| Hotline: 0983.970.780

'Nam tiến' chặn đánh bắt vi phạm IUU

Vì sao phải 'lặn lội' phương xa?

Thứ Hai 19/09/2022 , 08:26 (GMT+7)

Tàu cá đánh bắt vi phạm IUU của ngư dân không về địa phương mà 'lưu vong' tận miền Nam buộc ngành chức năng tỉnh Bình Định phải 'vi hành phương Nam' để ngăn chặn…

LTS: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký phê duyệt Đề án "Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025", ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Đề án đặt mục tiêu hoàn thành 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC)-2009 (Hiệp định PSMA).

Loạt bài này phản ánh cách làm chủ động, quyết liệt của chính quyền tỉnh Bình Định nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ.

Dù rất quyết liệt nhưng vẫn “bó tay”

Những năm gần đây, không khí chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để gỡ “thẻ vàng” thủy sản ở Bình Định luôn nóng ở mọi nơi. Tỉnh thì thường xuyên có những cuộc họp chuyên đề về IUU. Các địa phương ven biển thì bận rộn tuyên truyền những quy định mà ngư dân phải tuân thủ trong khai thác hải sản. Ngành chức năng thì mắt “dán” vào màn hình tại trạm bờ để theo dõi xem có tàu cá nào vượt ra ngoài ranh giới thông qua thiết bị giám sát hành trình hay không. Các cảng cá thì thêm rất nhiều việc, nào là kiểm tra tàu cá xuất nhập bến, xác nhận hải sản đánh bắt…

Công tác chống khai thác bất hợp pháp được Bình Định triển khai bằng nhiều hình thức, nhưng chỉ mới đạt mức thuyên giảm chứ chưa chấm dứt hẳn. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Định vẫn có 5 tàu cá với 30 ngư dân bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ vì đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, còn có 2 tàu cá khác cùng 10 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia tịch thu thủy sản rồi thả trên biển.

Tàu  cá của ngư dân Bình Định hoạt động ngoài khơi xa. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu  cá của ngư dân Bình Định hoạt động ngoài khơi xa. Ảnh: V.Đ.T.

Những tàu cá vi phạm nói trên có chiếc không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có chiếc đã lắp đặt nhưng bị mất tín hiệu; có chiếc chiều dài dưới 15m mà vẫn “cả gan” hoạt động vùng khơi, trong khi theo quy định tàu có kích cỡ này chỉ được phép đánh bắt vùng lộng hoặc ven bờ. Điểm chung của những tàu cá vi phạm này là suốt mấy chục năm không một lần về địa phương, cứ bám riết các cảng cá ở miền Nam để hoạt động.

Thực trạng trên là nỗi lo lớn của chính quyền và ngành chức năng Bình Định. Bởi, địa phương nào còn tàu cá vi phạm IUU thì lãnh đạo cấp dưới phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo cấp trên. Đáng quan ngại nhất là nếu Việt Nam vẫn còn 1 tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài thì chẳng những đã không gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ lãnh “thẻ đỏ”, đến khi ấy thì thủy sản Việt Nam “đứt đường” xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nóng, IUU nóng mọi nơi!

Xác định việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm góp phần với cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về thủy sản xuất khẩu, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Bình Định đã dành phần lớn thời gian cho công tác này.

Cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã đồng loạt vào cuộc. Ngành chức năng Bình Định thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện tại các địa phương ven biển. Tỉnh ủy Bình Định còn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố ven biển thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đưa nội dung “tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Tàu cá của ngư dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) neo đậu tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá của ngư dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) neo đậu tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, trong chống đánh bắt bất hợp pháp, việc xử phạt vi phạm hành chính các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử, trong năm 2021, Bình Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 tàu của năm 2020 và 2021 với số tiền 11,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mãi đến nay các án phạt nói trên vẫn chưa thi hành, do hoàn cảnh của chủ tàu nên không thể tổ chức cưỡng chế theo quy định, dẫn tới tâm lý “lờn mặt” đối với những ngư dân đã hình thành trong đầu ý định chủ động đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài để đạt sản lượng.

Một bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính những chủ tàu vi phạm là mức xử phạt hiện nay trên 900 triệu đồng đối với 1 trường hợp, chủ tàu vi phạm ít nhất phải có 2 căn nhà trở lên mới cưỡng chế được, nếu người vi phạm chỉ có 1 căn nhà thì không thể cưỡng chế. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết "các địa phương đang rốt ráo xác minh nguồn lực kinh tế, tài sản của các chủ tàu vi phạm, nếu họ có khả năng mà cố tình chây ỳ sẽ áp dụng biện pháp mạnh”.

Hoạt động của tàu cá ngư dân Bình Định tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Hoạt động của tàu cá ngư dân Bình Định tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Cọc đi tìm trâu”

Cả 5 tàu cá đánh bắt vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ từ đầu năm đến nay ở Bình Định đều tập trung tại huyện Phù Cát, 3 chiếc ở thị trấn Cát Tiến, 2 chiếc ở xã Cát Minh. Sự thể này đã khiến ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Phù Cát phải tổ chức họp kiểm điểm các địa phương có tàu vi phạm, đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đoàn công tác liên ngành đi vào các tỉnh ở miền Nam, nơi tàu cá Bình Định “tá túc” để ký kết quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU và gặp gỡ ngư dân để tuyên truyền, vận động.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm lãnh đạo UBND xã Cát Minh và thị trấn Cát Tiến, 5 chủ tàu vi phạm thì đang bị Malaysia bắt giữ nên chưa tổ chức kiểm điểm được, chỉ 2 chủ tàu cá bị lực lượng chức năng Malaysia kiểm tra, tịch thu thủy sản trên biển rồi thả về đã bị kiểm điểm trước dân”.

Ngư dân khai báo tàu cá xuất nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân khai báo tàu cá xuất nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Luận, trong 5 tàu cá bị Malaysia bắt giữ chỉ có 1 tàu có chiều dài trên 15m, có gắn thiết bị giám sát hành trình, còn lại 4 chiếc kia đều có  chiều dài dưới 15m và không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên ngành chức năng không quản lý được, thậm chí có tàu có công suất chỉ 50CV.

Đặc biệt, những tàu cá vi phạm nói trên lâu nay ở miết trong miền Nam chứ không về địa phương (khoảng 80 - 90% số tàu của huyện Phù Cát thuộc diện này). Xong chuyến biển, lúc tàu cập bờ bán sản phẩm, thuyền viên tranh thủ về thăm nhà, nhưng thường là vợ con ngư dân từ Bình Định vào thăm chứ chủ tàu thuyền viên không về. Hiện ở Bình Định có những chuyến xe chuyên chở vợ ngư dân vào thăm chồng ở các tỉnh miền Nam mỗi khi tàu cập bờ.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) xác nhận hải sản đánh bắt để thực thi IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) xác nhận hải sản đánh bắt để thực thi IUU. Ảnh: V.Đ.T.

“Hầu hết các ngư dân, gia đình chủ tàu đều đã ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Vi phạm chủ yếu là những tàu có chiều dài dưới 15m không được lắp thiết bị giám sát hành trình, lại hoạt động ở các cảng cá trong miền Nam chứ không về địa phương nên ngành chức năng và chính quyền địa phương rất khó kiểm soát”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, chia sẻ.

“Trâu không tìm cọc” thì giờ “cọc phải tìm trâu”, từ ngày 8/8 đến 14/8/2022, Sở NN-PTNT Bình Định thành lập đoàn công tác liên ngành đi các tỉnh miền Nam để tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt vi phạm IUU để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, huyện Phù Cát cũng cử cán bộ tham gia”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.