50 năm Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế. Các đại biểu quốc tế tham quan mô hình nông nghiệp giảm phát thải tại Cần Thơ. Nâng cao giá trị canh tác khoai mì tại Tây Ninh. Giá cau tăng cao kỷ lục.
Chiều nay tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) kỷ niệm 50 năm thành lập và ra mắt Chiến lược mới về Phát triển chăn nuôi bền vững. Kể từ năm 1999, ILRI đã đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam, triển khai nhiều dự án nghiên cứu quan trọng, từ an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, cho đến biến đổi khí hậu và sản xuất chăn nuôi bền vững. Những dự án này giúp nâng cao năng lực khoa học, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng giám đốc ILRI toàn cầu nhấn mạnh Chiến lược mới thể hiện cam kết của ILRI trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu thông qua đổi mới sáng tạo, cung cấp các giải pháp chăn nuôi bền vững. Đặc biệt, Chiến lược lấy Việt Nam là trung tâm tại khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực của ILRI nhằm cải thiện hệ thống chăn nuôi. Nhân dịp này, Bộ NN và PTNT trao tặng 02 Bằng khen cho Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế và Trưởng đại diện ILRI Khu vực Châu Á vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tin 2
CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC TẾ THĂM QUAN MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP GIẢM PHÁT THẢI TẠI CẦN THƠ
Thực hiện: Văn Vũ
Trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường Năng lực sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững ở Khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là Dự án CABIN), đoàn đại đại diện Bộ Nông nghiệp 4 Quốc gia, gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines đã đến tham quan Mô hình nông nghiệp tuần hoàn (thuộc Đề án triệu héc ta 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp của thành phố Cần Thơ) tại Hợp tác xã Tiến Thuân, huyện Vĩnh Thạnh. Theo đó, đoàn đã thăm mô hình trồng lúa giảm phát thải đầu tiên của thành phố cần Thơ, mô hình trồng nấm rơm, sử dụng rơm làm đệm lót sinh học, sử dụng rơm làm thức ăn cho bò và mô hình và mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rơm để bón lại cho cây ăn trái, đồng ruộng và hoa màu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI cho biết, Đề án triệu héc ta 1 triệu ha đã đưa ra các giải pháp quản lí rơm, rạ bền vững, tận dụng rơm, rạ làm tài nguyên sử dụng cho sản xuất, làm giảm ô nhiễm môi trường và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Tin 3 NÂNG CAO GIÁ TRỊ CANH TÁC KHOAI MÌ TẠI TÂY NINH
Thực hiện: Trần Phi
Cũng trong ngày hôm nay, 15/10, hội thảo "Nâng cao giá trị canh tác khoai mì - Tăng năng suất và hàm lượng bột" đã diễn ra tại Tân Châu, Tây Ninh. Sự kiện do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nông dân và chuyên gia trong lĩnh vực.
Tại hội thảo, Chuyên gia khoai mì Nguyễn Trọng Hiển - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã chia sẻ nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất và chất lượng khoai mì, nhấn mạnh việc phát triển các giống sắn kháng bệnh, gắn kết chế biến với vùng nguyên liệu, và khuyến khích nông dân chuyển từ phân hóa học sang sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để canh tác.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng khoai mì tỉnh Tây Ninh, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sự kiện hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con nông dân trong việc phát triển canh tác khoai mì bền vững.
Tin 4 Quỳnh Anh Khai thác
GIÁ CAU TĂNG CAO KỶ LỤC
Thời gian gàn đây, giá thu mua cau tươi tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tục tăng cao, từ 40.000 đồng/kg vào đầu vụ, đến nay đã lên đến hơn 80.000 đồng/kg và giữ mức giá này trong nhiều ngày. Cau tươi sau khi được thu mua ở các nhà vườn sẽ được thương lái đem bán lại cho các chủ vựa để sơ chế, sấy thành cau khô, xuất sang thị trường nước ngoài; trong đó, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Giá cau tăng cao khiến người dân rất phấn khởi, tuy nhiên, theo các ngành chức năng, đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vì vậy người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà nên trồng xen canh với các loại cây khác, để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng.