| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thanh long phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Thứ Sáu 08/09/2023 , 06:23 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Để rộng đường xuất khẩu thanh long chính ngạch bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn đầu tiên là được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Đã có 653 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu

Bình Thuận là “thủ phủ” sản xuất thanh long của cả nước và được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh này. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 28.000ha thanh long với sản lượng hơn 600.000 tấn.

Hiện tỉnh Bình Thuận đã có hàng trăm mã số vùng trồng thanh long. Ảnh: KS.

Hiện tỉnh Bình Thuận đã có hàng trăm mã số vùng trồng thanh long. Ảnh: KS.

Thanh long Bình Thuận chủ yếu tiêu thụ với 2 hình thức gồm nội địa và xuất khẩu. Trong đó, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại là phục vụ xuất khẩu. Đến nay thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường, chủ yếu khu vực châu Á gồm Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE và một số các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha); châu Mỹ (Canada, Mỹ); châu Đại dương (Úc, New Zealand).

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… yêu cầu thanh long của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu. Nói cách khác là để có thể xuất khẩu sang những thị trường trên, thanh long bắt buộc phải đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tiên là được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Thời gian qua, tại Bình Thuận, công tác quản lý và cấp mới mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu được thực hiện theo đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 653 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu và 318 mã số cơ sở đóng gói thanh long. Trong đó, 596 mã số vùng trồng đang hoạt động gồm 10 mã số xuất sang Nhật, 81 mã số xuất sang Mỹ, 94 mã số xuất sang Trung Quốc, 119 mã số xuất sang Hàn Quốc, 146 mã số xuất sang New Zealand và 146 mã số xuất sang Úc.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, địa phương hiện có 249 mã số cơ sở đóng gói thanh long đang hoạt động gồm: 1 mã số xuất sang Nhật, 2 mã số xuất sang Mỹ, 225 mã số xuất sang Trung Quốc, 1 mã số xuất sang Hàn Quốc, 10 mã số xuất sang New Zealand và 10 mã số xuất sang Úc.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Theo ông Đỗ Văn Bảo, từ khi trên địa bàn tỉnh thực hiện việc mã hóa vùng trồng thanh long đã mang lại nhiều ích như chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và ước lượng năng suất…, từ đó mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

“Đối với một số thị trường thì đây là tấm vé thông hành. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của một số thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc”, ông Bảo chia sẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, thời gian gần đây, số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh không những tăng lên nhiều mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng quy định hiện hành.

Bình Thuận đang nỗ lực đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu thanh long sang các nước. Ảnh: KS.

Bình Thuận đang nỗ lực đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu thanh long sang các nước. Ảnh: KS.

Ngoài cây trồng chủ lực là thanh long, hiện tỉnh bắt đầu mở rộng các loại cây trồng khác như chuối, xoài, nhãn, sầu riêng… Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt kiểm dịch động vật của Trung Quốc cũng như các quy định có liên quan.

Các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; cũng như có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại cơ sở.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiếp tục triển khai công tác cấp mới, cũng như thực hiện kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhằm tránh việc mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận nhấn mạnh.

Ông Trịnh Anh Hào, chủ trang trại thanh long Trịnh Anh Hào, ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, trang trại của ông có 30ha thanh long được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Hiện vườn thanh long của ông sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được liên kết với các công ty xuất khẩu thanh long sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc… Ông cho rằng, việc trang trại được cấp mã số vùng trồng như là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng, uy tín và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.