| Hotline: 0983.970.780

Về 3 'đỉnh tam giác' Chính quyền - Doanh nghiệp - Người dân

Thứ Hai 15/07/2019 , 14:04 (GMT+7)

Là một nhà nghiên cứu chính sách công, PGS.TS Phạm Quý Thọ (nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có những phân tích về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền trong bối cảnh hiện nay.

Thưa ông, đất nước trải qua một quá trình khá dài, quyền lực và lợi ích song hành tạo ra những nhóm lợi ích kéo lùi sự phát triển. Những thương vụ thâu tóm mờ ám, những cú móc ngoặc diễn ra ở nhiều nơi. Lợi ích giống như sợi dây kết nối, ràng buộc giữa chính quyền và doanh nghiệp, giữa những ông trùm và nhiều quan chức đã đối lập với lợi ích nhân dân, đối lập với lợi ích dân tộc. Ông kiến giải như thế nào về mối quan hệ giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân?

Trong công cuộc cải cách, mở cửa của Việt Nam, chúng ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bằng việc nới lỏng các chính sách kinh tế. Đó là thời điểm bắt đầu xuất hiện rất nhiều các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là sự lớn nhanh của các doanh nghiệp bất động sản.

Rất dễ để nhìn nhận, sự hình thành, xuất hiện của các doanh nghiệp bất động sản khá đa dạng. Có những doanh nghiệp xuất hiện từ tỉnh lẻ và sau đó tiến về Hà Nội trở thành đại gia. Có những doanh nghiệp kiếm tiền ở nước ngoài sau đó quay về Việt Nam đầu tư trở thành những “ông trùm”...

Người ta nói về doanh nghiệp, về lòng tham, về đạo đức, thậm chí là những từ ngữ như con buôn mà quên mất rằng, các doanh nghiệp đều đi theo một con đường, một động cơ lớn nhất là lợi nhuận. Động cơ ấy đã thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách, mọi cơ hội và tận dụng mọi kẽ hở của pháp luật, của thể chế, của bộ máy tổ chức để thu lợi nhuận - thứ tôn chỉ, mục đích tối thượng của các doanh nghiệp.

Nói không ngoa, động cơ lợi nhuận là một nguyên tắc vận hành của doanh nghiệp, của kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường. Đối với doanh nghiệp, họ đã làm thì dứt khoát phải có lợi và họ phải tìm đủ mọi cách để đạt được mục tiêu đó.

Từ động cơ lớn lao đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, đã nhìn ra hai kẽ hở có thể kiếm lợi dễ nhất. Kẽ hở về quản lý đất đai và kẽ hở của pháp luật.

Trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, giai đoạn chúng ta vẫn thường gọi là tranh tối tranh sáng, trước hết, các ông chủ doanh nghiệp sẽ tìm hiểu thật kỹ về hai kẽ hở ấy, để len lỏi vào. Vấn đề này không chỉ ở việt Nam mà Trung Quốc hay các nước trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế đều gặp phải.

Kẽ hở đất đai, miếng bánh của các doanh nghiệp ưa thích nhất chính là quyền sở hữu. Đáng ra doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân theo quy luật thị trường, tuy nhiên, luật pháp của mình quy định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân. Các doanh nghiệp nhìn ra điều đó và nhanh chóng đầu tư xây dựng những mối quan hệ với Nhà nước, với chính quyền, đặc biệt là đầu tư quan hệ với những người đại diện cho sở hữu chung về đất đai đã được phân cấp. Từ chính quyền các cấp đại diện cho Nhà nước đến đất an ninh quốc phòng, đất công, đất lúa, đất rừng... đều để xảy ra các vấn đề tiêu cực trong công tác quản lý. Họ cũng nhân danh pháp luật, thực hiện theo pháp luật nhưng lại cố tình diễn giải pháp luật một cách mờ ám khi pháp luật chưa hoàn thiện để trục lợi. 

Vì vậy, nếu xem Chính quyền – Doanh nghiệp – Người dân là 3 đỉnh tam giác thì chúng ta có đỉnh thứ nhất đầy quyền lực nhưng trong bộ máy đang có những bộ phận tham nhũng, thoái hóa biến chất. Đỉnh thứ hai đầy mưu mẹo, đầy sáng tạo cố làm giàu bằng mọi cách, kể cả chính đáng và không chính đáng. Đỉnh thứ ba là người dân, những người phải lãnh hậu quả, những nạn nhân từ sự móc ngoặc, cấu kết giữa hai đỉnh kia. Họ là người dân mất đất, người mua nhà mất quyền lợi, người sử dụng dịch vụ, sản phẩm.... 

Từ rất lâu rồi, các doanh nghiệp ở Việt Nam có lẽ đã quen với cách làm ăn theo kiểu chia chác, theo kiểu cắt phần trăm. Nó phổ biến nhất trong các dự án xây dựng, giao thông, bất động sản... Phổ biến đến mức tạo thành luật bất thành văn là mỗi dự án phải... lại quả.

Những hạch sách của chính quyền, những cuộc thương lượng của các đoàn thanh tra, kiểm toán, những câu chuyện sân sau, sân trước, phần trăm chia chác này nọ… Như một lẽ cố nhiên, doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải lobby, phải bôi trơn… Có nhận định cho rằng, với những sức ép như thế, doanh nghiệp rất... dễ chết. Ông nghĩ sao? 

Nhận định đó hoàn toàn đúng. Các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay đang hoạt động trong bối cảnh các quy định của pháp luật vừa có nhiều kẽ hở, vừa có rất nhiều cản trở. Bối cảnh nếu làm đúng thì không thể hoạt động được, buộc phải làm sai nhiều, mà sai nhiều thì đương nhiên khi bị sờ đến sẽ chết ngay. Một bối cảnh bắt buộc doanh nghiệp phải “vận dụng” để tồn tại và hoạt động. Nó tích lũy lâu dài và trở thành “làm cái gì cũng sai”, thành những đống hồ sơ rất lớn, nếu sờ đến sẽ thành đại án vì chúng ta không giám sát ngay từ đầu.

Doanh nghiệp và chính quyền móc nối với nhau, tích lũy từ dự án này sang dự án khác, năm này qua năm khác, thành luật ngầm. Điển hình như vấn đề BOT. Động lực nào thúc đẩy chúng ta bung các dự án BOT ra quá sớm, quá dày đặc, không khác gì mãi lộ khi mà cơ chế giám sát, quản lý chưa được tốt? Nếu không phải là lợi ích?

Thế cho nên, trong thể chế, môi trường này, người có chức, có quyền ít người nghèo lắm. Tất nhiên, rất nhiều trong số họ không phải làm giàu bằng sức lao động mà là bằng quyền lực. Nếu lợi nhuận là động cơ của doanh nghiệp thì lợi ích là mục tiêu của nhiều người có quyền, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của mình.

Nhân nói đến nhiệm kỳ, có vẻ như các doanh nghiệp ở ta cũng phải chạy theo để thích nghi văn hóa nhiệm kỳ? Nhìn dưới góc độ kinh tế, xã hội thì văn hóa nhiệm kỳ trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

Từ Đại hội XI, tư duy nhiệm kỳ đã được đặt ra và phân tích những tồn tại, biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ hết sức nhức nhối. Cái tư duy kiểu trong nhiệm kỳ của mình tôi phải “cố gắng” để làm sao có được lợi ích lớn nhất đã ăn sâu vào não bộ của nhiều người có chức, có quyền. Mục tiêu ấy khiến ở một cơ quan quyền lực như Thanh tra Chính phủ cũng xảy ra câu chuyện hoàng hôn nhiệm kỳ của một số người đã làm làm nốt những vụ bổ nhiệm hàng loạt trước khi hết quyền lực, bởi họ nghĩ, làm xong hạ cánh an toàn là vừa.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp, những người rất nhanh nhạy đã hiểu rõ và có những vai trò, đóng góp trong tư duy nhiệm kỳ. Họ phải biết nhiệm kỳ này ai lên để thiết lập các mối quan hệ để “chờ khi tôi chắc ghế chúng ta sẽ làm việc”. 

