“Ông trẻ” Phan Thanh Tùng, Trưởng thôn Xuân Lai (xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), đạp xe chầm chậm đưa chúng tôi đi qua mấy con đường làng đổ bê tông rộng , phẳng và sạch sẽ. Dừng xe, đứng lại sát dãy hoa và tường cây bên đường, “ông trẻ” Tùng nói: “Sau những buổi đi làm đồng mệt nhọc về, cuối chiều muộn, bà con trong thôn thư giãn thoải mái ngay trên những tuyến đường mà mình đã làm nên của một vùng quê đáng sống”.
Làng quê thành nơi du lịch…
Sở dĩ bà con hay gọi thân mật, nể trọng với anh Phan Thanh Tùng bằng cái danh “ông trẻ” vì không ai gọi trưởng thôn bằng anh hay chú cả mà rặt chỉ gọi là “ông trưởng thôn’ mà thôi. Trong khi đó, anh Phan Thanh Tùng được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn từ năm 2015, khi mới 37 tuổi.
Thôn Xuân Lai (xã Mai Thủy) là một làng quê vùng giữa của huyện Lệ Thủy. Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và đạt chuẩn các tiêu chí vào năm 2021.
Anh Phan Thanh Tùng, Trưởng thôn Xuân Lai cho biết, năm 2018, thôn được UBND huyện Lệ Thủy chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Để sớm hoàn thành các tiêu chí, thôn Xuân Lai đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, rà soát và đánh giá tổng thể để xem xét, cân nhắc các bước trong quá trình thực hiện.
Dù trẻ, nhưng anh Tùng luôn có những bước đi trong lộ trình hình thành khu dân cư kiểu mẫu rất bài bản. “Muốn làm được thì phải học hỏi. Học ở những nơi người ta cũng có khó khăn như quê mình mà họ đã làm được”- anh Tùng nói. Nghĩ sao làm vậy, trưởng thôn vận động xin con em kinh phí rồi mời các cụ cao niên và các họ tộc… lên đường đi tham quan. Sau tham quan là đến “hội nghị Diên Hồng”, để các cụ, các họ tộc hiến kế sách thực hiện. Trưởng thôn Tùng cho hay, việc xây dựng thôn kiểu mẫu được thực hiện theo quy trình 8 bước. Trong đó, xác định tiêu chí nào dễ thực hiện trước, phần việc nào thuộc về hộ gia đình thì gia đình đảm nhiệm, phần việc nào thuộc tập thể thì phát động toàn dân và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng.
Hay tin quê nhà đang đi đến làng quê kiểu mẫu, con em của thôn quan tâm gọi điện về hiến kế, ủng hộ nhiệt tình. Việc xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa tâm linh, nhà làm việc cộng đồng, sân bóng đá, bóng chuyền, sân nhà văn hóa, xây dựng công viên đá, kè bờ sông Kiến Giang và các công trình phúc lợi khác đã được công khai cho bà con và con em xa quê biết để cùng “chung lưng đấu cật” vào làm. “Nguồn kinh phí mà bà con và con em ủng hộ thôn xây dựng các hạng mục nói trên cũng được hơn 3 tỷ đồng”- trưởng thôn Tùng tự hào nói. Ngoài ra, các tuyến đường trong khu dân cư đều bê tông hóa, trồng cây xanh bóng mát theo quy hoạch. Hàng rào xanh, đường hoa luôn được chăm sóc, được cắt tỉa với tổng chiều dài hơn 1.500m cũng từ bàn tay người dân của thôn Xuân Lai làm nên.
Không chỉ làm đẹp để cho người dân hưởng thụ thành quả mà chính họ đã góp sức làm nên, thôn Xuân Lai còn đón nhiều khách đến tham quan, học hỏi về cách làm, về vận động sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân. “Chúng tôi cũng đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến với “vùng quê đáng sống” nơi đây. Đó cũng là điều vinh dự, tự hào của chúng tôi để giữ gìn và phát triển ngày một đi lên”- Trưởng thôn Phan Thanh Tùng bộc bạch nói.
Tư duy “có thực mới vực được đạo”
Trò chuyện với ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy mới thấy trong tư duy “có thực mới vực được đạo” như ông bà thường dạy được vận dụng thật sát với tình hình thực tế ở địa phương. Lãnh đạo xã Mai Thủy đã nhìn nhận mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đời sống người dân trên cơ sở nâng cao thu nhập. “Nông thôn mới nâng cao không chỉ có hạ tầng cơ sở, công trình dân sinh được xây dựng mới mà chính là sự phát triển về năng lực, trình độ của bà con nông dân, là khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập”- ông Hà cho hay.
Để tạo nên thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, xã Mai Thủy chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Để tạo đà, xã đã quy hoạch, mở rộng cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa với diện tích 150ha, trong đó tham gia chuỗi liên kết giá trị sản xuất hơn 30ha. Qua đó, từng bước đưa cơ giới hóa vào trên đồng ruộng để giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập trên một diện tích.
Ngoài 5 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp góp phần thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa thì Mai Thủy cón có 2 hợp tác xã chế biến tinh bột hoạt động hiệu quả. Đay cũng là hướng đi mới trong sản xuất nhằm khai thác tiềm năng đất đai và sức lao động của người dân trên địa bàn.
Theo bà Dương Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ Hiền Thuấn, đến nay, đã có 8 nhóm sản phẩm tinh bột, chế biến từ nông sản phục vụ cho chăm lo sức khỏe con người. Trong đó, các loại sản phẩm từ cây trồng như tinh bột nghệ, sắn dây, dong riềng, tinh bột gừng… đã đưa ra thị trường và được đánh giá cao. “Hợp tác xã chúng tôi đã chú trọng chất lượng, mẫu mã và truy xuất nguồn gốc nên đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Doanh thu mỗi năm của hợp tác xã khoảng 2 tỷ đồng”- bà Hiền chia sẻ. Trong đó, 2 HTX chế biến tinh bột thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị về trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, xã Mai Thủy có 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Những năm gần đây, Mai Thủy khuyến khích, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn mẫu để có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình ông Hoàng Đại Vương (thôn Xuân Lai), có diện tích vườn rộng hơn 2 sào (hơn 1.000 m2), trồng các loại cây khác nhau nhưng hiệu quả thấp. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong xây dựng vườn mẫu, gia đình ông đã cải tạo vườn tạp để trồng cam, bưởi và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. “Sau khi cải tạo vườn tạp, gia đình đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ, kinh tế gia đình ngày càng vững vàng”, ông Vương vui vẻ cho hay.
Cũng như gia đình ông Vương, đã có hàng chục gia đình khác trong xã thực hiện cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Cùng với chương trình cải tạo vườn, tăng thu nhập từ cây trồng, xã Mai Thủy còn khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện tốt cho con em địa phương đi lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Mai Thủy không ngừng được nâng lên.
“Trong 8 thôn của xã đã có 2 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 2 thôn đạt chuẩn này. Trong năm 2023, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 57,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,02%”, ông Phan Thanh Hà cho hay.