| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu

Thứ Tư 17/05/2023 , 06:20 (GMT+7)

QUẢNG NINH Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh đang triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS.

Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn phường Phương Nam có hơn 1.500 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm, diện tích đạt gần 400ha.

Diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam đạt gần 400ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam đạt gần 400ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, mã số vùng trồng dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hoa quả tươi xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Nhằm giúp nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh đang triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS.

Hệ thống, tiêu chuẩn OTAS có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm, trong đó có mặt hàng nông sản. Việc xác thực theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là điều kiện để đàm phán hàng rào kỹ thuật với các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Để được cấp mã số vùng trồng theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS, các sản phẩm nông sản phải đáp ứng nhiều yếu tố như trồng tập trung, trồng duy nhất một loại cây, diện tích trồng đảm bảo được áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ, đặc biệt là nhật ký về quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS, người dân sẽ phải thu thập thông tin, xác định tọa độ vùng trồng; thống kê tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương trong 3 vụ gần nhất; kiểm tra sơ bộ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Tháng 8/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty Cổ phần OTAS Global tổ chức tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng trồng tập trung và rải rác; giám định sinh vật hại trong danh mục cấm và kiểm tra giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, đơn vị đã tư vấn, hướng dẫn cụ thể với các cơ sở đã được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói, sơ chế về yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu ở hạng mục an toàn thực phẩm và danh mục sinh vật gây hại bị cấm.

Quảng Ninh đang áp dụng chặt chẽ hệ thống, tiêu chuẩn OTAS cho vải chín sớm Phương Nam nhằm phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh đang áp dụng chặt chẽ hệ thống, tiêu chuẩn OTAS cho vải chín sớm Phương Nam nhằm phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hàng tháng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với đại diện vùng trồng, UBND phường Phương Nam, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Phòng Kinh tế TP Uông Bí kiểm tra việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp, tình hình tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn OTAS về mã số vùng trồng.

Cùng với đó, chuyên gia OTAS kết hợp với chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu quản lý vùng trồng theo hồ sơ đã được chuẩn hóa bằng hệ thống, tiêu chuẩn OTAS mỗi năm 1 lần.

Ông Trần Văn Thực, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh cho biết, quản lý mã số vùng trồng theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS hiện đang được các quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới như EU, Australia, Nhật Bản… công nhận. Hệ thống, tiêu chuẩn này vừa giúp đảm bảo tính minh bạch trong việc truy xuất và xác thực nguồn gốc hàng hoá, vừa đáp ứng yêu cầu về các điều kiện kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.

Trước mắt, việc áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn OTAS sẽ được triển khai với quy mô 30ha, sau khi hoàn thiện sẽ triển khai mở rộng ra toàn vùng với các loại cây ăn quả có thế mạnh khác của tỉnh Quảng Ninh.

Những năm tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh sẽ tổ chức duy trì, vận hành hệ thống hồ sơ vùng trồng, kiểm tra, giám sát định kỳ về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng; lấy mẫu kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giám định sinh vật hại trong danh mục cấm… và cập nhật dữ liệu lên hệ thống thông qua trang web (www.otasglobal.com); cấp tem truy xuất và phối hợp với các địa phương để xuất khẩu và phát triển thị trường quốc tế.

Xem thêm
Cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix minh chứng cho câu chuyện hợp tác 'muốn đi xa phải đi cùng nhau'.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Bình luận mới nhất