Trong thể chế ấy, môi trường ấy, các doanh nghiệp không được phép mệt mỏi. Họ phải chạy theo thể chế để bám lấy, như con đỉa bám vào con trâu, con hà bám vào vỏ tàu. Bởi vì bản chất doanh nghiệp phải làm ăn. Họ là những người bỏ vốn ra buộc phải tồn tại và kiếm lời. Chính vì vậy không thể vì sự thay đổi của các nhiệm kỳ mà dừng lại. Phải xuyên suốt từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này và lo đặt quan hệ cho những nhiệm kỳ tiếp sau. Xác định vấn đề thể chế quan trọng đối với sự sống còn nên doanh nghiệp buộc phải theo đuổi động cơ lợi ích, một nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường, vừa đảm bảo sự tồn tại, vừa đảm bảo điều kiện gìn giữ mối quan hệ với quyền lực, nuôi dưỡng, chăm sóc quyền lực.

Lợi ích là thứ khiến người ta cạnh tranh nhau, đua nhau cực kỳ khốc liệt. Người ta sẵn sàng dùng các chiêu thức để dìm đối thủ cạnh tranh vị trí. Vị trí càng béo bở việc cạnh tranh càng khốc liệt. Hay nói toạc ra là nạn chạy quyền chạy chức. Và trong cuộc chạy đua ấy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư tiền bạc vào những chiếc ghế, để rồi khi đạt được mục đích, những người có chức, có quyền ghi nhận bằng cách lại quả các dự án.

Trong các cuộc hội thảo về tham nhũng, chúng ta đã phân tích tư duy nhiệm kỳ và tác hại rất lớn của nó là con người. Chính tư duy nhiệm kỳ đã làm nhiều người trong hàng ngũ cán bộ bị thoái hóa và niềm tin của người dân bị đánh mất.

Và mối quan hệ ấy là cơ sở để hình thành những nhóm lợi ích?

Thực ra tất cả những gì chúng ta có, từ quy định của pháp luật, tổ chức bộ máy và con người, trong thể chế này đã tạo ra những khe hở để các doanh nghiệp lợi dụng.

Lợi ích nhóm là khi quyền lực và kinh tế móc ngoặc với nhau để kiếm lời trong các dự án đầu tư, trong đấu thầu, trong những sự mặc cả. Lợi ích nhóm hình thành từ những quan hệ được xây dựng theo công thức: Doanh nghiệp có tiền cộng với cán bộ, công chức có quyền để cùng nhau lợi dụng kẽ hở của pháp luật, hoặc diễn giải sai về pháp luật để làm giàu và chia chác nhau phần lợi nhuận. Nó hết sức phức tạp, biến tướng, luồn lách, linh hoạt đến mức độ không thể nhìn thấy hình ảnh nó ở đâu cả.


Ông nghĩ gì về kết cục của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền?

Thực ra, với cơ chế xin cho, cơ chế chạy ở ta như lâu nay thì thường chỉ có doanh nghiệp gánh chịu rủi ro mỗi khi có chuyện.

Chính quyền nắm trong tay quyền lực, nhiều nơi có cả một bộ máy am hiểu luật pháp và rất nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Nhiều người nắm giữ quyền lực có thể hứa bằng lời nói nhưng sau đó nếu có chuyện, nếu sự mờ ám bị phát hiện, nếu tiêu cực bị phanh phui thì họ đã chuẩn bị sẵn các phương án đẩy gánh nặng hậu quả sang doanh nghiệp chịu.

