| Hotline: 0983.970.780

Vì sao ngư dân chưa 'kết' đèn LED?

Thứ Hai 16/04/2018 , 15:05 (GMT+7)

Từ năm 2011 đến nay, các tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) của ngư dân tỉnh Bình Định hầu hết đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng.

15-50-24_1
Đèn cao áp bóng tròn tỏa ánh sáng rộng khắp bốn phía dẫn dụ được nhiều cá đến ăn mồi

Theo phương pháp này, các tàu được bố trí rất nhiều bóng đèn cao áp. Trong các loại bóng đèn hiện có mặt trên thị trường, đèn LED là thiết bị chiếu sáng “siêu” tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ngư dân vẫn chưa “kết” đèn LED bởi những hạn chế của nó khi sử dụng.
 

Có ánh điện là có cá

Từ thực tế đánh bắt CNĐD, ngư dân phát hiện ra ánh sáng điện trên tàu cá thu hút mạnh các loài phù du sinh vật sống trên biển, mực xà thì tìm đến ánh sáng để “xơi” phù du, trong khi mực xà là món ăn khoái khẩu của CNĐD. Do đó, nơi nào có mực xà là có CNĐD, đồng nghĩa ánh sáng điện dẫn dụ được cả CNĐD. Từ phát hiện này, từ năm 2011 đến nay, hầu hết tàu câu CNĐD ở Bình Định đều chuyển từ phương pháp câu truyền thống (câu vàng) sang câu tay kết hợp ánh sáng.

Ngoài máy chính để chạy tàu, mỗi tàu cá chuyên hành nghề đánh bắt CNĐD còn được lắp 1 máy phát điện có công suất từ 35 - 60kVA, điện áp từ 220 - 380V. Bình thường, mỗi tàu được bố trí 17 bóng đèn cao áp, 16 bóng đèn được bố trí đều 2 bên mạn tàu và 1 bóng ở đuôi tàu (phía lái). Mỗi bóng đèn có công suất 1.000W, tổng công suất chiếu sáng trên tàu là 1.700W. Bóng đèn không sử dụng máng, để ánh sáng chiếu tỏa bốn hướng. Độ cao bóng đèn so với mặt bong tàu là 2,5m, khoảng cách giữa các bóng đèn là 0,65m.

Khi sử dụng đèn để dẫn dụ cá, các trụ gắn đèn được kéo ra 2 bên tạo với trục thẳng đứng góc 75 độ. Khi tàu cập về các cảng cá, các trụ gắn đèn được dựng đứng thẳng lên để hạn chế va chạm với các tàu cá khác.

Theo nghiên cứu của TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, thể tích chiếu sáng càng lớn thì khả năng thu hút cá càng cao.

15-50-24_2
Cả những tàu vỏ thép 67 mới đóng cũng được lắp bóng đèn cao áp 1.500W

“Thuộc tính của cá ngừ là không thích ánh sáng, nhưng chúng tập trung quanh nguồn sáng là do ánh sáng dẫn dụ được mực xà, mà mực xà là món ăn khoái khẩu của cá ngừ. Do đó, cá ngừ tập trung quanh nguồn sáng để kiếm mồi và cắn câu”, TS Vinh cho hay.
 

Những hạn chế của đèn LED

Khi sử dụng đèn cao áp (metal halide), ngư dân còn gọi là đèn siêu, có công suất từ 1.000 - 2.000W bật suốt đêm để đánh bắt trong suốt chuyến biển, ngư dân phải chịu khoản phí tổn không nhỏ về nhiên liệu chạy máy phát điện. Khi thị trường xuất hiện thiết bị chiếu sáng siêu tiết kiệm năng lượng là đèn LED, ngư dân rất hồ hởi tiếp cận. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, đèn LED đã bộc lộ những nhược điểm trong đánh bắt.

Ngư dân Văn Công Việt, chủ tàu cá chuyên đánh bắt CNĐD mang số hiệu BĐ 91189 TS (công suất 380CV) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cho biết, tàu BĐ 91189 TS của ông đang sử dụng 32 bóng đèn cao áp. Qua tìm hiểu, ông Việt biết là sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng được đến 70%, nhưng khi áp dụng làm nguồn sáng để đánh bắt CNĐD thì bộc lộ nhiều nhược điểm.

Ông Việt phân tích: Đèn cao áp bóng tròn, không sử dụng máng, nên ánh sáng chiếu xuống biển có độ sâu và tỏa rộng bốn hướng, còn đèn LED chiếu sáng độ sâu kém hơn và vùng sáng khu biệt một chỗ. Trong khi ánh sáng để dẫn dụ mực xà đến ăn phù du sinh vật sống ở biển, còn cá ngừ thì tìm ăn mực xà nên dính mồi. Vùng sáng yếu thì không thu hút được mực, đồng nghĩa không kéo được cá ngừ đến.

15-50-24_3
Hơn 90% tàu câu CNĐD của ngư dân Bình Định sử dụng bóng đèn cao áp

Hơn nữa, phổ ánh sáng của đèn cao áp mang tính tự nhiên nhiều hơn đèn LED nên thu hút được nhiều sinh vật biển hơn. Đặc biệt, đèn LED được thiết kế cả cụm gồm máng, bóng đèn, tăng phô… nên khi bị sự cố một bộ phận cũng phải thay trọn bộ, trong khi 1 cụm đèn LED hiện có giá rất đắt.

Trong khi đó, đèn cao áp được thiết kế tăng phô riêng, bóng đèn riêng, hư thứ gì thay thứ đó, vừa tiện vừa đỡ tốn chi phí hơn.

“Sử dụng đèn LED chắc hẳn là đỡ rất nhiều nhiên liệu chạy máy phát điện, nhưng do ánh sáng yếu nên không thu hút được cá, đồng nghĩa là đánh bắt không đạt sản lượng. Thực tế như vậy thì khoản nhiên liệu tiết kiệm được kia không có ý nghĩa gì. Anh em ngư dân chúng tôi hay nói đùa là: “Tiền điện chính lũ cá trả chứ anh em mình có trả đâu mà lo. Do vậy, hiện hơn 90% tàu câu CNĐD của ngư dân đều sử dụng đèn cao áp chứ không dùng đèn LED”, ông Việt bộc bạch.

“Với ưu điểm sẵn có là tiết kiệm đến 70% năng lượng, nếu nhà sản xuất đèn LED thiết kế lại để loại đèn này có ánh sáng chiếu sâu và tỏa xa hơn, đồng thời phổ sáng được tự nhiên hơn và được bố trí rời ra để ngư dân thuận tiện thay thế những bộ phận bị sự cố thì khi ấy chắc hẳn họ sẽ đồng loạt sử dụng thiết bị chiếu sáng siêu tiết kiệm này”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.