| Hotline: 0983.970.780

Vải lai chín sớm quả sai trĩu trịt

Thứ Hai 09/05/2022 , 09:25 (GMT+7)

Năm nay, vải lai chín sớm ở xã Tam Đa (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) rất sai quả, chất lượng được đánh giá tốt hơn mọi năm, dự kiến cho thu hoạch rộ từ 5/6.

Xã Tam Đa, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có 250ha vải lai chín sớm, trồng chủ yếu tại 2 thôn Tam Đa và Cự Phú. Vụ vải năm nay, sản lượng quả ước đạt 2.500 tấn (tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021), doanh thu ước đạt gần 70 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hú bên cây vải lai chín sớm của gia đình. Ảnh: H.Tiến.

Ông Phạm Văn Hú bên cây vải lai chín sớm của gia đình. Ảnh: H.Tiến.

Theo ông Đặng Văn Đườm (Trưởng thôn Tam Đa): Vải lai chín sớm năm nay cho thu hoạch muộn hơn năm trước 3 - 5 ngày. Tức là sẽ cho thu quả từ khoảng 25/5 đến 20/6, thu rộ xung quanh 5/6. Nguyên nhân do thời tiết năm nay có mưa nhiều, rét nhiều và rét muộn kéo dài. Đổi lại, năng suất và chất lượng vải tăng cao vượt trội so với nhiều năm trước đây. Hiện đang có nhiều nhà vườn được thương lái đến ngã giá từ 25 - 30 nghìn đồng/kg (tùy loại).

Ông Nguyễn Văn Nam (cùng thôn Tam Đa) trồng 300 gốc vải, sản lượng quả ước đạt chừng 14 tấn cho biết, hiện vườn ông đã có mối gom hàng nhận bao tiêu hết với giá 28 nghìn đồng/kg, nhưng ông Nam chưa gật đầu, vì vải của ông đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Nguyễn Tiến Thuyết (68 tuổi) ở cùng thôn khẳng định: Nhà ông sẽ thu được 12 tấn quả, đã nhận lời bán xô cho khách, giá 27.000 đồng/kg với điều kiện sau giá vải lên phải điều chỉnh lên, giá xuống không điều chỉnh xuống. “Nói vậy thôi thương lái người ta dự báo thị trường chính xác lắm rồi, chẳng bao giờ họ thua người bán đâu nhé!”, ông Thuyết hóm hỉnh.

Vải lai chín rất nhanh, mỗi ngày vỏ quả cho một màu sắc mới. Ảnh: H.Tiến.

Vải lai chín rất nhanh, mỗi ngày vỏ quả cho một màu sắc mới. Ảnh: H.Tiến.

Vợ chồng ông Phạm Văn Hú (thôn Tam Đa) đã ở tuổi cận kề 70 vẫn trồng, cho ra quả đươc 4 tấn vải VietGAP. Ông Hú vui vẻ nói: “Vải thì mọi người đều nhìn nhau để bán, nhưng chưa năm nào vải chín sớm lại được mùa, được giá như năm nay. Còn hơn 10 ngày nữa mới cho thu hoạch mà cùi quả đã khá dày, ăn rất ngọt, chắc chắn sau vụ vải này tôi sẽ có 60 triệu đồng gửi tiết kiệm”.

Anh Nguyễn Tiến Thiều (HTX Nông nghiệp vải VietGAP Thắng Lợi) phân tích: Vải lai chín sớm luôn được giá, vì thường cho thu quả sớm hơn các vùng trồng vải trọng điểm ở miền Bắc từ 15 - 20 ngày, nên ít phải chịu áp lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại và không năm nào bị rớt giá.

Mặt khác, cây vải cũng dễ trồng, ít ra quả cách năm, dễ thâm canh, ít tốn công chăm sóc hơn so với cây nhãn. Đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên cây trồng này là sâu đục cuống quả vải (thường gọi sâu đầu quả vải). Nhưng từ 5 năm trở lại đây, địa phương đã được Chi cục BVTV tỉnh phối hợp cùng Viện Bảo vệ thực vật xây dựng quy trình phòng trừ sâu đục cuống quả vải, nên hiện tượng vải sau thu hoạch bị sâu đầu quả đã căn bản không còn.

