| Hotline: 0983.970.780

Về Mỹ Đức xem dân làm giàu nhờ trồng 'cây mì chính'

Thứ Sáu 21/07/2023 , 08:26 (GMT+7)

HÀ NỘI Giữa cơn nắng hạ mà được ăn một bát canh 'cây mì chính' nấu suông đúng kiểu chùa Hương thì lòng bỗng nhiên cảm thấy mát lạ.

Hạ sơn đưa "cây mì chính" về vườn

Một trưa hè, tôi trốn sự ngột ngạt của phố phường, của hàng triệu khối bê tông, cục nóng điều hòa đang phả ra hầm hập để dầm mình vào màu xanh mướt của những vườn "cây mì chính" trải dài theo dọc thung, khe ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Đón bát canh rau nấu suông đúng kiểu chùa Hương từ chị Hồ Thị Loan - vợ anh Lê Văn Kít (chủ vườn), tôi gắp mấy cái lá chầm chậm nhai để cảm nhận vị bùi thơm rồi mới húp cạn nước để thấy vị ngọt hậu của một loại mì chính tự nhiên của nó. Mọi mỏi mệt suốt chặng đường dài dường như tan biến.

“Cây mì chính” là tên thường gọi ở một số vùng của cây rau sắng bởi vị ngọt hấp dẫn của nó. Trong thung Chùa dưới quả đồi Hun ở xã Hương Sơn có chừng 20 hộ dân nhiều đời sinh sống. Năm 1998, khi bố mẹ về lại trong làng mới, đã giao cho vợ chồng anh Lê Văn Kít tiếp quản mảnh vườn này. Hồi đó vườn toàn là mơ. Những cây mơ còn lớn tuổi hơn người, tán tỏa rộng hàng trăm m2 nhưng đến cả chục năm không đậu quả nên đã bị chặt bỏ. Thay thế chúng lúc đầu là na, là vải nhưng vải không hợp, còn na thì khá hợp nhưng chóng bị cỗi, phải thay thế khiến cho vợ chồng anh không khỏi đau đầu tìm kiếm một loại cây mới.

Anh Lê Văn Kít bên những cây rau sắng trồng ở ven các hốc đá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lê Văn Kít bên những cây rau sắng trồng ở ven các hốc đá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở xóm lúc đó có ông Trịnh Văn Tiết, 30 năm trước đã có ý thức bảo vệ những cây rau sắng cổ thụ, gốc to cả người ôm ở trên rừng bằng cách phát quang xung quanh, ôm những bó lá cây mục ủ vào gốc. Đến mùa tháng 10, tháng 11, ông trèo lên tuốt lá già để tháng 2, tháng 3 trèo lên thu hái lá non bán, mỗi đợt cách nhau khoảng 15 - 20 ngày. Có cây được tới cả gánh lá non, bán được 1 triệu đồng, tương đương 2 chỉ vàng. Mà ông “xí phần” được hàng trăm cây to nhỏ trên rừng như thế.

Nhưng “ăn được của rừng rưng rưng nước mắt”, cũng lắm nỗi vất vả, gian nan khi phải trèo lên cây cao, dễ ngã mất mạng. Bởi thế, hơn 20 năm trước, ông Tiết đã thử đánh những cây rau sắng non từ trên núi, hạ sơn về vườn nhà trồng, tuy nhiên tỷ lệ sống không cao.

Thế rồi ông thử thu hái quả chín về để nhân giống. Lúc đầu ông cứ thế mà trồng và quả chỉ nở cỡ 10%, trong khi nhặt những quả chín do chuột, chim, sóc ăn dở về ươm thì lại nở 100%.

Đầu ông bỗng thấy lóe lên một ý tưởng và thử nghiệm ngay bằng cách ngâm quả cho nát hết vỏ thịt ở bên ngoài đi, giống như những quả do chuột, chim, sóc ăn trên rừng rồi trồng thì nẩy mầm 100%. Thành công trong nhân giống giúp cho ông không chỉ phủ kín được vài ha rau sắng tại vườn nhà mà còn cung cấp giống ra cho bà con ở xóm. Vì tính mới lạ nên vườn rau sắng còn hấp dẫn ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tây cũ hồi đó về thăm.

Cán bộ khuyến nông huyện Mỹ Đức đang trò chuyện cùng chủ vườn Lê Văn Kít. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cán bộ khuyến nông huyện Mỹ Đức đang trò chuyện cùng chủ vườn Lê Văn Kít. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trở lại vườn na già cỗi của vợ chồng anh Lê Văn Kít, thấy rau sắng đang có giá 700.000đ/kg nên năm 2008, ông đã vay lãi tháng để mua 150kg hạt về lúi húi đóng bầu trong 20 ngày mới xong. Khi cây được 1 năm tuổi họ mới đem ra vườn trồng.

Ngồi nghỉ ngơi lúc chăn dê trên rừng anh Kít quan sát thấy cây rau sắng sống nhờ dưới tán cây khác lớn hơn, ăn chất mùn của rêu đá, lá cây. Có những cây rau sắng mọc trên hòn đá chon von trên cao nhưng rễ bò xuống đất cách đó tới 5 - 7m như rễ đa. Thân cây cao bao nhiêu thì rễ cây ra dài gấp thế 3 - 4 lần.

Về vườn, anh liền mô phỏng điều kiện tự nhiên ấy khi trồng 200 cây rau sắng đầu tiên xuống khe đá, cạnh các cây lớn hơn, chúng đều sống hết và phát triển xanh tốt. Thấy thế, anh lại trồng dưới thấp hơn, nơi chỉ có toàn đất bằng biện pháp "3 trong 1", tức trồng 1 cây rau sắng, 1 cây sắn, 1 cây dứa cùng chỗ. Sắn lá mỏng, dứa lá dày giúp che cho cây rau sắng còn non nớt, vả lại còn lấy ngắn nuôi dài, trong khi chờ đợi 5 năm mới được thu thì thu rau sắn bán muối chua, dứa bán quả.

