| Hotline: 0983.970.780

Vải chín sớm Phương Nam chờ ngày 'xuất ngoại'

Thứ Năm 01/06/2023 , 06:05 (GMT+7)

QUẢNG NINH Vải chín sớm Phương Nam giờ đã vào chính vụ. Đây là một trong những loại cây ăn quả có thương hiệu của TP Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh.

Thời điểm thu hoạch vải chín sớm Phương Nam bắt đầu từ tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch hằng năm (thu hoạch sớm hơn các loại vải khác từ 20 - 30 ngày). Năm nay, giá vải chín sớm Phương Nam thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Đầu vụ, thương lái thu mua tại vườn của bà con với giá trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Còn năm trước, giá vải đầu vụ dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, thời điểm giữa vụ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Vải chín sớm Phương Nam đã vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Tiến Thành.

Vải chín sớm Phương Nam đã vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam (TP Uông Bí) lý giải: Vải Phương Nam đầu vụ giá thấp hơn năm ngoái là do năm nay nhuận tháng 2 âm lịch, do vậy vải chín muộn hơn. Trong khi đó, vải Gia Lai đã chín sớm hơn trước 15 ngày. Năm ngoái, vải Phương Nam chín sớm, dễ tiêu thụ và được giá do trùng thời điểm Quảng Ninh đăng cai một số môn thi đấu trong Seagame 31, nhiều người dân đến xem Seagame và mua sản phẩm.

Để đảm bảo hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, UBND phường Phương Nam đã phối hợp xây dựng định hướng thu hút đầu tư trên cơ sở bám sát nhu cầu của thị trường tại các chợ truyền thống; tăng cường và nâng cao hoạt động marketing điện tử, kết nối với các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, đưa sản phẩm quả vải chín sớm Phương Nam vào các bếp ăn tập thể của các đơn vị, doanh nghiệp lớn và các trường học trên địa bàn TP Uông Bí.

Các chuyên gia trao đổi cùng người dân phường Phương Nam trồng vải chín sớm theo tiêu chuẩn OTAS. Ảnh: Tiến Thành.

Các chuyên gia trao đổi cùng người dân phường Phương Nam trồng vải chín sớm theo tiêu chuẩn OTAS. Ảnh: Tiến Thành.

UBND phường cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cho quả vải chín sớm tại cánh đồng số 6, khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam với quy mô 30ha, ban đầu có 100 hộ tham gia mô hình.

Tiêu chuẩn OTAS là tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm, trong đó có mặt hàng nông sản. Việc xác thực theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là điều kiện để đàm phán hàng rào kỹ thuật với các nhà nhập khẩu.

Áp dụng theo tiêu chuẩn OTAS, các hộ gia đình ở phường Phương Nam phải có lịch trình ghi lại toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc vải như: Tỉa cảnh, sử dụng phân bón, nguồn nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật an toàn…, từ đó góp phần sản xuất hướng tới nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Áp dụng mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn OTAS sẽ giúp các hộ gia đình có cơ hội xuất khẩu vải sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ…

Tham gia chương trình OTAS ở phường Phương Nam, anh Nguyễn Văn Hồng cho hay: "Gia đình tôi rất phấn khởi tham gia và thực hiện theo những hướng dẫn của các chuyên gia. Hi vọng với việc áp dụng theo tiêu chuẩn OTAS, nhà tôi cũng như các hộ tham gia sẽ có được đầu ra thuận lợi cho quả vải".

Nông dân phường Phương Nam thu hoạch vải chín sớm. Ảnh: Tiến Thành.

Nông dân phường Phương Nam thu hoạch vải chín sớm. Ảnh: Tiến Thành.

Ngoài áp dụng tiêu chuẩn mới OTAS, nhiều năm nay, các hộ trồng vải ở Phương Nam đã được hướng dẫn, thực hiện trồng, chăm sóc vải chín sớm theo quy trình VietGAP. Anh Lê Quang Nghĩa khu Phong Thái vui mừng cho biết: "Trước đây, việc chăm sóc cây vải của nông dân địa phương chưa theo quy trình kỹ thuật sản xuất nào, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính khiến vải chưa cho năng suất cao. Mấy năm gần đây chúng tôi trồng, chăm sóc vải theo quy trình VietGAP, cộng thêm kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả được nâng cao rõ rệt, chất lượng quả chín đều, to hơn hẳn, ít sâu đục cuống".

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, trên địa bàn phường hiện có gần 1.500 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm, tập trung tại các vùng quy hoạch: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà...

Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh.

Thương lái đến thu mua vải chín sớm Phương Nam. Ảnh: Tiến Thành.

Thương lái đến thu mua vải chín sớm Phương Nam. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2017, TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm của khoảng 1.000 hộ tham gia, với tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.

Năm 2022, tổng diện tích vải chín sớm cho thu hoạch trên địa bàn phường Phương Nam đạt khoảng 320ha; tổng sản lượng quả vải đạt 2.800 tấn; giá bán bình quân 27.000 đồng/kg. Giá trị kinh tế đạt 75,6 tỷ đồng, tăng 25,6 tỷ đồng so với năm 2021.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.