Tiêu cực luôn xuất phát từ hai phía. Nhưng trong cơ chế xin cho thì quyền lợi và thế mạnh bao giờ cũng nằm trong tay người cho, trong tay người nắm giữ quyền lực. Trong môi trường đó, có những người nắm giữ quyền lực hứa, nhận tiền nhưng không giúp được gì doanh nghiệp. Thế nên mới có những doanh nghiệp uất ức đến mức muốn tự tử nhưng cũng đành phải chịu. Bằng chứng đâu? Trong một thể chế nhiều kẽ hở như chúng ta thì các doanh nghiệp từ lớn đến bé đều bị quyền lực chèn ép.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, số những người vốn đại diện quyền lực các cơ quan phải gánh chịu hậu quả trong những vụ tiêu cực đang cho thấy những tín hiệu tích cực về việc giám sát quyền lực.

Thực tế chỉ ra rằng, trong mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp, có những vấn đề vượt ra khỏi luật pháp. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, người đứng đầu chính quyền Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phải thốt lên “chủ đầu tư rất cùn” khi nói về sai phạm của một doanh nghiệp. Cùng với đó là những vấn đề nhức nhối ở các doanh nghiệp khác, diễn ra trong nhiều năm trời, lên đến tận Chính phủ nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì sao vậy, thưa ông?

Quy luật then chốt của kinh tế thị trường là tự do kinh doanh. Nhưng tự do kinh doanh trong thể chế mình thường tạo điều kiện thuận lợi, tạo ưu thế cho sự hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Đó là nhờ vào các mối quan hệ.

Khi bé thì anh phải quan hệ với cấp phường, khi vừa vừa phải quan hệ với cấp quận, lớn lên quan hệ với thành phố, với trung ương. Các doanh nghiệp lớn bắt buộc phải quan hệ rộng vì liên quan đến rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, liên quan đến các dự án lớn.

Thậm chí trong giới kinh doanh vẫn có những luật bất thành văn là một số tập đoàn kinh tế lớn không ai dám động vào, kể cả báo chí. Đấy là lợi thế của họ, những lợi thế có được từ các mối quan hệ tầm cao.

Qua nhiều sự kiện có thể thấy, những mối quan hệ tầm cao ấy thể hiện sự khuyến khích quá đáng. Chúng ta có những quan chức đến thăm doanh nghiệp như một hình thức PR. Điều này hoàn toàn không nên bởi nó trái quy luật thị trường. Chúng ta cởi trói tự do kinh doanh nhưng lại để xẩy ra tình trạng, với ưu thế của mình, các doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp nhỏ và biểu hiện của nguy cơ thoái hóa bộ máy.

Điều thứ hai, khi thể chế có những biểu hiện lỗi, gọi là lỗi hệ thống thì nhiều cán bộ, công chức được giao những vị trí trong bộ máy sẵn sàng thoái hóa biến chất, sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng bị mua chuộc.

Những mối quan hệ chằng chịt như thế được thực hiện trong sự kín đáo. Trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết thôi. Và chính sự kín đáo và mưu mô của các mối quan hệ đã khiến những sự việc lùm xùm kéo dài, rất khó giải quyết. Bởi có nhiều vụ việc mà những sai phạm của nó có thể ở một giai đoạn nào đấy người ta đã bỏ qua. Do nhiều nguyên nhân, nếu phân tích thì rất nhạy cảm. Có thể là do nhận hối lộ, đút lót, bôi trơn, cũng có thể là những sự chỉ đạo, can thiệp, chống lưng từ các mối quan hệ nên mới bỏ qua. Đến khi có thời cơ, thế lực chống lưng yếu đi, nhiệm kỳ khác thay thế, mối quan hệ không còn được vững vàng người ta mới lật lại. Tất nhiên, những vấn đề này chúng ta phải theo dõi và chờ kết luận lý do thực sự chính đáng.


Trở lại mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều hơn những vụ việc doanh nghiệp kiện chính quyền ra tòa, một hiện tượng rất văn minh và cực kỳ phổ biến ở các nước phát triển, còn ở ta, ông phân tích thế nào? Tích cực, hay chỉ đơn thuần là lá đơn kiện?