"Rau sắng không bị cỗi như na, chúng tôi xác định ăn vừa, không ăn quá của tự nhiên nên mỗi năm chỉ hái 2 - 3 lứa thì cây khỏe, đỡ phải chăm sóc. Nói thật rau sắng ở trên rừng ăn vẫn ngon hơn, rau mình trồng chỉ được cỡ 6/10 điểm so với rau rừng mà thôi, nhưng bởi chủ động được việc thu hái nên hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 10 chúng tôi tuốt lá sắng già như người ta tuốt lá đào, chỉ để lại 1 lá cho ra mầm, tầm tháng 2 - 3 năm sau thì hái lá. Trung bình mỗi gốc to bằng bắp chân thì cuối vụ thu được 2 - 3kg lá. Trong 10 năm rau sắng được giá, chúng tôi thu lãi mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Ba năm nay do nhiều nhà trồng, giá rau hạ xuống, mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng", anh Kít cho biết.

Quả rau sắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quả rau sắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Len lỏi giữa khu vườn rau đã quá lứa hái của anh Kít, tôi thấy thấp thoáng những chùm quả nhỏ, vàng ươm, tiện tay liền hái bỏ vào mồm. Vị của nó ngọt nhẹ, ăn khá thích nhưng cùi mỏng quá. Anh Kít cười, chúng chủ yếu dùng để ươm chứ không phải để ăn. Quả sau khi được ngâm cho nát phần cùi, đãi sạch lấy hạt, ngâm cho nứt nanh, thò đuôi chuột ra thì ươm trồng.

Rau sắng có nhiều kiểu nấu ăn khác nhau nhưng nấu suông đúng chất dân chùa Hương, nghĩa là chỉ vò sơ qua rồi cho chút muối hạt, ăn với cà muối thì mới tôn được vị ngọt khác biệt của nó, khiến cho người thưởng thức nhớ mãi.

Xây nhà tiền tỷ từ cây rau sắng

Cách đây hơn 20 năm, khi thấy ông hàng xóm lúi húi ươm bầu một loạt cây giống, anh Hồ Văn Oai ở xã Hương Sơn mới hỏi trồng cây gì thì người đó trả lời rằng: “Tôi đang ươm hạt vải”. Nhưng một năm sau, đám “hạt vải” ấy mọc lên cây con thì mới lộ ra đó là cây rau sắng. Thì ra người hàng xóm sợ mất nghề đã bí mật ươm chúng. Để rồi năm sau, anh Oai mới bắt đầu ươm trồng 1ha rau sắng từ việc thu hạt trên núi, đồng thời mua thêm những hạt của người khác.

Lúc đầu trồng, do không có kinh nghiệm nên anh bỏ thẳng phân vào gốc khiến chúng bị chết, về sau mới biết rằng phải bón phân xa ra. Khu vườn của anh giờ cây to đã hơn 20 năm tuổi, cây tơ 6 - 7 năm tuổi. Cây rau sắng 5 năm tuổi mới cho thu bói, từ 7 - 8 năm tuổi trở lên mới cho thu chính. Mùa xuân, đầu vụ bán được 500.000 - 600.000đ/kg, giữa vụ bán được 250.000 - 300.000đ/kg, còn rồng rồng tức nụ hoa bao giờ cũng đắt hơn rau chừng 50 - 100.000đ/kg. Mà chẳng phải đem đi đâu xa, mang ra chính chùa Hương gần đó là dễ dàng tiêu thụ được. Đó là thứ rau siêu sạch bởi không hề chăm bón gì ngoài phân hữu cơ cả.

Anh Hồ Văn Oai bên gốc rau sắng hơn 20 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hồ Văn Oai bên gốc rau sắng hơn 20 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau sắng trồng xen với cây mít, chỗ nào trong bóng râm thì tốt tươi, xanh đen, còn chỗ nào trồng riêng mình nó thì héo hon, vàng vọt. “Đầu năm nay đúng vụ lại thiếu mưa, giờ có mưa thì đã hết mùa nên thất thu lớn. Như mọi năm nhà tôi thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi nhưng năm nay chỉ 70 - 80 triệu”, anh Oai thông tin.

Nhờ có rau sắng mà nhiều hộ dân ở đây xây được nhà. Gia đình anh Oai cũng vậy, sau 10 năm thu hoạch rau sắng đã xây được căn nhà tiền tỉ trong làng. 4 lần vợ anh mổ, chẳng có bảo hiểm gì, tốn kém vài trăm triệu, sống được cũng là nhờ vào tiền bán rau sắng.

Không chỉ ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) là có rau sắng mà nhiều nơi cũng thấy phân bố như ở tỉnh Hòa Bình, nhưng chúng không ngọt, ngon bằng, chắc là do không có được thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù như chùa Hương.

Hiện xã Hương Sơn có 50 hộ trồng rau sắng với tổng diện tích khoảng 50ha, trong đó lớn nhất phải kể đến nhà ông Tiết có 5ha (3ha trên núi, 2ha trong vườn). Điều đặc biệt là bây giờ ông và con cháu không còn tuốt lá như các hộ khác nữa nên sản lượng không nhiều, nhưng đến vụ lá non ra đều là những tinh túy của đất trời dồn lại. Chúng thơm, ngon chẳng kém gì rau sắng mọc tự nhiên trên rừng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Bí quyết để TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 90%

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM vẫn chưa xuất hiện một ổ bệnh dại nào nhờ tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo luôn ở mức rất cao trong những năm qua.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm