chính phủ đã quyết định mở cửa từng bước các hoạt động thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, nếu tỷ lệ tiêm chủng nằm ở mức thấp thì hành trình chuyển sang trạng thái bình thường mới khá nhọc nhằn.
Hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng và ngành công nghiệp dược của Việt Nam vẫn quá non trẻ, khi đương đầu đại dịch toàn cầu. Thực tế ấy đã gây ra những mất mát không nhỏ, nhưng cũng tích lũy được kinh nghiệm cho tương lai.
Hiện tại, đã xuất hiện nhiều ca dương tính với virus Corona khi đã tiêm đủ hai mũi vacxin, thậm chí ngay trong Đoàn đại biểu Quốc hội của TP.HCM cũng có hai trường hợp nhiễm Covid-19, nên giải pháp tối ưu cho chiến lược tiêm vacxin nên được cân nhắc cẩn trọng hơn.
Có thể tăng tốc độ miễn dịch cộng đồng bằng cách xã hội hóa vacxin không? Những tập đoàn kinh tế hùng hậu có thể được phép giao dịch theo kênh riêng để thương lượng nhập khẩu vacxin cho một bộ phận xã hội, nhưng nhất định phải duy trì phương án vacxin miễn phí cho người dân. Huy động các đơn vị y tế tư nhân để tiêm vacxin sẽ tận dụng được một đội ngũ trợ lực hùng hậu và chuyên nghiệp, nhưng nếu thu phí dịch vụ thì sẽ cản trở mục tiêu bao phủ vacxin rộng khắp.
Số ca nhiễm mới đang tăng cao ở và Tây Nguyên. Nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng cảnh giác thay đổi cấp độ nguy cơ chống dịch từ “vùng xanh” sang “vùng vàng”. Nhiều chuyên gia y tế dự báo sẽ có làn sóng F0 mới ở những địa phương tương đối khuất nẻo, nơi điều kiện sinh hoạt của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Nghĩa là, đã đến lúc ưu tiên đưa vacxin về vùng sâu, vùng xa.
Cả nước đã dồn vacxin cho TP.HCM khi đô thị lớn nhất phương Nam giãn cách kéo dài suốt cao điểm chống dịch. Bây giờ, số F0 mỗi ngày ở TP.HCM vẫn khá lớn, nhưng số ca tử vong đã giảm rõ rệt. TP.HCM lên kế hoạch tiêm vacxin mũi thứ 3 thì e rằng chưa thuyết phục.
Với số lượng vacxin vẫn còn khiêm tốn, thì chính người dân TP.HCM cũng mong muốn được chia sẻ cho bà con những nơi gieo neo chưa được tiêm mũi 1. Khi nào, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi trên toàn quốc đạt tỷ lệ nhất định để Việt Nam yên tâm bình thường mới, thì TP.HCM thực hiện tiêm mũi 3 cũng chưa muộn.