Anh Nam và tổ công tác tuần tra rừng xã Đồn Đạc. |
Từ chính những thấu hiểu tập quán của người dân, anh Nam luôn phát huy tốt việc tuyên truyền pháp luật tới bà con trên địa bàn mình phụ trách.
Trước đây, tình trạng đốt nương làm rẫy rất phổ biến trong đồng bào dân tộc Dao ở Ba Chẽ (Quảng Ninh). Vì thế, rừng bị tàn phá nặng nề. Có nơi không còn rừng, chỉ có đất trống đồi núi trọc.
Dù chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước như bây giờ, anh Nguyễn Văn Nam, Trạm trưởng Kiểm lâm xã Đồn Đạc, vẫn luôn vận động bà con không chặt cây gỗ lớn, sử dụng diện tích đất trống, đồi trọc trồng thêm keo để duy trì kế sinh nhai. Mặc dù chưa phải là phương án khả thi, song cây keo đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, diện tích đất rừng nhận khoán của các hộ gia đình đã được phủ xanh bằng nhiều cây gỗ lớn.
Ông Phù Tắc Thành, thôn Nước Đừng, xã Đồn Đạc cho biết: Trước nay bà con đa phần sử dụng diện tích rừng làm nương rẫy, chỗ nào đất cằn, trống coi như bỏ hoang, cứ thế rừng ngày càng thưa thớt. Từ khi các cán bộ kiểm lâm vận động trồng rừng, cải tạo rừng bằng cách trồng keo, vừa giữ được đất chống xói mòn, vừa có thêm tiền từ phụ phẩm. Mấy năm gần đây, chúng tôi trồng thêm cây trà hoa vàng cho thu nhập cao, bà con ai nấy đều phấn khởi.
Mỗi năm, trên địa bàn do anh Nam phụ trách luôn có vài trăm ha rừng được trồng mới. Mô hình trồng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần lan tỏa cuộc sống ấm no. Người dân xã Đồn Đạc đã hiểu rõ hơn lợi ích của việc giữ rừng và bảo vệ rừng, bởi đây chính là bảo toàn môi trường sống, hạn chế thiên tai, xói mòn, lũ quét.
Không nói nhiều về mình, anh Nam chia sẻ: Được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, chúng tôi luôn yên tâm, thực hiện tốt công tác về bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Hơn nữa, anh em cán bộ trong Hạt Kiểm lâm huyện Ba Chẽ luôn chỉ đạo sát sao công tác trồng, phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, không phải việc bảo vệ, phát triển rừng ở Ba Chẽ đều diễn ra thuận lợi. Hiện nay trên địa bàn quản lý của lực lượng kiểm lâm huyện vẫn còn rất nhiều khó khăn. “Toàn huyện có hơn 56.622ha đất lâm nghiệp (trong đó, rừng sản xuất chiếm hơn 49.599ha, còn lại hơn 7.000ha là rừng phòng hộ) song Hạt Kiểm lâm chỉ có 15 cán bộ. Anh em rất vất vả trong công tác tuần tra rừng. Tính trên đầu người, một cán bộ phải quản lý đến 5.000 ha rừng. Nhưng chưa có ai tỏ ra chán nản với công việc”, ông Hà Duy Khiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Chẽ cho biết.
Một cán bộ trong tổ công tác phát quang rừng mùa hanh khô. |
Nói về cán bộ của mình, ông Khiên nhận xét: Với chức năng, trách nhiệm của mình, anh Nguyễn Văn Nam luôn nhắc nhở động viên anh em kiểm lâm cụm xã Nam Sơn, Đồng Đạc phối hợp với nhân dân thường xuyên nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách có hiệu quả. Ngoài ra, anh thường xuyên nhắc nhở anh em trong tổ công tác, tuần tra, bảo vệ rừng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Công việc thường ngày của anh Nam là cầm máy GPS, một tập giấy tờ, bản đồ, leo đến tận khắp các vùng rừng ở xã Đồn Đạc. Có những điểm bất thường, những cánh rừng có thể bị thiêu trụi trong khoảnh khắc, anh cũng luôn tự mình xử lý nhanh bằng nghiệp vụ.
“Vất vả nhất, tốn nhiều thời gian nhất vẫn là công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Nhưng đến nay, trên địa bàn tôi phụ trách không còn hộ nào tỏ ra bất mãn, thiếu thốn đến mức đốt rừng làm nương rẫy. Thêm vào đó, họ còn biết giáo dục con cái chăm chỉ học hành, không lên rừng chặt cây lớn, tận diệt hệ sinh thái... Tôi lấy đó là niềm hạnh phúc nhất”, anh Nam tâm sự. |