Năng lực chẩn đoán, xét nghiệm được nâng cao
Chẩn đoán, xét nghiệm được xác định là công cụ rất quan trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh, được nhà nước và ngành Thú y quan tâm, đầu tư xây dựng ngay từ khi thành lập.
Đến nay, Cục Thú y có 8 phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, có đủ kiến thức, kinh nghiệm để chẩn đoán được tất cả các bệnh quan trọng, kể cả các bệnh có nguy cơ lây sang người như cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, corona.. bằng các kỹ thuật hiện đại như PCR, Real-time PCR, giải trình tự gen...
Các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đạt mức an toàn sinh học cấp độ II+, trong đó đã có phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI được đầu tư, nâng cấp để hướng tới đạt an toàn sinh học cấp độ III.
Ngoài ra, tại các địa phương trên cả nước có 17 phòng thí nghiệm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xét nghiệm hầu hết tất cả các bệnh thông thường ở động vật.
Cục Thú y luôn chủ động triển khai các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để xác định sự lưu hành của mầm bệnh, thường xuyên đánh giá hiệu lực các loại vắc xin để hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi sử dụng; triển khai các chương trình nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các bằng chứng khoa học sát thực tiễn cho công tác xây dựng chính sách và chỉ đạo, điều hành hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Kiểm dịch động vật – nòng cốt trong ngăn ngừa dịch bệnh
Hoạt động kiểm dịch động vật bảo đảm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh động vật trong nước, ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam, dịch bệnh từ Việt Nam lây lan sang các nước cũng đã được ngành Thú y đặc biệt chú trọng ngay từ khi thành lập.
Trải qua 70 năm, dù các tên gọi có thể khác nhau, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật liên tục pháp triển, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế thế giới, làm gia tăng thương mại động vật, sản phẩm động vật trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, Cục Thú y có 7 Cơ quan Thú y vùng và 3 Chi cục Kiểm dịch động vật vùng đã xây dựng được phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong kinh doanh quốc tế động vật, sản phẩm động vật.
Nguồn nhân lực được đào tạo, cập nhật kiến thức tiên tiến đáp ứng yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật sang cả những thị trường khắt khe nhất như EU, Mỹ... đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
Trước diễn biến hết sức phức tạp về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lậu qua biên giới, Cục Thú y đã tham mưu để Bộ NN-PTNT ban hành nhiều văn bản báo cáo Chính phủ và gửi các Bộ, ngành, các tỉnh liên quan tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp qua biên giới.
Việc kiểm tra, giám sát động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu được thực hiện rất chặt chẽ, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, cơ quan thú y tại cửa khẩu kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan và vi sinh vật gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm, các chỉ tiêu về mầm bệnh, tồn dư các chất độc hại.
Cục Thú y tích cực làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền nhiều nước trên thế giới nhằm tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, qua đó đã xuất khẩu được nhiều loại sản phẩm như mật ong sang Hoa Kỳ, EU; thịt lợn sữa, trứng sang các thịt trường Hong Kong, Singapore, Malaysia; gà chế biến sang Nhật Bản… Đồng thời tổ chức kiểm soát tốt các sản phẩm xuất khẩu, không để xảy ra hiện tượng hàng xuất khẩu bị trả về.
Tổ chức giám sát dịch bệnh thủy sản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm và các sản phẩm tôm sang thị trường Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Cục Thú y sẽ tiếp tục chủ động phòng bệnh, đẩy mạnh xây dựng, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để tạo điều kiện cho chăn nuôi hàng hóa phát triển, cung cấp sản phẩm động vật sạch bệnh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho động vật để phát triển sản xuất, ngành Thú y còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, các chương trình khống chế, thanh toán bệnh từ động vật lây sang người.