Hình thành chuỗi giá trị thanh long, giảm phát thải, phát triển bền vững. Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL. Cháy chợ Ba Đồn. Thái Nguyên điều chỉnh vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hình thành chuỗi giá trị thanh long, giảm phát thải, phát triển bền vững
(TRẦN PHI)
Trần Phi sx
Tại Hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam” do Bộ NN-PTNT và UNDP phối hợp tổ chức ngày 29/9, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, quan điểm của Bộ NN-PTNT là không tăng diện tích sản xuất thanh long, mà vẫn giữ ở 60.000-65.000ha, sản lượng khoảng 1,3-1,5 triệu tấn. Đặc biệt, sẽ tập trung củng cố nâng cao chất lượng, áp dụng các quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo Thứ trưởng Nam, để phát triển thanh long bền vững giảm phát thải, phải tập trung vào quy trình sản xuất đảm bảo an toàn; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và xây dựng được chuỗi cung ứng logictis thanh long. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thanh long Việt Nam, xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam ra thế giới.
Thứ trưởng Nam đề nghị phía UNDP tập hợp lại các kết quả đã đạt được từ Dự án của UNDP đang triển khai tại Việt Nam để tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ chương trình giảm phát thải nhà kính chuỗi giá trị thanh long.
Thứ trưởng Nam cũng giao Viện cây quả miền Nam phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam nghiên cứu tham mưu đề xuất cho Bộ đề tài nghiên cứu về xây dựng chuỗi giá trị thanh long, giảm phát thải, phát triển bền vững tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.
Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL
Kiều Trang – Văn Vũ
Ngày 29/9, WWF Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) công bố kết quả hoạt động xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL".
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết thời gian gần đây tình hình sạc lở bở sông tại khu vực ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu do vấn đề khai thác cát, sỏi không bền vững.
Trước thực trạng đó, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên phối hợp cùng WWF-Việt Nam nghiên cứu và xây dựng bộ dữ liệu ngân hàng cát khu vực ĐBSCL. Hội thảo nhằm giới thiệu về kết quả nghiên cứu đến cơ quan ban ngành và địa phương nhằm hỗ trợ công tác nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai và có giải pháp khai thác cát hiệu quả.
Theo kết quả báo báo, ước tính lượng cát khai thác trong 10 năm qua khoảng 35-55 triệu m3/năm, cao hơn rất nhiều so với lượng cát đổ về ĐBSCL (khoảng 2-4 triệu m3/năm). Đây một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất ổn định hình thái của ĐBSCL. Mặc dù lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông còn hạn chế nhưng với tốc độ khai thác hiện tại trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.
Theo đó việc khai thác theo hệ thống ngân hàng cát ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay là một bước quan trọng hướng tới quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng đồng bằng.
Cháy chợ Ba Đồn
Tâm Phùng
Chiều tối ngày 28/9, chợ Ba Đồn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), đã bốc cháy dữ dội. Do được cấp báo kịp thời, đám cháy đã được khống chế. Theo nhiều người cho hay, vào khoảng 19 giờ ngày 28/9, một đám cháy lớn bùng phát từ giữa chợ và nhanh chóng lan sang hai bên. Lúc này, phần lớn tiểu thương đã khóa ki ốt hàng hóa trogn chợ để về nhà.
Nhận được tin báo của người dân, lực lượng PCCC đã điều 4 xe chữa cháy, 1 xe chỉ huy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng với người dân kịp thời khống chế, ngăn chặn cháy lan qua khu vực lân cận và các kiot liền kề. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.
Tại hiện trường, 3 ki ốt bị lửa thiêu rụi hoàn toàn và 3 ki ốt bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại lớn về hàng hóa, rất may không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy bước đầu có thể do tiểu thương thắp hương ngày rằm tháng 8 bất cẩn nên để ngọn lửa bùng cháy.
Chợ Ba Đồn là trung tâm kinh doanh, thương mại của thị xã Ba Đồn, là nơi có số lượng lớn về hàng hóa, chủ yếu là các loại hàng hóa dễ cháy nổ. Năm 2015, tại chợ Ba Đồn cũng đã xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi 23 ki ốt với thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
THÁI NGUYÊN ĐIỀU CHỈNH VỐN PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Quang Linh
Chiều 29/9 đã diễn ra Kỳ họp thứ mười lăm – Kỳ họp chuyên đề Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV.Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét, thảo luận và quyết định thông qua 9 nội dung do UBND tỉnh trình.
Đáng chú ý, HĐND tỉnh Thái Nghuyên đã thông qua Nghị quyết về việc cho ý kiến điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương; quyết định danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 thực hiện tiểu dự án 2, dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên.
Trong đó, điều chỉnh giảm kết hoạch vốn hơn 8,2 tỷ đồng đã giao cho Ban Dân tộc Tỉnh. Điều chỉnh tăng 8,2 tỷ đồng cho các đơn vị gồm: Liên minh hợp tác xã tỉnh cùng UBND các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương và Phú Bình.