UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với cá nhân có liên quan đến việc ban hành văn bản đề nghị các đơn vị hỏa táng báo cáo phương án ứng phó Covid-19. Đây quả là một tấn bi hài kịch thời đại dịch toàn cầu.
Ngày 26/3, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM có văn bản "khẩn" gửi ba đơn vị là Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, Công ty Điền Phúc Thành và Công ty Long Cơ. Nội dung một văn bản ngắn để kêu gọi phối hợp hành động, nhưng lại khá lủng củng và viết sai chính tả tứ tung.
Nhạy cảm nhất là đoạn nguyên văn: “đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong”.
Trong khi cả nước đang đồng tâm hiệp lực đẩy lùi virus Corona, không ai có thể chấp nhận một văn bản như vậy của một cơ quan Nhà nước phụ trách chuyên ngành ở đô thị lớn.
Trước sự phản ứng gay gắt của cộng đồng, ngày 27/3, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM ra văn bản khác để thu hồi văn bản ban hành hôm trước. Cả hai văn bản đều do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM là bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký.
Dù văn bản của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đề cập đến công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng trong trường hợp vận hành liên tục, cũng như quy trình tiếp nhận và giải quyết cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và khu vực xung quanh. Thế nhưng, đây là kiểu văn bản gây hoang mang dư luận, mà khi soạn thảo lẫn khi ban hành phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Mặt khác, cách ứng xử của Sở Tài nguyên Môi trường hoàn toàn không ổn. Bởi lẽ, một người không thể ký văn bản nọ để thu hồi văn bản kia do chính mình ký.
Chẳng lẽ, một cơ quan Nhà nước có tầm bao quát một lĩnh vực tương đối rộng như Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, lại chỉ có duy nhất một người đủ thẩm quyền đại diện tổ chức để ký văn bản chăng? Một văn bản hành chính, luôn có tác động trực tiếp đến xã hội, chứ không phải một trò đùa cá nhân.
Ngày 30/3, 30 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện dã chiến Củ Chi - TP.HCM đã được xác nhận phục hồi và cho ra viện, càng cho thấy sự dự liệu “đặc biệt” của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM rất tẽn tò và ngược ngạo.
Không thể nào dùng lý lẽ gì hay nguyên nhân gì để bào chữa cho văn bản nhạy cảm trên. Và chuyện xử lý cá nhân sai phạm cũng không thể giơ cao đánh khẽ, hoặc giơ hờ đánh… trật.
Nhiều năm nay, thỉnh thoảng người dân lại chưng hửng vì những văn bản dị hợm từ các cơ quan chức năng. Văn bản chồng chéo văn bản hoặc văn bản phủ nhận văn bản, vô cùng đáng lo ngại.
Còn loại văn bản không đắn đo đến tâm lý đám đông trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, thì phải có biện pháp triệt tiêu tuyệt đối.