| Hotline: 0983.970.780

Về nơi nông nghiệp đô thị đạt thu nhập bình quân 425 triệu đồng/ha

Thứ Hai 15/05/2023 , 09:09 (GMT+7)

Giữa bối cảnh đất bị thu hẹp, các ngành nghề khác thu hút nhiều lao động thì huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã chuyển nông nghiệp sang hướng sinh thái, đô thị.

Ít đất nên cần phải tư duy nhiều

Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội chỉ còn hơn 5.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm trong đó lúa 1.000 ha, rau màu các loại 1.500 ha, hoa 1.700 ha... Diện tích cấy lúa năm nay giảm 322 ha so với năm 2020 do các xã thực hiện chuyển đổi sang trồng rau, cây màu và cây ăn quả, nâng tổng số diện tích chuyển đổi toàn huyện đạt 1.600 ha. Khi quỹ đất hạn chế, muốn tăng hiệu quả kinh tế không gì khác sản xuất nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.

Đan Phượng đã tổ chức đấu giá được 86 ha đất công ích, đất bãi sông Hồng để thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hàng loạt mô hình như hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, rau hữu cơ của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Rau hữu cơ Công nghệ cao Cuối Quý, nấm hữu cơ của HTX Nấm Nghĩa Minh, nho hạ đen kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm của xã Đan Phượng, Phương Đình, nuôi tôm thẻ chân trắng...

Mô hình trồng rau của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Rau hữu cơ Công nghệ cao Cuối Quý. Ảnh: NNVN.

Mô hình trồng rau của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Rau hữu cơ Công nghệ cao Cuối Quý. Ảnh: NNVN.

Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của huyện được 140 ha. Sản phẩm bưởi tôm vàng được triển khai lắp đặt camera giám sát và xây dựng câu chuyện sản phẩm tích hợp trên tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể tìm hiểu một cách dễ dàng. Huyện cũng đã xây dựng được 8 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản (nấm, hoa, rau giá Trung Châu, bưởi tôm vàng Đan Phượng, thịt lợn an toàn Trung Châu, sản phẩm chăn nuôi Phương Đình, đậu phụ xã Hồng Hà, đậu phụ xã Hạ Mỗ).

Không còn là những nông hộ sản xuất rời rạc, tự phát, mạnh ai nấy làm như trước nữa trên địa bàn huyện đã hình thành 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong đó 4 chuỗi liên kết trồng trọt được thực hiện chủ yếu bởi các HTX chuyên ngành nấm, rau, hoa, 3 chuỗi chăn nuôi được liên kết bởi các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ, chế biến. Sản phẩm của các mô hình liên kết tiêu thụ qua kênh các siêu thị, trường học, chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài thành phố.

Nhờ đó mà giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 372 triệu đồng/ha năm 2020 lên 425 triệu đồng/ha năm 2022. Có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 1 tỉ đồng/ha. 97 sản phẩm của huyện được đánh giá phân hạng OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Làng, xã thông minh kết hợp với du lịch nông nghiệp

Trong việc duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, thời gian tới địa phương sẽ phải tập trung vào một số đầu việc: Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, xúc tiến nâng cao chất lượng 2 điểm đến du lịch khu sinh thái DIA và xã Hạ Mỗ. Đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa du lịch cho cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn, phấn đấu đưa xã Hạ Mỗ đạt kiểu mẫu về du lịch. Xây dựng mô hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp và các sản phẩm làng nghề truyền thống như kẹo lạc, rượu, đậu phụ...

Thụ phấn bổ sung cho bưởi. Ảnh: NNVN.

Thụ phấn bổ sung cho bưởi. Ảnh: NNVN.

Lựa chọn ít nhất 1 xã xây dựng mô hình xã thông minh, mỗi xã 1 thôn thông minh theo tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 100% các thôn, cụm dân cư có tổ công nghệ số cộng đồng và phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng chuyển đổi số.

Đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số trong sử dụng các dịch vụ xã hội như y tế, điện nước, giáo dục... Số hóa các dữ liệu di tích, điểm du lịch, văn hóa phi vật thể ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh của đất và người Đan Phượng. 

Bên cạnh sự năng động của người dân, huyện Đan Phượng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản các xã, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất VietGap như mô hình cây ăn quả VietGap tại xã Thượng Mỗ, Trung Châu, Tân Lập, Đồng Tháp, Phương Đình, Liên Hà với tổng diện tích 60,9 ha; mô hình chăn nuôi lợn VietGap tại xã Phương Đình, Trung Châu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.