Một bức ảnh về Mẹ Theresa ở Vatican. (Nguồn: CNN)
Ngày 4/9, trong một buổi lễ trọng thể và trong điều kiện an ninh tối đa tại quảng trường Thánh Peter, Tòa thánh Vatican đã tiến hành phong thánh cho Mẹ Theresa, người được ca ngợi với những hoạt động nhân đạo trong cuộc đời của mình.
Trước 120.000 giáo dân từ nhiều nước trên thế giới cùng 13 nguyên thủ quốc gia và đại diện chính phủ, Giáo hoàng Francis đã tuyên bố phong thánh cho Mẹ Theresa, 19 năm sau khi bà mất.
Trong thông điệp đọc tại lễ phong thánh, Giáo hoàng đã gọi Mẹ Theresa là một hình mẫu đáng ca ngợi, một biểu tượng của hoạt động nhân đạo và vì người nghèo.
Ngài nói: "Người phụ nữ hoạt động không biết mệt mỏi trong lĩnh vực nhân đạo này đã giúp chúng ta hiểu được về thứ tình yêu không vụ lợi, không phân biệt ý thức hệ, ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo."
Mẹ Theresa (1910-1997) là một người gốc Albania, đã sống hầu hết đời mình ở Calcutta, Ấn Độ và tổ chức các hoạt động nhân đạo cho người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội.
Mẹ Theresa đã lập ra dòng Thừa sai bác ái, một dòng tu được Vatican thừa nhận, với hơn 4.000 nữ tu và hiện đang hoạt động ở 133 quốc gia.
Mặc dù Mẹ Theresa và dòng tu của bà đã làm được rất nhiều điều cho người nghèo nhưng vẫn có dư luận chỉ trích bà theo đường lối Công giáo cứng rắn và có quan hệ mật thiết với nhiều nhà độc tài trên thế giới.
Mẹ Theresa được ban chân phước lần đầu vào năm 2003, sau khi "phép lạ" đầu tiên của bà được công nhận.
Năm ngoái, Vatican mới thừa nhận "phép lạ" thứ hai của bà, đủ điều kiện để bà được phong thánh.