80% cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm chất lượng cao. Sơn La phát triển thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Bắc. Giá mít Thái vượt mốc 31.000 đồng/kg. Xuất khẩu cá tra đạt hơn 187 triệu USD trong tháng 8.
80% CƠ CẤU NGÀNH GẠO XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM LÀ GẠO CHẤT LƯỢNG CAO
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng từ 15 - 20% từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng này cho thấy nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp từ đầu năm tới nay. Để duy trì chất lượng, ngành gạo nỗ lực xây dựng những vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung chế biến với 80% dòng gạo thơm, hữu cơ.Nhiều chuyên gia nhận định, sau 10 năm tái cơ cấu ngành gạo, hiện có tới 80% cơ cấu của ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng cao, gạo thơm và đặc sản. Điều này lý giải vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có giá cao hơn gạo Ấn Độ và có thời điểm cao hơn gạo của Thái Lan nên luôn có thị trường ổn định.
SƠN LA PHÁT TRIỂN THÀNH TRUNG TÂM NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÙNG TÂY BẮC
Tỉnh Sơn La đã được cấp 220 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.800 ha cây ăn quả và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, 702 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, hơn 30% HTX có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hiện, Sơn La có gần 100 doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã có kế hoạch triển khai 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Sông Mã. Mỗi khu nông nghiệp sẽ chuyên canh từng loại cây trồng và sản xuất nông nghiệp khác nhau.
GIÁ MÍT THÁI VƯỢT MỐC 31.000 ĐỒNG/KG
Các vựa tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang… cho biết, giá mít Thái hôm nay 2/9 tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, mít loại 1 đã lên đến 30.000 đồng/kg, mít loại 2 là 20.000 đồng/kg. Còn thương lái vào vườn mua mít loại 1 với giá 28.000 đồng/kg và mít loại 2 là 18.000 đồng/kg. Còn mít loại 3 không tăng không giảm so với hôm qua, vẫn nằm ở mức 11.000 đồng/kg đối với giá thu mua tại vựa và từ 9.000 đồng/kg đối với giá mua tại vườn. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, giá mít Thái loại 1 đang thu mua ở mốc 31.000 đồng/kg, mít loại 2 đạt mức 21.000 đồng/kg.Theo nhận định của nhiều người dân, trong thời gian tới, giá mít Thái có thể tiếp tục tăng. Từ đó giúp người dân có lợn nhuận hơn từ việc bán mít sau thời gian dài thua lỗ trước đó.
XUẤT KHẨU CÁ TRA ĐẠT HƠN 187 TRIỆU USD TRONG THÁNG 8
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giữa bối cảnh xuất khẩu thủy sản hạ nhiệt do tác động tiêu cực của lạm phát thì sản phẩm cá tra vẫn giữ được sự ổn định với giá trị hơn 187 triệu USD trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng qua, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ thị trường Nga, xuất khẩu cá tra bị giảm 12% do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine. Còn tại các thị trường khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 đến 3 con số. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã nhập khẩu gần 500 triệu USD các sản phẩm cá tra, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 29% thị phần. Thị trường thứ 2 là Mỹ đạt 428 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 25% thị phần.