Như tôi đã nói, con đường phát triển chung của doanh nghiệp, đầu tiên là sự sợ sệt quyền lực. Họ phải dò dẫm từng bước để làm ăn. Nếu sơ sẩy ông có thể bị “đập” bất cứ lúc nào. Thế nên, kể cả những khi gặp cản trở, tiêu cực, vi phạm của chính quyền cũng phải cắn răng mà chịu. Nhưng sau dần họ có quan hệ, họ nhận thấy vai trò của mình đối với tăng trưởng kinh tế như tạo thêm của cải, công ăn việc làm... Họ nhận được những cam kết bảo vệ và không thể chấp nhận với những hành vi của chính quyền mà họ cho là vi phạm nữa.

Kinh tế thị trường kiểu gì cũng đẩy đến vấn đề kiện cáo. Chuyển dịch càng nhanh, càng mạnh thì kiện cáo sẽ nhiều hơn. Ở đâu có thị trường lớn mạnh thì ở đó có kiện cáo. Chúng ta nhận thấy, các vụ kiện bắt đầu từ những doanh nghiệp nước ngoài, sau đến TP.HCM, Long An, Đà Nẵng...

Đây là một tín hiệu tích cực, không hẳn là câu chuyện cực chẳng đã. Kiện cáo là kiểu phản biện mạnh mẽ, giúp môi trường kinh doanh được minh bạch hơn, giúp cho xã hội văn minh hơn. Từ đó giúp cho các lỗ hổng phải được bịt lại. Lỗ hổng về luật pháp, lỗ hổng về con người, lỗ hổng về môi trường...

Đây là vấn đề mới khi chúng ta biết, họ nhận thức về luật pháp đầy đủ hơn. Nhận thức về xu thế cải cách lớn hơn, vấn đề kiện cáo sẽ càng nhiều nếu chúng ta không hoàn thiện nhanh hệ thống luật pháp và công tác cán bộ.

Chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ, đất nước đang tích cực mở cửa, nhưng nếu không có những cải cách kịp thời, không theo kịp đòi hỏi của nền kinh tế thị trường thì kết quả sẽ khó đạt được như mong đợi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Phạm Quý Thọ (phải) đối thoại cùng nhà báo Hoàng Anh 

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng vai trò kiến tạo; tạo điều kiện kinh doanh minh bạch, thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, chuyển doanh nghiệp từ “đối tượng quản lý” và “đối tượng bị quản lý”, sang mối quan hệ “đối tác” nhằm thu hút đầu tư, nhưng ở một số địa phương, ngay cả những địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI thì doanh nghiệp kêu trời vì bị làm khó, thậm chí là kiện ra tòa, theo ông đất nước cần làm gì để xây dựng môi trường kinh doanh thực sự minh bạch?

Thể chế kinh tế cần phải thay đổi, nếu không môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ vẫn rơi vào tình trạng trên bảo dưới không nghe. Và nếu chúng ta chỉ cưa phần ngọn thì sẽ có tình trạng đâm chồi khủng khiếp hơn và hình thành những nấm độc ghê gớm hơn nữa.

Bởi thực tế hiện nay chúng ta chưa nhận thức đầy đủ sự vận hành của nền kinh tế chuyển đổi. Nguyên nhân sâu xa của những lùm xùm, quan hệ và mâu thuẫn kéo dài của 3 đỉnh tam giác đều do quyền lực thoái hóa gây nên. Phải tìm cách giám sát quyền lực một cách hữu hiệu nhất thì thể chế mới dần dần đi vào quỹ đạo được.

Thực tế đã bộc lộ lỗi của thể chế và cần những giải pháp quyết liệt, đột phá để cải cách hòng đáp ứng, bắt kịp yêu cầu của kinh tế thị trường. Bởi vì nếu chúng ta chuyển đổi sang kinh tế thị trường mà vẫn giữ những “nếp cũ” thì rất khó để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới.

Để hoàn thiện, luật pháp không có cách nào khác ngoài việc phát huy quyền làm chủ người dân, đẩy mạnh dân chủ, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Phải làm sao để mọi chính sách hướng đến người dân.

----------------

Báo Nông nghiệp Việt Nam giữ bản quyền bài phỏng vấn, đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức.

Ảnh: Minh Phúc

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.