Sơ chế, bó buộc chùm vải trước khi xuất giao cho thương lái. Ảnh: Tư liệu.

Sơ chế, bó buộc chùm vải trước khi xuất giao cho thương lái. Ảnh: Tư liệu.

Đi thăm thực tế các cánh đồng vải lai chín sớm của xã Tam Đa, chúng tôi thấy: Vải ở đây được trồng rất gọn vùng, kênh mương được xây dựng kiên cố, đảm bảo tưới tiêu chủ động. Đặc biệt cây vải ở đây còn được bón nhiều phân hữu cơ vi sinh do địa phương duy trì được phong trào phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học, sau dùng chăm bón trở lại cho đồng ruộng nên hiệu quả trồng vải lai chín sớm luôn cao hơn canh tác lúa 7 - 8 lần. Theo đó, hiện nay xã Tam Đa đã không còn gieo cấy lúa.

Vải lai chín sớm thường gọi là vải Lai U chín sớm hay vải Vai U vì khi chín đầu vỏ quả có đường gờ nổi lên cân đối giống chữ U và bao giờ cũng cho thu hoạch trước các vùng trồng vải trọng điểm ở miền Bắc từ 15 - 20 ngày. Ban đầu, giống vải này mới chỉ xuất hiện vài cá thể trong vườn nhà các hộ dân thôn Tam Đa, giống cho quả chín sớm nhưng chất lượng cũng rất đồng đều. Sau này, giống được Viện Nghiên cứu Rau quả chọn lọc, bồi dục, phổ biến ra đại trà. Nhờ đó vải lai chín sớm đã trở thành nguồn sống chính của người dân 3 xã khu Nam huyện Phù Cừ.

Thương lái thu mua vải tại xã Tam Đa trong vụ thu hoạch năm 2021. Ảnh: H.Tiến.

Thương lái thu mua vải tại xã Tam Đa trong vụ thu hoạch năm 2021. Ảnh: H.Tiến.

Ông Trần Ngọc Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: Để giúp nhà nông tiêu thụ tốt quả vải trong vụ thu hoạch năm nay, xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương lái và doanh nghiệp đến thu mua, tiêu thụ. UBND xã sẽ tổ chức trông coi, không để mất các tài sản người dân tại các điểm thu mua, đồng thời tổ chức phân luồng, hướng dẫn phương tiện cơ giới từ xa nhằm tránh ách tắc giao thông cục bộ, cũng như không để xảy ra tình trạng thương lái tranh mua, tránh bán hoặc ép giá những người trồng vải.

UBND huyện Phù Cừ cũng đã có kế hoạch đầu tư cho xã 1 kho lạnh tạm trữ vải quả, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vải vào vụ thu hoạch rộ.

UBND xã Tam Đa cũng đã tổ chức hội nghị quán triệt các đại lý cân gom vải cho thương lái và người dân chỉ thu mua khi quả vải đạt độ chín từ 90% trở lên, không thu hoạch quá sớm, chất lượng vải chưa đạt tốt nhất vì sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu “Vải lai chín sớm Phù Cừ”. Các thương lái, cơ sở thu mua phải cân đong đo đếm đầy đủ, sơ chế bao gói đúng kỹ thuật, tuyệt đối không để xảy ra túm vải có cài thêm quả kẹ, cành kẹ hoặc cắt để cuống quá dài (nặng cân)… Những việc làm này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp giữ uy tín cho xuất xứ vùng trồng, giữ chân khách hàng bao tiêu lâu dài, vì đời sống của phần lớn người dân trong xã đều dựa vào cây vải.

“Vải lai chín sớm Tam Đa đã được cấp mã số vùng trồng, trong đó có 50ha được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, còn lại đều sản xuất theo hướng VietGAP. Đạt được những kết quả này cũng nhờ có sự chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thiết thực kịp thời từ các đơn vị khoa học và ngành chuyên môn ở địa phương”, ông Doãn Thanh Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Đa nói.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.