10 vấn đề cần làm rõ về quy hoạch cảng cá và khu tránh trú bão. Ngành nông nghiệp tự tin đạt kim ngạch xuất khẩu 54 tỷ USD trong năm 2022. Khẩn trương xử lý hiện tượng chặt bỏ cà phê xen canh sầu riêng. Thị trường cơ khí Việt Nam đến 2030 có thể đạt 300 tỷ USD.
10 VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ VỀ QUY HOẠCH CẢNG CÁ, KHU TRÁNH TRÚ BÃO
Phát biểu chỉ đạo về Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu 10 vấn đề cho Tổng cục Thủy sản và đơn vị tư vấn, thiết kế tập trung làm rõ, trước khi trình dự thảo. Trong đó nổi bật là:Thứ nhất, phân định rõ quy hoạch cảng và quy hoạch khu neo đậu. Trong đó, việc quy hoạch cảng cá phải gắn chặt với quản lý đội tàu.Thứ hai, quy hoạch cần tính toán cụ thể, chi tiết số tàu cho 3 miền. Đồng thời, xác định rõ số lượng tàu thường neo đậu và di trú.Thứ ba, quản lý sau đầu tư hạ tầng cảng cá quy hoạch cảng cá. Trong đó, phân định rõ đơn vị sự nghiệp, đơn vị đầu tư tư nhân sẽ quản lý những hạng mục nào.Thứ tư, xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào hệ thống cảng cá, khu neo đậu. Thứ năm, đánh giá cụ thể nguồn lợi biển không chỉ trong trung hạn mà còn cả dài hạn đến 2050.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỰ TIN ĐẠT KIM NGẠCH XUẤT KHẨU 54 TỶ USD TRONG NĂM 2022
Theo số liệu mới được Bộ NN-PTNT công bố, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm thủy sản đạt 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kì năm trước; trong đó xuất khẩu trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%. Cụ thể, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD… Nếu tiếp đà tăng trưởng như tháng 10, Bộ NN-PTNT tự tin sẽ cán mốc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt ngưỡng từ 53-54 tỷ USD, trong khi con số này của năm 2021 là 48,6 tỷ USD. Ngoài mục tiêu xuất khẩu, các mục tiêu khác cũng được ngành nông nghiệp đặt ra như tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; có trên 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
KHẨN TRƯƠNG XỬ LÝ HIỆN TƯỢNG CHẶT BỎ CÀ PHÊ XEN CANH SẦU RIÊNG
Hiện nay tại khu vực Tây Nguyên đang có hiện tượng người dân chặt bỏ cà phê xen canh trong vườn sầu riêng. Chi tiết hơn, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung lý giải, nguyên nhân là do trong nghị định thư về xuất nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, phía bạn yêu cầu chỉ cấp mã số vùng trồng cho những vườn trồng thuần, không chấp nhận vườn xen canh.Chỉ đạo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trải qua một chu kỳ giảm, hiện nay giá cà phê đang tăng trưởng tích cực, do đó cần phải có biện pháp để duy trì diện tích, sản lượng cây trồng này, tránh phản ứng thái quá với việc sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.Trong khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Trồng trọt cần có khảo sát thật sớm để đưa ra được văn bản khuyến cáo các địa phương chấn chỉnh hiện tượng này. "Nếu chậm thêm một ngày là có thêm một diện tích lớn cà phê bị chặt bỏ".
THỊ TRƯỜNG CƠ KHÍ VIỆT NAM ĐẾN 2030 CÓ THỂ ĐẠT 300 TỶ USD
Dự báo tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Hiện có hoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.Trong đó, thị trường máy phục vụ nông nghiệp nội địa bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm trên 20% thị phần.Với chủ trương hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng của Bộ NN-PTNT, nhu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ tăng lên, vậy nên các doanh nghiệp cơ khí cần có những chuyển biến để đạt được năng lực cạnh tranh trước làn sóng máy móc phục vụ nông nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài.